Nhớ những ngày khó khăn trên đất Quế Lâm


Lúc tôi viết lại những dòng này, đã là cuối năm 2014, nhìn qua cửa sổ phòng hàng cây lim trắng đã trút lần lượt hết những lá già cuối cùng để lại trên cây những lá non mơm mở trông sao đáng yêu thế! Có lẽ nào cũng giống cuộc đời này vậy, lớp già lần lượt ra đi đều như mong muốn gắng để lại điều gì tốt đẹp hơn cho thế hệ sau. Đã 48 năm trôi qua mà kí ước còn đọng những kỉ niệm xưa mà như mới hôm qua thôi:









NHỚ NHỮNG NGÀY KHÓ KHĂN
TRÊN ĐẤT QUẾ LÂM



(Tưởng nhớ những người bạn thời niên thiếu đã từng chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi trong những ngày tháng của năm 1967-1968 ở Quế Lâm như Bá Linh, Tiến Quân, Chu Quang, Mạnh Minh, Nguyên Trọng và bao bạn bè cùng trang lứa đã hy sinh…)


Hoàng Anh

Nguyễn Hoàng Anh


Hoàng Anh
0908 414 218, hoanganhngtk115@yahoo.com.vn
SG

1972

05/2014


Ngày 26/11/1967 chúng tôi đươc lệnh thu xếp quân tư trang, tạm biệt trường Y Trung, chuyển sang trường mới ở Phong Khẩu, Đây là khu trường học nội trú mà các bạn Trung Quốc mới gấp rút xây cho học sinh Việt Nam, từ cổng vào khu hiệu bộ nằm giữa, khu cấp 2 nằm bên trái, các lớp cấp 3 nằm bên phải, bếp ăn và khu thể thao, bể bơi nằm phía sau các lớp cấp 2, có một điều cũng khá trùng hợp với trường Y Trung là ở đây cũng có một khối núi đá nhỏ hơn trường cũ, nằm trấn ngay giữa trường. Cả khu trường có tường xây bao quanh, nằm lọt thỏm trong một vùng núi đá vôi lô nhô cùng thấp thoáng với các giải rừng thông non quây quanh trường, ở đây gần như tách biệt với dân cư địa phương khá xa, kiến trúc mỗi nhà gần như được xây cùng một kiểu 2 tầng khá khang trang, nối giữa các khu nhà là các lối đi bằng bê tông thẳng tắp, dọc ngang kiểu bàn cờ, hai bên lơ thơ là hàng cây non thưa thớt mới trồng, khi các lớp nhận vị trí của mình, thì vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng, một số chỗ còn chưa xong, mùi sơn mùi vôi vẫn còn nồng nặc, như khu thể thao, bể bơi, vườn hoa..Tuy vậy chúng tôi vẫn rất thích vì lần đầu tiên được sống và học tập trong một khu trường mới và nhất là sắp có một bể bơi…
Thời tiết khu vực này có lẽ do không khí quét qua giữa các khe triển núi đá, gió thì to lồng lộng, trời lại đang mùa đông nên rất rét. Có nhiều hôm ngủ dậy nhìn ra ngoài cửa sổ tuyết rơi, phủ dày đặc trắng xóa hết cả vùng, lũ trẻ chúng tôi sung sướng hò nhau ra chơi trò ném tuyết, đắp tượng người tuyết úp xô lên đầu làm mũ...
