224 - Về thăm An Mỹ, Đại Từ - Hoàng Đôn Hà K5, SRTKL2: 882-888



Về thăm An Mỹ, Đại Từ


HOÀNG ĐÔN HÀ *
Học sinh khóa 5

Nguyện vọng thăm lại đất cũ, trường xưa luôn âm ỉ trong mỗi chúng ta. Hễ có dịp là… a lê hấp… lên đường! Chuyến đi của chúng tôi về thăm An Mỹ, Đại Từ cũng vậy. Thời gian đó, đang công tác ngoài Hà Nội, nghe Ngọc Sơn, Lê Bình rủ rê, lại nghe nói có mời thêm hai cô bạn “đồng môn” Hạ Thanh Xuyên, Nguyễn Thị Mẫn đi cùng làm “mấy trai Sài Thành” (tôi và Kỳ Bắc) nhất trí giơ cả hai tay.

Sáng sớm 17 tháng 4 năm 2000, cả bọn lên đường. Anh em kiếm được chiếc Suzuki 7 chỗ làm phương tiện, có hơi chật vì “những tám mống” nên ai cũng xung phong mời Mẫn hoặc Xuyên “ngồi lên lòng”(!). Các bạn gái thì tế nhị phê bình: “Mấy bạn này già rồi mà còn… nghịch!”; riêng mấy anh em tôi thì cười khơ khớ: “Lính Trỗi mà! Tuổi 50 mà ngỡ như trẻ thơ…”. Phan Tuấn Khôi và tôi thay nhau làm tài xế. Trời hôm đó hơi xầm xì. Mặc! Chúng tôi vượt cầu Thăng Long rồi rẽ phải theo đường đi Đông Anh.

Đến thăm nhà anh Xã đội trưởngĐến thăm nhà anh Xã đội trưởng

Qua Phủ Lỗ, anh em tạt vào thăm Vĩnh Phúc (bạn học cùng khóa), nhà nằm ngay mặt đường. Về hưu, Phúc mở quán “cầy tơ bảy món” phục vụ bộ đội và dân quanh vùng. Nghe nói cũng đông khách. Vì mới sáng ra, chưa thể “dùng” đồ nhiều đạm nên chúng tôi hẹn lần sau sẽ tạt qua “ăn mở hàng”. Bắt đầu từ đây là những đồi chè chen nhau như mâm bát úp. Đường quốc lộ số 3 “ngon lành”, xe chạy chỉ hai tiếng là đến Thái Nguyên - thủ đô gang thép. Trước hình ảnh phố xá rộng rãi, nhà cửa san sát, dân cư đông đúc làm tôi chợt nhớ đến cái đêm thầy trò trường ta hành quân bằng xe tải quân sự, trùm kín bạt, từ Phố Thắng theo đường chiến lược qua Khu Gang thép. Đã quá nửa đêm, nhìn qua khe bạt thấy phố xá vắng tanh, chỉ lèo tèo vài bóng đèn nê-ông lờ mờ, yếu ớt… không khác gì một thành phố chết. Chiến tranh mà!

Vòng qua phía cầu Gia Bảy, xe chúng tôi ngược lên Đại Từ. Phố huyện sau bao năm đã thay da đổi thịt, cùng những dinh thự khang trang của Uỷ ban, Huyện uỷ và các cơ quan công quyền là những dãy phố san sát những căn nhà đúc hai, ba tầng được sơn phết bằng đủ các màu mè. Vẫn con đường cấp phối chạy từ phố huyện về An Mỹ, dọc theo bờ suối Cái. Đường xấu, xóc và hơi lầy. Qua Suối Chì, xe bị bati- nê, cả bọn xúm lại đẩy. Qua khỏi con dốc đến Trại Cau thì thấy dãy Tam Đảo sừng sững trước mặt nhưng không còn mầu xanh như năm xưa; con người đã dã man đốt nương, làm rẫy, đã chặt hạ gần hết cánh rừng nguyên sinh. Rừng loang lổ như da báo.

