NGÀY XƯA ƠI (chương 2)


Chuyện thứ hai - Học kinh tế.

Chỉ còn một vài ngày nữa thì tôi lên đường, quân trang đã nhận xong. Bao gồm một va ly, một bộ vét sẫm màu, lạc mốt đã qua sử dụng. Tôi còn ngửi thấy cả mùi hôi nách và mùi ẩm mốc của thứ mồ hôi dầu, chắc của tay chết tiệt nào đi Tây khóa trước mới trả khi về nước ( Bộ vét này phải trả lại cho chính phủ sau khi kết thúc khóa học ). Một đôi giày da đen, hai bộ đại cán dạ, một cái áo len, rồi Cavat và quân hàm quân hiệu, mũ mão mới tinh. Tôi nhớ hình như chỉ có vậy.
Tôi dự định sẽ làm một cái tiệc chia tay nho nhỏ với một vài người bạn thân. Một thằng bạn có bà chị làm cấp dưỡng ở cục đối ngoại Bộ Quốc Phòng hứa sẽ thu xếp cho tôi một bộ lòng lợn đầy đủ từ A đến Z, bia hơi thì một đứa khác lo. Tôi chỉ còn ấn định thời gian nữa là xong .
Sắp đến này chia tay rồi mà ông bạn GĐ của tôi lại đi công tác chưa thấy về. Tôi đang lo hắn không về kịp trước lúc tôi lên đường.
Thiêng thế! Vừa nói ban sáng thì buổi chiều hắn lò mò, vác mặt về, thấy va li, quần áo của tôi vứt bừa bộn hắn hỏi:
- Bao giờ ông xuất phát?
Tôi nói:
- Còn mấy ngày nữa.
- Thế ông đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
- Xong hết rồi - Tôi tự tin trả lời.
Ông mở va li ra cho tôi xem nào?
- Trời ơi! Thế này mà gọi là đầy đủ à! - Hắn la toáng lên. - Thế ông có biết tiêu chuẩn của ông được kết hợp đem theo để làm “kinh tế” là bao nhiêu và gồm những thứ gì không? người ta không “phổ biến” cho ông à?
Tôi cứ ớ người ra chẳng hiểu gì cả.
Hắn nói tiếp :
- Ông được phép đem theo hàng hoá mà hải quan nó không thèm đếm xỉa tới gồm : Hai quần Bò, Một áo Nato, Bảy áo phông, hai đồng hồ, hai đôi Adidat, Hai kính dâm Giọt Lệ, Hai tá khăn mùi xoa dùng để chùi mũi, hiệu Cô Tiên (Khăn mùi xoa của tàu có in hình cô Tiên) ... Nhiều thứ lắm, nhưng tuyệt nhiên trong danh sách hàng hóa hắn liệt kê tôi không thấy hắn đả động gì tới vụ Silip Thái dùng cho đàn bà hiệu “Bông Hồng”, mặt hàng đang “hot” ở “ bên kia”? Mà sau này sang tới nơi tôi mới biết.
Có thể hắn quên chăng? Hay năm tôi đi loại Silip hiệu “Bông Hồng” này chưa có trên thị trường ta? Hoặc có thể mặt hàng này quá nhạy cảm mà người ta không đưa vào danh sách.
Nhưng dù sao, tôi nghĩ, nếu không có “Bông Hồng” thì cũng phải có “Bông Lan”, “Bông Hụê” gì đó chứ. Chết thật! Sao nhà “kinh tế” của tôi lại sơ suất “Ngờ ngệch” đến thế, vụ này làm tôi mất đi một khoản thu nhập khá khá, mà ngân khố thì còn chứ có phải hết đâu.
Tiếc rằng thời gian đã quá vãng, chứ không tôi thề! Tôi sẽ chửi cho thằng bạn tôi một trận, cho hắn chừa cái thói “Cái gì cũng biết” ấy đi.
Hắn liệt kê vanh vách cứ như giám đốc Hải quan cửa khẩu.
- Thế tiền bạc ông còn đồng nào không? Thiếu bao nhiêu tôi đưa cho.
Tôi nghĩ bụng, thằng bạn nó đã nuôi ăn, ở, văn hoá văn nghệ cả tháng trời, không lẽ bây giờ lại nhờ vả tiền bạc nữa thì còn ra cái giống gì, nên tôi ngại. Tôi hỏi ngược lại Hắn:
- Thế từng ấy thứ sắm hết bao nhiêu?
- Tiền ông còn bao nhiêu thì mua bấy nhiêu, thiếu tôi phụ cho.
Thế là tối hôm ấy tôi phóng tới bà Cô làm ở bộ ngoại thương trình bày hoàn cảnh. Bà cô mở tủ dúi cho tôi một miếng kim loại màu vàng vàng và nói “ Ba chỉ rưỡi vàng mười đấy cầm tạm lấy, gia tài cô chỉ có thế thôi”.
Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy vàng, thì ra cũng chẳng có gì đặc biệt, nó cũng giống như đồng xèng nắp bia thuở bé mà bọn tôi chơi, chỉ có điều nó mềm, màu vàng và nặng hơn một chút mà thôi. Thế là tôi lẳng hết cho thằng bạn, mặc hắn lo liệu.
Chiều hôm sau thấy hắn lễ mễ đem về đủ cả, chẳng thiếu thứ gì lại còn thêm cả một chồng Mũ Nan và một đống Bị Cói nữa chứ. Hắn nói:
- Đầy đủ rồi đấy, Mũ Nan và Bị Cói tôi tặng Ông. Số hàng này nếu biết tính toán, ông sẽ có một khoản kha khá đấy, ăn tiêu dè sẻn còn để dành mà cưới vợ.
Nói đoạn hắn tiếp:
- Ông đưa tay đây!
- Làm gì? Tôi cảnh giác hỏi.
Thì ông cứ đưa tay ra đây - Hắn thúc.