Sau khi bắt tay vào dọn dẹp chấn chỉnh chỗ ăn ở, chúng tôi bắt tay ngay vào học tập, cho kịp thời gian kết thúc học kì 1 của lớp 7 niên khóa 1967-1968 vào trước tết Mậu thân, các lớp được bố trí ngay tầng dưới chỗ ở, do chương trình cuối cấp nên bài vở có khó hơn nên đứa nào trong bọn tôi cũng sợ. tổng kết cuối kì tôi cũng hú hồn, khi thấy điểm giảng văn là môn tệ nhất từ trước tới nay được 5.
Do trường chưa xây kịp khu lò hơi, thỉnh thoảng bếp cũng tổ chức đun nước cho học sinh nhưng vì nước ít, người lại đông, lại chẳng có gì đựng, xô thùng cũng hiếm, pha chế cũng rắc rối, nên việc tắm giặt khá khó khăn, trời thì lạnh, có tên cũng lười cả tuần không thèm tắm, giặt, vứt đồ bẩn ra, lấy luôn đồ thằng khác mặc, vì lính tráng quần áo giống nhau nên cũng chẳng biết đâu mà tìm. Nhớ có lần buổi tối khá rét, thấy trời hơi bớt gió, tôi với Đoàn Quân chịu không nổi cái bẩn cái ngứa, lén liều mình hít thở vận nội công mặc mỗi quần đùi, nhào ra tắm thẳng cái vòi nước máy lạnh tưới cây ngòai đường, dùng khăn chà cho nóng, dội ào ào mấy cái, rồi nhảy đại trong chăn mà vẫn run cầm cập, mấy đứa cùng tiểu đội nhìn thấy cũng tròn mắt kinh ngạc… may mà các thầy, các chú quân y không thấy.
Tình hình Cách mạng văn hóa của Trung Quốc lúc này, đang vượt quá tầm kiểm soát của nhà nước, Các cuộc thanh trừng, xử bắn các kẻ thù của giai cấp, các phe phái như Liên chỉ, Tạo phản bắt đầu dùng cả súng đạn để nói chuyện với nhau, tiếng súng pháo ì ầm từ thành phố vang đến tận trường chúng tôi, nhiều hôm lũ trẻ con còn thấy những đám cháy khói đen đặc như hồi Mỹ bỏ bom kho xăng dầu bên nhà, việc cung cấp lương thực thực phẩm cho trường trở nên hết sức khó khăn, có thời gian hết cả lương thực, nhà trường phải cử người cùng bạn theo xe cắm cờ Đặc Thông ra thành phố lấy thực phẩm, lương thực…đang lấy thì 2 bên lại bắn nhau, thế là chạy như ma đuổi về, may mà chưa ai bị gì.
Do khó khăn nên có giai đoạn toàn trường phải ăn cơm chỉ với mắm, có kỳ không chở được gạo mà lấy nhầm phải nếp làm cả trường ăn cơm nếp suốt, có lúc thì ăn cơm với một thứ rất lạ tôi chưa từng ăn, giống đậu phụ ngâm trong một thứ nước nhờ nhờ, mằn mặn, cay cay…lúc đầu không quen nên rất khó ăn, sau này tôi mới biết đó gọi là chao một thứ chay thường dùng cho các sư thầy trong các chùa. Cơm rau, thịt trở thành hiếm trong một giai đoạn khá dài.
Có lần trong bữa ăn cả trường chúng tôi được phát thêm cam, mắc cọc! nhìn những trái cam còn nhỏ và xanh, chúng tôi tò mò sau mới biết lính nhóc nhà ta đi chơi hái trộm bị công xã giận họ cho hái sạch mang biếu luôn cho trường… thế là các thầy lại họp lại kiểm điểm, nhắc nhở lũ trẻ con còn quẹt mũi chưa sạch, xa cha mẹ, thiếu mọi thứ… nào là tinh thần quốc tế, hữu nghị trên cái đất nước bạn còn đại loạn mà tôi cũng không hiểu nó có thấm chút nào không!