Đã 10 giờ sáng. Chúng tôi phóng thẳng vào thăm lại thác Bom Bom, xe lăn bánh theo con đường lâm nghiệp năm xưa. Nhớ lại ngày ấy, cứ chiều chiều, cả bọn cởi trần trùng trục, chạy từ lán trại tận trong rừng sâu ra thác, bơi lội thỏa thích. Ngoài trời dù nóng đến đâu nhưng khi đã vào đến khu vực Bom Bom thì thấy mát rượi. Đứa nào đã vào tới đây cũng phải leo lên tảng đá lớn, thực hiện một cú nhảy, lúc thì bông nhông cắm đầu, khi thì ngửa lưng hay “nhảy dù”... Vũng đã sâu lại nhiều nước nên không hề nguy hiểm cho những cú nhảy ngoạn mục. Nước mát lạnh. Ngay sát bờ vực có hai cây trám trắng và trám đen cao đến 20-30m, mấy “xạ thủ” Văn Lịch, Hoài Lưu, Thành Bắc… thường lấy súng cao su bắn rụng trám cho anh em ăn. Vị trám chan chát, lấy hai tay làm một vốc nước suối bỏ miệng thì thấy ngay một vị ngọt có hậu. Còn hôm nay… nước cạn kiệt, cái vũng Bom Bom nông choèn choèn, trơ ra cái tảng đá ngày xưa ta vẫn làm cầu nhảy. Cây cối lớn bên bờ vực bị chặt sạch, chỉ còn những bụi cây dại lúp xúp. Thật đau khổ! Hậu quả của nạn phá rừng bừa bãi. Cả bọn tiếc ngẩn ngơ, bao giờ mới có lại Bom Bom như những ngày nào?! Từ đầu nguồn nhìn xuôi theo dòng chảy thấy có những “đập nước mi-ni” chắn ngang suối; bà con lắp đặt những máy phát điện dùng sức nước loại nhỏ. Vậy là tuy chiến tranh qua đi đã hàng chục năm, mà mạng đện lưới quốc gia vẫn chưa vươn tới An Mỹ. Chúng tôi thấy có cả những đôi dây dẫn mỏng mảnh, mất an toàn, bám theo các cành cây dài đến cả cây số tới “hộ sử dụng”.

Thăm thú, chụp ảnh xong cũng đã trưa. Anh em đi trở ra và rẽ vào thăm xóm nhỏ ngay cửa rừng, gần với bếp ăn của C10 và C6 (ngày ta đóng quân năm 1966). Đây chính là cái xóm, lèo tèo vài mái nhà tranh nhưng rất nhiều bưởi. Nay thì có đến vài chục nhà gạch mái ngói, khang trang. Hỏi thăm bà con, chúng tôi tìm vào nhà anh xã đội trưởng ngày đó. Nghe lao xao đầu ngõ, anh chạy ra thì biết có học sinh trường Trỗi về thăm. Anh mời chúng tôi vào nhà. Bên ấm chè Thái mới pha, anh em chuyện trò râm ran. Gia đình đã xây được ngôi nhà gạch mái ngói, có vườn cây, ao cá theo mô hình VAC. Sau nhà anh là quả đồi rộng vài héc-ta đã nhận khoán của hợp tác để trồng chè. Khi thấy trong nhà có đầy đủ ti-vi, tủ lạnh, xe máy… ai cũng tấm tắc khen thì anh cười: “Cũng là nhờ cây chè đấy. Mỗi năm, anh thu hoạch tới dăm tấn chè mạn.”, rồi anh thông báo: Cái tên An Mỹ ngày xưa đã đổi thành Mỹ An và năm nay, xã nhà sẽ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vì có công xây dựng địa bàn thành an toàn khu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cũng đã đến bữa, anh mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Vẫn giữ thói quen ngày trong quân ngũ “không được làm phiền nhiễu nhân dân” mà Lê Bình đã kiếm đâu về hai chú gà trống thiến. Hắn nói: “Đi khắp xóm mới kiếm được cặp gà vì vừa mới qua dịch.” Anh em xắn tay chuẩn bị, chỉ một loáng là xong. Mẫn và Xuyên còn cẩn thận ra vườn xin được một rổ rau lang về luộc. Cơm vừa chín tới, trải mành mành thay chiếu, anh em tôi bày cơm canh ra sàn nhà. Bữa ăn chỉ có thịt gà luộc chấm muối tiêu chanh và rau lang luộc nhưng rất ngon miệng và ấm cúng. Vui vẻ trò chuyện, nhắc lại kỉ niệm xưa, anh em nâng lên hạ xuống chả mấy chốc hết veo hai chai rượu quê, nút lá chuối. Bao nhiêu năm rồi mà người dân An Mỹ vẫn vậy, vẫn chân chất, thật thà, vẫn gần gũi, thân thương.

Thăm đền kỷ niệm sự kiện 300 cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước về trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công.Thăm đền kỷ niệm sự kiện 300 cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân họp mặt
nghe công bố bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào cả nước về trách nhiệm
đền ơn đáp nghĩa với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công.

Khi chia tay gia đình, thấy trong nhà còn bao tải chè khô, chúng tôi xin mua về làm quà thì anh nói: “Đó là loại chè bán ra ngoài, còn với các cô chú thì phải dùng loại chè đặc biệt. Chờ anh một lát vì ở nhà vừa hết.” Anh sai con đi khắp xóm vét về được ba kí chè “xịn” và cương quyết không lấy tiền. Thật cảm động! Chúng tôi chào anh và gia đình rồi lên xe tìm về khu Hiệu bộ và Cung tiêu xã năm xưa. Cây đa cổ thụ không còn, thay vào đó là trạm xá do trường ta và Viện quân y 354 góp công cùng bà con xây dựng vào năm 1997. Ở An Mỹ vẫn còn nhiều hộ chưa thoát nghèo. Với đất cũ, người xưa, thầy trò chúng ta đã cố gắng làm được những gì có ích để phần nào đền đáp công ơn che chở, đùm bọc của bà con trong những năm tháng chống chiến tranh phá họai của giặc Mỹ.

