2.1. Trường thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi sinh ra và lớn lên




BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI TÁ BÙI KHẮC QUỲNH,
nguyên Chính uỷ nhà trường, với cán bộ, giáo viên
và học sinh nhà trường tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 11 tháng 10 năm 1992

Kính thưa các bác phụ huynh,
Kính thưa chị Phan Thị Quyên,
Kính thưa các thầy,
Các cháu học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi thân mến!

Cách đây 27 năm, tháng 10 năm 1965, Trường Nguyễn Văn Trỗi trực thuộc Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng được thành lập. Cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường lúc đầu hầu hết là từ Trường Văn hóa Quân đội đang ở Lạng Sơn chuyển sang. Học sinh khóa đầu sắp vào năm học cuối của chương trình phổ thông cấp III ở một số trường thuộc Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và nhiều tỉnh ở miền Bắc được gọi về Trại Cờ (Hiệp Hòa, Hà Bắc). Sau đó, thầy trò lần lượt tập kết về xã An Mỹ (Đại Từ, Thái Nguyên). Ở miền Nam, lúc này quân Mỹ bắt đầu ào ạt đổ quân vào, “chiến tranh đặc biệt” chuyển sang “chiến tranh cục bộ”. Ở miền Bắc, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày mùng 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh phá hoại cũng bắt đầu. Các trường học, xí nghiệp ở thành phố bắt đầu sơ tán. Vấn đề chăm lo cho sự an toàn hậu phương quân đội, việc tiếp nhận bồi dưỡng thế hệ con em của những cán bộ chủ chốt đang chiến đấu ở các chiến trường thành những cán bộ có trình độ văn hóa, khoa học kỹ thuật cao để bổ sung cho yêu cầu chiến đấu và xây dựng quân đội lâu dài được đặt ra.
Đó là lý do ra đời của trường và đó cũng là cơ sở để thầy trò Trường Nguyễn Văn Trỗi gắn bó với nhau từ năm 1965 đến năm 1970.
Trải qua 8 lần chiêu sinh, có lúc số học sinh từ lớp 5 đến lớp 10 lên tới 1.200. Ngoài học sinh ở miền Bắc, trường còn tiếp nhận một số các em đang học ở vùng giải phóng miền Nam, cá biệt có số ít em ở vùng địch ra học. Chiến tranh phá hoại ngày càng ác liệt. Từ Trại Cờ về ven rừng Tam Đảo (Đại Từ) rồi sang náu nhờ bên Quế Lâm (Trung Quốc). Sau 18 tháng sơ tán sang nước bạn, thầy trò lại về nước. Một phân hiệu đóng ở Trung Hà, một phân hiệu đóng ở đồi Dền, Thạch Thất (Hà Tây) và một phân hiệu đóng ở Hưng Hóa (Vĩnh Phú).
Năm năm, từ khi ra đời đến khi kết thúc, đối với một nhà trường thật quá ngắn ngủi. Có những học sinh chỉ học ở trường 1-2 năm. Nhưng vì sao mà xa trường đã hơn 20 năm, cán bộ giáo viên hầu hết đã nghỉ hưu, các em học sinh đã trưởng thành (phần lớn đang ở độ tuổi 40) vẫn cảm thấy nhớ trường, nhớ thầy, nhớ bạn? Có thể tìm hiểu ở đây một cội rễ gì tiềm tàng mà có một sức mạnh tình cảm thật đáng trân trọng? Có thể rút ra từ đây một vài kinh nghiệm để cho mỗi người trong chúng ta, nhất là các cháu học sinh cũ của trường mà nay đang ở độ chín của cuộc đời, có thể bồi bổ thêm cho bản thân ý chí, tình cảm để tiếp tục tiến lên?
Đó chính là lý do vừa sâu xa mà cũng thật đơn giản của buổi họp mặt này – “buổi họp mặt của cán bộ, giáo viên và học sinh cũ Trường Nguyễn Văn Trỗi đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận”.

