BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI TÁ BÙI KHẮC QUỲNH, nguyên Chính uỷ nhà trường, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập trường tại Hà Nội (15-10-1965 – 15-10-1995)
Thứ Bảy, tháng 4 11, 2009Kính thưa các vị khách quý,
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường,
Thưa các em học sinh cũ của Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi thân mến!
Cách đây 30 năm, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 171/QĐQP ngày 15 tháng 10 năm 1965 về việc tổ chức Trường Văn hóa quân đội Nguyễn Văn Trỗi do đồng chí Thiếu tướng Thứ trưởng Trần Quý Hai ký, giao nhiệm vụ: “Tổng cục Chính trị trực tiếp chỉ đạo toàn diện, mọi mặt công tác của nhà trường; Bộ Tổng Tham mưu giải quyết vấn đề biên chế và Tổng cục Hậu cần giải quyết mọi vấn đề vật chất cho nhà trường. Tận dụng cơ sở đã có của Trường Văn hóa quân đội và bổ sung thêm những thứ thật cần thiết, nhưng phải đảm bảo việc học tập văn hóa, chính trị, quân sự và nuôi dưỡng học sinh thật tốt”.
Công việc “trồng người” của Đảng, Bác, quân đội luôn luôn được xem trọng, chuẩn bị đội ngũ kế cận bổ sung cho yêu cầu chiến đấu và xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.
Nhìn lại 30 năm qua, những học sinh mặc áo lính “thế hệ Nguyễn Văn Trỗi” đến nay đã trưởng thành đáng phấn khởi: hơn 70% học sinh sau khi ra trường đã trở thành người lính thực sự và nay họ đã trở thành những cán bộ, sĩ quan trung, cao cấp của Nhà nước, quân đội. Trong chiến đấu, nhiều người đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung (học sinh khóa 5).
Kính thưa các đồng chí,
Thông qua thế hệ học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi - là lớp người cha chú, những cán bộ, giáo viên, công nhân viên của trường - không thể không tự hào về họ, đồng thời cũng nhận thấy việc giáo dục, rèn luyện và sử dụng con em cán bộ cách mạng theo truyền thống và lịch sử dân tộc, kết hợp với người hiền tài trong thiên hạ là một chính sách sáng suốt của Đảng, quân đội.
Nhìn lại lịch sử dân tộc, đời Lý lập nên Quốc Tử Giám (1076) với mục đích đào tạo, giáo dục con cái vương tôn, công tử để nối nghiệp cha ông giữ gìn bờ cõi.
Đời nhà Trần xây dựng Quốc Học Viện và Giảng Võ Đường (1253) đào tạo vương tôn, công tử và hiền tài trong thiên hạ nối nghiệp cha ông bảo vệ, xây dựng đất nước.
Đời nhà Lê (1460) cho khắc bia các tiến sĩ.
Đời nhà Nguyễn (1802), vua Gia Long cho xây Quốc Tử Giám ở Kinh đô Huế để dạy con quan và sĩ tử, hiền tài trong cả nước để phò vua trị nước.
Năm 1930, Đảng ta ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, đất nước ta giành được độc lập năm 1945. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Đảng, Bác đã chú trọng việc giáo dục đội ngũ cán bộ nòng cốt. Năm 1950, Đảng đã cho thành lập các trường Thiếu sinh quân (Trung ương và Quân khu IV) đào tạo chủ yếu con em cán bộ và gia đình có công với cách mạng để tạo nguồn cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và xây dựng đất nước sau này. Thực tế cho thấy, lớp học sinh đó đã tham gia đóng góp đáng kể cho đất nước, nhiều đồng chí sau này trở thành những cán bộ cao cấp - thứ, bộ trưởng, tướng lĩnh trong quân đội.
Năm 1960, Quân ủy Trung ương cho tổ chức một tiểu đoàn Thiếu sinh quân thuộc Trường Văn hóa quân đội.
Năm 1965, Quân ủy và Bộ Quốc phòng cho tổ chức Trường Văn hóa Quân đội Nguyễn Văn Trỗi.
Gần đây, Đảng, quân đội tiếp tục tổ chức các trường Thiếu sinh quân để rèn luyện, đào tạo một thế hệ tạo nguồn cho việc xây dựng quân đội lên chính quy, hiện đại.
Chúng tôi, những cán bộ đã tham gia đào tạo nhiều lớp Thiếu sinh quân, luôn tâm đắc và biểu thị sự nhất trí cao với chủ trương đào tạo nguồn cán bộ cho đất nước, cho quân đội từ lớp trẻ, đồng thời rất mong sau việc đào tạo, rèn luyện là công tác khai thác, sử dụng sao cho hợp lý và hiệu quả.
Kính thưa các đồng chí,
Hội thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi, mà trực tiếp là Ban Liên lạc của trường, trong những năm qua hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Các học sinh cũ thường xuyên gặp gỡ động viên, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác cũng như trong cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, các em luôn giữ được tình cảm thầy trò cao đẹp, nhiều em đã chủ động tích cực giúp đỡ một phần khó khăn của thầy cô. Cán bộ, giáo viên, nhân viên cũ của trường hết sức cảm động.
Nhân dịp ngày Hội trường lịch sử này, tôi xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các vị khách quý, các vị đại biểu, các phụ huynh học sinh và chân thành chúc sức khỏe tới toàn thể các vị, tới toàn thể cán bộ, học sinh cũ của trường.
Chúc các em học sinh cũ tiếp tục phấn đấu và có nhiều cống hiến xứng đáng hơn nữa!
Chúc các thế hệ Thiếu sinh quân mới đạt được nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện!
Chúc sự nghiệp đổi mới theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa của Đảng thành công rực rỡ!
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>