Cái tết Mậu thân năm 1968 là cái tết thứ 2 chúng tôi sống trên đất bạn, cũng vào thời điểm cực kỳ khó khăn của bạn, nên tưởng được sống học tập trong hòa bình nhưng té ra không phải thế. Ở trong nước, ta đang bí mật chuẩn bị tổng tiến công nổi dậy ở toàn miền Nam, trước mấy ngày tết năm đó tôi bị sốt cao, nhà trường cũng như học sinh cũng trong trạng thái căng thẳng lo lắng. Tối hôm 30 tết chúng tôi chỉ có được một ít bánh kẹo để đón giao thừa, còn mùng 1 và mùng 2 tết chúng tôi tuy được nghỉ cũng chỉ ăn cơm bình thường…lũ trẻ một phần thì nhớ nhà, một phần lo lắng, cảm giác gần như không có tết, nên có đứa còn nghêu ngao hát chế kiểu chèo:

“Vui xuân năm nay, không có bánh chưng mà ăn,
Táo tầu không thấy, còn nói chi đến thịt gà
A ối à ối a tang tình tình tang…”

Cái thiếu cơm, gạo thực sự chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt học tập của chúng tôi, bằng sự mất điện mất nước liên tục. Trong thời gian sau tết đến khoảng mấy tháng hè năm 1968 do tình hình của bạn đã đến mức nghiêm trọng giữa các phe phái, nhà máy điện bị bắn phá, đường liên lạc thư từ báo chí, công văn từ bên Việt Nam sang cũng bị gián đoạn…
Nhà trường thầy trò chúng tôi đang đứng trước thử thách căng thẳng, học tập gián đoạn, nhưng với sự quyết tâm khắc phục khó khăn và với sự giúp đỡ tận tình của nước bạn bằng cách nêu cao tinh thần vượt khó, ở mỗi đơn vị tự tăng gia sản xuất trồng rau, dẫn nước từ nguồn về, bạn thì cấp máy nổ chạy điện, tích gạo dự trữ… đặc biệt là sự cố gắng của mỗi học sinh, của mỗi thầy cô.
Để cổ vũ tinh thần học tập của toàn trường, nhà trường đã phát động phong trào thi đua, nêu cao tính tự quản học tâp, lập các đội cờ đỏ duy trì nếp sống tốt trong các đơn vị, nên riêng kết quả học tập trong kì thi cuối cấp toàn khối 7 của bọn tôi đã đạt kết quả rất cao 52% chất lượng ( điểm 4,5), 100% số lượng( không ai bị điểm 1,2). Bản thân tôi trong 3 môn thi hết cấp cũng đạt 13 điểm và tôi cũng được đứng vào hàng ngũ đoàn thanh niên Lao Động Việt Nam trong thời gian kết thúc năm học.
Thời tiết lúc này đang chuyển sang mùa hè nên khá nóng nực, oi bức, mưa nắng rất thất thường, trời đang nắng chang chang đó chợt chốc mưa đổ ầm ầm, do nước hạn chế nên chúng tôi phải đi xa hơn, ra các vùng lân cận tìm các con suối để tắm rửa.
Các bữa ăn của đơn vị bắt đầu dần dần có cà tím luộc, đậu đũa, mướp và đăc biệt có món bí đỏ bọc bột chiên chắc có nhiều bạn còn nhớ….
Năm học lớp 8, khối chúng tôi chuyển sang khu cấp 3 bắt đầu bước vào học kì đầu tiên lớp 8, trong năm lớp 8 này về ngoại ngữ từ học Trung Văn chúng tôi bắt đầu chuyển sang học Nga Văn.
Ở đây tôi muốn nhắc đến một nhân vật có lẽ lớp tôi ai cũng nhớ, ai cũng mê đó là bạn Tuấn Hăm, dáng thấp béo lùn, rất vui tính, đặc biệt hắn rất nhớ và có tài kể chuyện kiếm hiệp, bạn bè thường được nghe vào trước giờ đi ngủ, nào là Tần Thúc Bảo trong Thuyết Đường, nào là anh hùng Lệnh Hồ Xung tay kiếm khách lẫy lừng đã vượt bao hiểm nguy, bao môn phái, làm sao đoạt được Tịch Tà Kiếm Pháp. Với cứ kiểu kể hồi sau sẽ rõ, từng chương, từng chương của Tiếu ngạo giang hồ đã đi dần vào giấc ngủ của lũ trẻ lớp chúng tôi hồi ấy.
Nhóm năng khiếu của các lớp vẫn duy trì sinh hoạt tập trung từ hồi còn ở Bắc Thái, ở lớp tôi có những bạn có năng khiếu thực sự như bạn Minh Nghĩa, Tuấn sáo, Công Thành, Lê Quý, Tạ Chính…lúc này chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ của trường, ngoài dàn nhạc, hát các bài đồng ca do một số thầy như thầy Tuyến, thầy Quý phụ trách như bài “Trường chinh ca”…, tôi còn “bị” phải tham gia vào tổ kịch của đại đội diễn vai con của người chiến sĩ thời chống Pháp đã hy sinh, sống trong trường TSQ, vở kịch muốn giáo dục là lớp cháu con phải luôn có lòng tự hào và sống xứng đáng với lớp người đi trước .
Một hôm, học sinh toàn trường nghe thông báo có một học sinh khóa trên bị chấn thương sọ não do đánh nhau phải đưa ra bệnh viện Quế Lâm cấp cứu có nguy cơ tử vong, ai cũng bàng hoàng, lo lắng, có mấy đứa thì thào kể trong trường mới xuất hiện các bồ, bè nhóm trong các lớp. chúng tôi không hiểu có phải chăng do tính hiếu động của trẻ mới lớn thích làm anh hùng?, do cuộc Cách mạng văn hóa vô sản đấu tố của bạn có ảnh hưởng đến mỗi học sinh? Và bố mẹ của bạn bị chết họ sẽ nghĩ sao đây? cho đến nay đây hầu như vẫn là câu hỏi còn bỏ lửng..
Cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ chủ yếu do sự không còn được an toàn trên đất bạn, nên bắt đầu phong thanh nghe đâu đó có tin chúng tôi sắp về nước trước thời hạn sau 2 năm ở trên đất Trung Quốc.
Vào cuối năm 1968 chúng tôi chính thức được lệnh trở về Việt Nam. Khi xe chở chúng tôi ra ga Quế Lâm qua những dãy nhà cửa ở đường phố, chúng tôi không khỏi kinh ngạc trước sự biến đổi, tàn phá của con người, khu đại lầu to lớn hôm nào mới đến đẹp đẽ là thế, mà giờ thì đổ nát, đầy vết đạn lỗ chỗ nham nhở. Trong tiếng rì rầm của xe ca, chợt có tiếng ai đó bất giác vang lên:“… Trông còn tàn hoang hơn Hà nội bị bom Mỹ…!.”
(Trích Tự sự Hoàng Anh K6)

Nguồn: FB Nguyễn Anh