Thưa các đồng chí và các cháu thân mến,
Cho đến nay, học trò Trường Trỗi đã tụ hội lại trong một số cơ sở (tạm gọi như vậy) với nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện: một cơ sở chung của thầy trò đang sống và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, tám cơ sở của 8 khóa học sinh và một cơ sở của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường hiện đang sống và làm việc quanh khu vực thủ đô Hà Nội và một cơ sở ở Bắc Thái (chủ yếu là cán bộ, nhân viên). Các cơ sở này đã sinh hoạt từ một đến vài ba lần. Và cũng từ những cuộc gặp gỡ ở các cơ sở mà hình thành nên nguyện vọng có cuộc họp mặt toàn trường vào ngày 13 tháng 10 năm 1991 tại Hà Nội.
Khóa học sinh đầu tiên ra trường đã 26 năm và khóa cuối cùng đã 22 năm. Ngót một phần tư thế kỷ qua, đất nước ta và mỗi con người chúng ta đã có bao sự đổi thay. Gặp lại nhau đây thật vui mừng khôn xiết. Trong đội ngũ cán bộ, giáo viên (khoảng trên 250 đồng chí) có đồng chí đã hy sinh, có chín - mười đồng chí qua đời vì tuổi già sức yếu (như các hiệu trưởng Dương Hưng Tuấn, Phạm Ngọc Điển, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Ngọc Linh, nguyên Phân hiệu trưởng Phân hiệu III Lê Ngọc Bình và một số đồng chí). Hầu hết các đồng chí sau một thời gian công tác trong quân đội đã nghỉ hưu, chỉ còn một số ít đang làm việc. Nhiều đồng chí đã có cháu nội, cháu ngoại. Phần lớn cuộc sống gia đình của các đồng chí vẫn đạm bạc, số ít già yếu hoặc còn vất vả về đời sống. Điều đáng mừng là tuyệt đại bộ phận các đồng chí vẫn giữ vững phẩm chất đạo đức để làm gương cho con cháu, cho thế hệ mai sau.
Còn các cháu học sinh, đến nay đều đã trưởng thành. Khoảng 70% các cháu sau khi ra trường đã nhập ngũ và đều trở thành sĩ quan, phần lớn là sĩ quan kỹ thuật. Có hơn 20 em đã hy sinh trong chiến đấu, trong số đó có Anh hùng liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Khoảng 90% các cháu đã học xong đại học, có gần 100 cháu có học vị phó tiến sĩ, 4 cháu là tiến sĩ khoa học. Hầu hết các cháu đang công tác trong quân đội hoặc trong các ngành kinh tế quốc dân. Có một số cháu trưởng thành nhanh chóng, được giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy quan trọng như Tư lệnh binh chủng, Tham mưu trưởng vùng Hải quân, Sư trưởng, Lữ trưởng, lãnh đạo Cục, Vụ, Viện. Khoảng 50 cháu đang làm giám đốc, phó giám đốc các tổng công ty, công ty, xí nghiệp, chủ nhiệm các khoa, bộ môn ở các trường đại học; nhưng cũng có một số ít cháu sức yếu hoặc hoàn cảnh khó khăn đã nghỉ hưu hoặc đang phải chật vật với cuộc sống hàng ngày. Điều đáng mừng là, ngay cả những cháu có tiếng là ngỗ nghịch khi đang học ở trường, sau này ra đời hầu hết đã trưởng thành, chững chạc. Có nhiều cháu chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt. Trong cuộc sống và trong công tác, những năm gần đây, nhiều cháu bắt đầu có điều kiện đã hỗ trợ lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau có hiệu quả. Một điều cảm động nhất là giữa các cháu với nhau, đặc biệt giữa các cháu với các cán bộ, giáo viên, cô nuôi trước đây vẫn có tình cảm thắm thiết. Ngày 19 tháng 5 năm 1991, chính các cháu học sinh đã chủ động tích cực giúp các thầy, cô giáo tổ chức thành công buổi họp mặt đầu tiên ở Hà Nội với những biểu hiện thầy trò thật xúc động. Nhân ngày 27 tháng 7, các cháu đã tổ chức viếng mộ anh Trỗi, tặng sổ tiết kiệm cho cụ thân sinh anh Trỗi và thăm một số gia đình có con là học sinh cũ của nhà trường đã hy sinh.