Khu Trại Cau vẫn còn nhiều cau. Ngược trở ra Suối Chì, chúng tôi dừng xe lên thăm lại khu vực đóng quân. Ngày đó đại đội 6 nằm ở “vị trí tiền tiêu”, cách Trại Cau hơn 1km, cả khóa chỉ có mình Hạ Thanh Xuyên là con gái. Ngày ngày, bạn cứ lủi thủi đi theo con đường đồi ngoằn ngoèo đến lớp, mặc nắng mưa, mặc giá lạnh. Còn bọn con trai chúng tôi thì cứ vô tư học tập, nghịch ngợm mà không hề có chút quan tâm trước sự cô độc của cô bạn gái!... Đang ngơ ngác định hướng thì gặp một chị phụ nữ đi ngang qua. Hỏi ra thì biết chị tên là Thanh và từng là chiến sĩ nuôi quân của đại đội 10; sau này chị có sang Quế Lâm nhưng không chịu được rét nên phải về sớm. “Dân Trỗi” nhận ra nhau, chị cảm động nắm lấy tay từng đứa rồi dẫn chúng tôi về thăm nhà. Chị rót từng bát nước chè xanh mới hãm ra mời chúng tôi. Chị còn nghèo, chỉ có nhà tranh vách đất nhưng tình cảm với anh em chúng tôi vẫn như bát nước đầy. Khi biết chúng tôi là “dân khoá 5” thì chị nhắc lại chuyện cũ: “Khóa các em là nghịch nhất trường. Có đứa đã ụp cả chậu cơm lên đầu chị Quỳnh. Nhưng đấy cũng là chuyện xưa… Nhanh thật, vậy mà đã mấy chục năm!”. Hàn huyên rồi chị dẫn đi thăm khu doanh trại cũ. Cả quả đồi được phủ xanh bằng vườn chè bạt ngàn xen lẫn rừng bạch đàn. Đây là con đường mòn chạy xuống khu bếp ăn đại đội, đoạn giao thông hào chạy song song vẫn còn chứng tích. Ngày đó ở ngay đầu dốc xuống bếp có cây trám đen, các bạn có còn nhớ? Nay cây trám đã bị chặt sát gốc. Chúng tôi nghịch ngợm xúm lại, sờ tay vào gốc trám, xin “chứng dám cho sự có mặt” sau hơn 30 năm xa cách. Lưu luyến chia tay chị, chúng tôi lên xe về huyện. Kỳ Bắc không quên dúi vào tay chị mấy trăm ngàn làm quà.

Cách Suối Chì vài trăm mét có cái cầu gỗ bắc ngang qua suối, thấy phong cảnh hữu tình, chúng tôi dừng lại chụp ảnh. Trên đường về, chúng tôi đã tạt vào thăm một di tích lịch sử, văn hóa. Chính nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, đã chứng kiến sự kiện 300 cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào cả nước về trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa với thương binh, liệt sĩ và gia đình có công. Ngay giữa sân là một bia kỉ niệm tạc trên một phiến đá hoa cương lớn. Trong đền, ở gian chính có bàn thờ và tượng Bác. Chúng tôi vào thắp hương rồi quây quần nghe bác cựu chiến binh, đang trông coi đền, kể về sự tích của ngôi đền: “Để tưởng nhớ sự kiện lịch sử, để tưởng nhớ công ơn trời biển của Bác, nhân dân địa phương đã góp công sức và tiền bạc xây trên chính mảnh đất này ngôi đền này…”

Trời chiều ảm đạm, rời Đại Từ mà trong lòng thấy bâng khuâng. Không ai nói một lời. Hình như tất cả đang cố hình dung lại những gì đã xảy ra cách nay đã gần nửa đời người… Nhưng không thể buồn mãi, để đánh dấu cho ngày trở về, để sống lại đúng cái thuở ngày xưa, cả bọn quyết định tạt vào khu du lịch Hồ Núi Cốc ăn cơm chiều. Nói là “ăn cơm chiều” nhưng phải 12 giờ đêm mới kết thúc, lên xe ra về. Đúng 2 giờ sáng về tới Hà Nội và chúng tôi đã làm đúng cam kết với bố mẹ: không bao giờ đi chơi về trễ(!).

 

Sài Gòn, 27-7-2000
H.Đ.H




* - Hiện công tác tại Xí nghiệp liên hợp Ba Son, thành phố Hồ Chí Minh.