Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi - Những chặng đường



TRƯỜNG THIẾU SINH QUÂN NGUYỄN VĂN TRỖI
– NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG


(Trích bài phát biểu của thầy Nguyễn Đỗ (giáo viên Văn - Trợ lý giáo vụ) tại Họp mặt truyền thống 35 năm, thành phố Hồ Chí Minh (15-10-2000)

Kính thưa:

- Các bậc phụ huynh học sinh
- Các vị đại biểu
- Các thầy, các cô và các em học sinh thân mến!

Trong ngày vui hội ngộ hôm nay, ôn lại truyền thống và kỷ niệm về trường, chúng ta cùng nhớ lại bối cảnh ra đời của trường ta.
Ngày 27 tháng 7 năm 1965, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi “Thi đua sản xuất và chiến đấu chống Mỹ cứu nước”. Trong lời kêu gọi ấy, có đoạn Bác nói: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Lời kêu gọi như tiếng kèn xung trận thúc giục, cổ vũ nhân dân ta từ Nam đến Bắc bước vào thời kì kháng chiến oanh liệt nhất của dân tộc.
Trước đó 1 năm, tại Sài Gòn, ngày 15 tháng 10 năm 1964, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, con người “như chân lý sinh ra”, đã giành những phút cuối cùng của đời mình để làm nên lịch sử. Anh đã hiên ngang lẫm liệt trước họng súng của Mỹ - Ngụy, đã chiến đấu và hy sinh như một người cộng sản.
Sự hy sinh của Anh đã dấy lên một cao trào thi đua “Tất cả cho tiền tuyến”, đồng thời bùng lên khắp bốn biển năm châu một cao trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Trong bối cảnh lịch sử sôi động ấy, 3 tháng sau lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 15 tháng 10 năm 1965, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định số 171/QĐQP về việc tổ chức Trường Thiếu sinh quân mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Sự ra đời của Trường là một biểu hiện cụ thể của công cuộc “trồng người” của Đảng, Bác và Quân đội, là một nội dung của đường lối kháng chiến, kiến quốc, chuẩn bị đội ngũ kế cận cho kháng chiến lâu dài, cho xây dựng Quân đội và cho kiến thiết đất nước sau này.
Nhìn lại 35 năm qua, với niềm tự hào chính đáng, chúng ta có thể khẳng định rằng thầy và trò Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bộ Quốc phòng đã giao.
Chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong những ngày đầu ở Trại Cờ, Trại Hòe (Hà Bắc), ở An Mỹ – Đại Từ (Bắc Thái) để xây dựng trường sở. Thầy trò cùng tham gia đắp nền nhà, vào rừng đốn cây, chặt nứa làm lán trại. Học sinh bắt ngay vào nhịp sống lao động, có học sinh tham gia cất nhà như người thợ thực thụ, dân địa phương phải ngợi khen. Nhiều giờ học của các em phải dừng lại để xuống hầm trú ẩn. Đặc biệt, khóa 1 làm bài thi tốt nghiệp phổ thông trong tiếng gầm rú của máy bay Mỹ đảo lượn quanh vùng. Thầy và trò dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy nhà trường do Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh chủ trì, đã đoàn kết phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ các năm học trong điều kiện còn thiếu thốn về trang thiết bị cần thiết phục vụ giảng dạy và học tập.
Tiếp đó là những ngày Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi sang tá túc tại Quế Lâm (Trung Quốc). Dù được sống đầy đủ ở Y Trung hay ở Phong Khẩu, thầy và trò luôn hướng về Tổ quốc, hướng về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. “Thi đua dậy tốt, học tốt – vì miền Nam ruột thịt” là một phong trào thường xuyên sôi nổi của trường.
Trên 70% học sinh tốt nghiệp ra trường của 8 khóa đã lần lượt tình nguyện nhập ngũ phục vụ Quân đội lâu dài. Hoài bão được đứng ở tuyến đầu của cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt của nhiều thầy giáo và của các em học sinh được toại nguyện.
Tính cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây-Nam Tổ quốc, trường ta có:
- 1 thầy giáo – thầy Nguyễn Văn Phố – và 22 em học sinh đã anh dũng hy sinh, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung.
- Nhiều thầy giáo và học sinh được tặng thưởng huân chương chiến công.
- Các em học sinh công tác ngoài Quân đội trên lĩnh vực KHKT đã có những đóng góp đáng kể cho sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975, đất nước ta bước vào thời kỳ xây dựng, nhiều học sinh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi có mặt trên các lĩnh vực công tác quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các em đã tiếp bước Cha Anh, giữ vững và phát huy truyền thống Quân đội, tinh thần Nguyễn Văn Trỗi trong công cuộc xây dựng đất nước. Một số em trở thành cán bộ trung, cao cấp trong Quân đội, cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền; nhiều em đã có những công trình nghiên cứu về kinh tế, KHKT xuất sắc trong và ngoài nước.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tổng số 1130 học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyển Văn Trỗi có:
- trên 90% tốt nghiệp bậc đại học
- 104 em có học vị tiến sĩ
Riêng phía Nam có:
- 228 em là kỹ sư, cử nhân
- 30 em là bác sĩ, dược sĩ
- 21 em là tiến sĩ
- 50 em là giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp
- 30 em là cán bộ cao cấp trong Quân đội
- 2 em là đại biểu Quốc hội