Thưa các đồng chí và các cháu thân mến,
Tình hình thế giới mấy năm gần đây diễn biến thật phức tạp. Ở nước ta, bên cạnh những mặt cơ bản đang có sự chuyển biến tích cực với nhiều triển vọng thì cũng có những mặt tiêu cực đáng lo ngại. Nếu ở nhiều nơi trên thế giới, những gì là chuẩn mực của lý tưởng đang bị xem xét lại, thì ở nước ta, những bậc thang giá trị về đạo đức, phẩm cách cũng đang được đánh giá một cách rất khác nhau. Chúng ta, những người già như lớp chúng tôi cũng như lớp người đang sung sức như các cháu học sinh cũ của nhà trường, ai cũng muốn đất nước mình đổi mới để mau tiến lên “dân giàu, nước mạnh”, kịp sánh vai với các cường quốc năm châu; nhưng chắc chắn cũng không ai muốn để mất đi cái gì là truyền thống tốt đẹp mà nhiều thế hệ cha ông, Đảng, Bác và Quân đội đã bồi dưỡng cho chúng ta về lòng yêu Tổ quốc, về thái độ trân trọng đối với những gì vinh quang của lịch sử, về lòng biết ơn với lớp người đã ngã xuống vì độc lập, tự do và nhất là về quan hệ giữa con người với con người - trong đó có tình bạn, tình đồng chí, tình thầy trò.
Chính vì lòng mong muốn giữ gìn và phát huy tất cả những gì tốt đẹp ấy, mà chúng ta tìm gặp nhau để nhớ lại những ngày chung sống trong thời kỳ chiến tranh, nhắc lại những kỷ niệm không bao giờ quên trong sự nghiệp trồng người, những tấm gương tận tụy của thầy cô, những niềm vui, nỗi buồn của tuổi học trò dưới mái trường nội trú của quân đội. Tất cả những điều đó tưởng rằng đã qua, nhưng không ngờ nó đã đọng lại trong tiềm thức của mỗi người chúng ta như những gì tốt đẹp nhất. Nó cũng góp phần không nhỏ để cho chúng ta thêm ý chí, nghị lực, thêm yêu đời và yêu người, giúp chúng ta đứng vững trong những năm qua và sẽ đứng vững trong thời gian tới.
Có thể nói mà không sợ quá rằng: chính trong những năm tháng sống dưới mái Trường Nguyễn Văn Trỗi thân yêu, mỗi người trong chúng ta ít nhiều được thêm một dòng máu. Đó là dòng máu của lý tưởng nhân văn, của tình cảm nhân văn. Ai biết nuôi dưỡng cho dòng máu đó mạnh thêm, đỏ thêm trong huyết quản của mình thì sẽ sống có ích hơn cho xã hội, tốt hơn với bạn bè và vững vàng hơn trong phong ba bão táp.

Thưa các đồng chí và các cháu,
Chúng ta gặp mặt nhau lần này sau một phần tư thế kỷ xa cách. Dự định đến năm 1995, tròn 30 năm thành lập trường, chúng ta sẽ gặp nhau đông đủ một lần nữa. Từ nay đến đó, các cơ sở có thể hàng năm họp mặt. Ban Liên lạc của các cơ sở có thể liên hệ với nhau để có những phối hợp trong hoạt động hỗ trợ nhau trong sinh hoạt và công tác.
Lẽ dĩ nhiên, sau buổi họp mặt này, chúng ta ai cũng có nhiều công việc phải làm, nhiều mối lo phải giải quyết. Nhưng mong rằng, sợi dây liên lạc giữa chúng ta mới được nối lại sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa tình cảm bạn bè và thầy trò cũ. Chúng ta tiếp tục cùng nhau suy nghĩ xem có thể khai thác được gì từ mối quan hệ của chúng ta nhằm góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi người một cách vô tư, trong sáng và có thể giúp được gì đối với các gia đình có bạn học cũ đã hy sinh.
Nhân dịp gặp mặt hiếm có này, tôi xin thay mặt các thầy cô giáo và các cháu cảm ơn các đồng chí đã có công với trường. Xin chúc các đồng chí giáo viên cũ của trường ta luôn mạnh khỏe, tùy từng người, từng hoàn cảnh có những đóng góp tiếp tục cho sự nghiệp đổi mới của đất nước, trong đó có sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Tôi cũng thân ái chúc các cháu học sinh cũ có sức khỏe dồi dào để cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, sống và làm việc thật xứng đáng với thế hệ cha ông.

Xin chúc các bác và chị Quyên mạnh khỏe, hạnh phúc!
Xin cảm ơn các cháu đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi được tới dự buổi gặp mặt thân mật này!
Xin cảm ơn các đồng chí và các cháu!



Blog SRTKL:  http://bantroi2.blogspot.com/2007/07/phn-ii-sinh-ra-v-ln-ln.html

SRTKL