Tôi ngập ngừng chìa tay ra. Tôi thấy hắn rút từ túi quần một cái nhẫn màu vàng và đeo thốc vào ngón tay tôi, như trong hôn lễ cô dâu trao nhẫn cưới cho chú rể.
Tôi cảm động quá, lại còn màn tặng nhẫn vàng để kỷ niệm trước lúc chia tay, đúng thật! thằng bạn Tây Tàu nhiều có khác - tôi nghĩ trong bụng.
- Không phải của tôi tặng ông mà là của ông - Hắn giải thích.
Tôi đang ngỡ ngàng thì hắn tiếp.
- Số hàng tôi mua chỉ hết có hai chỉ rưỡi còn lại một chỉ tôi làm cái nhẫn này ông đeo vào tay cho tiện mà không lo bị mất, qua đó khi nào túng quá thì bán quách nó đi mà chi tiêu.
Buổi tiệc chia tay tiễn tôi đi ngày ấy gồm bảy người, chủ yếu là bạn hồi đại học có một hai đứa em học khoá dưới. Hơn hai mươi năm sau, những người bạn có mặt trong bữa tiệc chia tay “Lòng lợn tiết canh” với tôi hôm ấy, giờ đều thành đạt cả, và có cuộc sống ổn định. Mỗi người một vị trí, chúng tôi đều có đóng góp được chút ít cho xã hội. Có người là đại biểu quốc hội, có người là GĐ doanh nghiệp. Có người định cư ở nước ngoài tài sản cũng khá. Có anh vẫn theo đuổi binh nghiệp, quân hàm Đại tá, lên lương cũng vài bận, không leo lên được Tướng do cơ chế.
Hình ảnh cuối cùng Tôi còn nhớ, khi tiễn tôi ở sân bay Nội Bài. Sau khi dúi cho Tôi cái gói Nilon đựng mấy con “Cá sấu”, Logo của những chiếc áo phông “đểu” bị bong ra khi tôi mặc thử ở nhà, lúc đi vội quá tôi quên mất. Thằng bạn GĐ của tôi cứ dặn đi dặn lại, sang bên ấy nhớ lấy keo " Con Voi" dán lại vào áo, mỗi con “Cá Sấu” này có giá trị bằng nửa chiếc áo của ông đấy. Còn mấy cặp kính dâm Gịot Lệ “hàng tầu” khi trao đổi với “Bạn” ông nên hữu nghị tặng kèm, mỗi cái kính khuyến mãi một cặp khăn Mùi xoa hiệu “Cô Tiên”, để họ lau mũi kết hợp dùng lau mắt luôn. Là kính “ Đểu” nên khi đeo vào, nước mắt sẽ tuôn lênh láng, nên khăn Cô Tiên rất cần thiết, và nhớ là sau khi bán cho khách xong thì ông phải “phắn” thật nhanh nếu không bọn “tây” nó “tẩn” cho no đòn thì đừng trách tôi.
Những lời tôi dặn Ông cấm được quên đấy.