Hôm nay, nhân ngày Hội trường kỷ niệm 35 năm thành lập, đề nghị chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh thành tích trong học tập, nghiên cứu, chiến đấu và công tác của 8 khóa học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi!
Trong thời kỳ đổi mới, tin tưởng rằng thầy và trò trường ta luôn giữ vững và phát huy truyền thống trường Thiếu sinh quân mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, luôn vững vàng về tư tưởng, chăm lo trau dồi đạo đức cách mạng, linh hoạt nhậy bén trong hành động để chuẩn bị cho mình hành trang bước vào thiên niên kỷ mới, có nhiều đóng góp hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối của Đảng, làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Các em học sinh thân mến!
Thay mặt thầy cô, cán bộ, công nhân viên nhà trường, tôi có đôi lời tâm sự cùng các em.
Ở phía Nam, đây là họp mặt toàn trường lần thứ 4. Mỗi lần gặp lại các em đông đủ như thế này, các thầy và các cô cũng rất mừng và rất cảm động.
- Mừng vì các em đã trưởng thành, nhiều và rất nhiều em thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác khác nhau.
- Mừng vì các em với độ tuổi trên dưới 50 chút ít, ngọn lửa hăm hở đang cháy đỏ trong lòng, sức bật đang mạnh, các em biết tận dụng nó để có nhiều đóng góp hơn nữa cho công cuộc kiến thiết quốc gia.
- Vừa mừng vừa cảm động vì đã 35 năm rồi, các em sống trọn nghĩa vẹn tình, thủy chung như nhất. Các em tìm đến nhau, vô tư giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đối với các thầy, thời gian không làm phai mờ nghĩa tình trong các em; các em tìm đến thầy cô thăm hỏi, vui buồn cùng chia sẻ. Thật hết sức cảm động, các em nhớ cả năm sinh của thầy để tổ chức mừng thọ, hoặc được tin thầy cô ốm đau, hay gia đình hữu sự, các em nhanh chóng tin cho nhau và đến với gia đình cùng lo liệu. Và các em luôn nhớ đến Trường với truyền thống vinh quang của nó. Các em luôn nhớ mình là “học sinh Trường Trỗi” và bằng việc làm cụ thể của mỗi em, các em đã làm vẻ vang cho trường Thiếu sinh quân của chúng ta.
Thay mặt cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, tôi nhiệt liệt hoan nghênh tình cảm trong sáng, bền vững của các em. Tôi mong rằng tình thầy trò chúng ta, tình bạn giữa các em ngày càng thắm thiết hơn, một tình cảm đặc biệt của những người đã từng công tác, giảng dạy, học tập dưới mái Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.
Xin chúc các vị đại diện phụ huynh học sinh, các đại biểu, các thầy các cô, cán bộ, công nhân viên và toàn thể học sinh có mặt ngày hôm nay: Sức khỏe và hạnh phúc!
Xin kính gửi tới gia đình quý vị, gia đình các em học sinh lời thăm hỏi ân cần nhất.
Xin cám ơn !
SRTKL1