Tôi vẫn còn kịp nghĩ, thằng bạn GĐ của mình đúng là con người chu đáo và là con người của kinh tế, chẳng trách chiếc Samsonite hôm nào của Hắn dưới gậm giường lúc nào cũng đầy tiền cũng phải.
Trong cái nóng hầm hập của buổi chiều tháng Bảy, mấy chiếc quạt cỡ lớn, dạng quạt dùng trong công xưởng, chạy hết công suất thổi như điên vào đám hành khách cả Ta, Tây chen chúc trong phòng cách ly của sân bay Nội Bài. Tụi bạn tôi, họ vẫn kiên nhẫn đứng phía sau những tấm kính, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhìn về phía tôi. Bên cạnh họ lớp lớp người thân đưa tiễn nhau : Bố Mẹ tiễn con, Anh tiễn Em,vợ tiễn chồng, nhân viên tiễn “Xếp”, người yêu tiễn người yêu ... Họ vẫy tay, họ cười, họ nói, có người miệng méo xệch đi, nước mắt nước mũi dàn dụa xen trong những giọt mồ hôi rơi lã chã. Thôi thì đủ mọi cung bậc của tình cảm, nhưng tựu chung lại trong ánh mắt của tất cả những người đưa tiễn đều chứa chan, hy vọng về một ngày mai “tươi sáng” đối với người thân của mình.
Lướt qua lũ người đông đúc, quay nhìn về đám bạn mình, Tôi thấy một thằng bạn, chắc không kìm hãm được cảm xúc, đưa vội cánh tay áo lên chấm chấm nơi khoé mắt. Những đôi môi mấp máy, nhưng tôi chẳng nghe được gì. Nhưng tôi biết họ chúc tôi lên đường “Thượng lộ bình an” và gặt hái nhiều thành công.
Họ cứ đứng và nhìn theo cái dáng liêu xiêu vẫn còn hơi tập tễnh của tôi. Chẳng biết có phải bởi chiếc đồng hồ SK trên tay đeo không quen vì nó quá nặng, hay vì vết “Đau” ở chân đêm Dancing hôm nào chưa khỏi hẳn. hay là vì chiếc quần Bò vẫn còn nguyên hồ tôi mặc bên trong chiếc quần dạ sỹ quan nó chật quá và nóng quá làm tôi đi đứng khó khăn chăng.
Các bạn tôi cứ nhìn theo cái dáng tập tễnh, liêu xiêu của tôi, xa dần, nhỏ dần, nhỏ dần ... và mất hút sau cánh cửa của chiếc máy bay IL – 86 to tướng, bốn động cơ của hãng hàng không Aerophlot.
Bất giác, tôi giơ tay nhìn lên mặt chiếc đồng hồ SK màu Hồng Ngọc còn mới tinh, chính xác lúc đó là 2 giờ 30 phút, chiều ngày 25 tháng 7 năm 1985.


T/p HCM 16/5/2005.


 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo