Trại Cờ ký sự - Quang Việt k2

Trại Cờ ký sự

Quang Việt k2
5

Ba chị trong ảnh (từ trái sang phải): Chị Hiếu (Trại Hòe - Đại Từ - Quế Lâm, người đã từng khêu "cái ghẻ" cho lính Trỗi) Chị Khải, chị Ninh (vợ anh Bề - cựu bí thư chi bộ thôn Ngọc Tân). Hai chị này không sang Trung Quốc, chỉ theo trường lên Đại Từ. X2000

Theo đúng kế hoạch, 6h30 sáng 20/12, mấy anh em Trỗi tụ tập ở trước cửa nhà Bùi Vinh (Trưởng BLL) để lên Trại Cờ dự lễ kỷ niệm 52 năm Trường Lái xe PK-KQ (nay là Phân hiệu 2 Trường Trung cấp KT PK-KQ) và đón nhận Huân chương BVTQ hạng Ba. K2 có Chu Kỳ Minh, Quang Việt, Trần Ngọc Giao. K4 có Trung Nghĩa, Bình cận. Chờ mấy phút thì thêm Thắng Híp K6 đến. Bùi Vinh ra và tất cả lên đường. Đi 2 xe: Quang Việt, Trần Ngọc Giao, Thắng Híp ngồi xe Bùi Vinh. Chu Kỳ Minh, Bình cận ngồi xe Trung Nghĩa. Xe Bùi Vinh khỏe, chạy nhanh, nên dọc đường cứ phải hạn chế tốc độ chờ xe Trung Nghĩa.

Khoảng 8h30 lên đến dốc Trại Cờ. Cách “mục tiêu” độ trăm mét còn phải hỏi đường. Đến nơi, Đồng Tiến (K3-nguyên hiệu phó trường lái xe) đã ở đó. Anh được đơn vị đón lên từ hôm trước. Sau màn chào hỏi, Đồng Tiến dẫn mấy anh em đi thăm xung quanh. K2 ở Trại Cờ có ít ngày, vả lại đã gần 50 năm trôi qua, “vật đổi sao dời” nên chẳng còn nhận ra thứ gì quen thuộc.

Đúng 9h, buổi lễ kỷ niệm bắt đầu. Mở đầu là chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” (cũng có một vài “lá chợ”!). Ấn tượng nhất là màn múa hoa sen với đội hình 5 vũ nữ cực kỳ… dũng cảm. Phải nói là đại tá Hạnh (Chỉ huy trưởng) và đại tá Hưởng (Chính trị viên) rất có tài động viên nên đã huy động được 5 thiếu… phụ U50 cho màn múa ấn tượng này. Hết sức cảm phục các chị về tinh thần trách nhiệm và tình yêu nghệ thuật.

Buổi lễ sau đó diễn ra như bao buổi lễ kỷ niệm khác trên dải đất hình chữ S này (mà hình như ngày nào cũng có ở đâu đó). Bùi Vinh thay mặt anh em Trỗi – những người đã đóng quân ở mảnh đất này cách đây gần 50 năm, khi còn là những chiến sĩ nhí – tặng nhà trường bức ảnh Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi. Cùng với bức ảnh còn có 2 cuốn sách “Sinh ra trong khói lửa tập 3” mới phát hành. Sau lễ kỷ niệm là bữa cơm thân mật.

Sau đó, hội Trỗi phát hiện ra đồng chí Chuẩn - Trưởng thôn Ngọc Tân - mảnh đất vẫn được gọi là Trại Hòe. Thế là bắt đầu cuộc hàn huyên dài dài. Anh Chuẩn tuổi Canh Dần 1950 - vốn là giáo viên dậy Văn-Sử nên nói chuyện hay, dí dỏm và đầy chất văn nghệ. Anh kể về đời sống của dân Trại Hòe hiện nay. Nói chung, về kinh tế đã được cải thiện nhiều, nhưng cũng còn nhiều khó khăn. Điều này chúng tôi được mục sở thị ngay sau đó khi anh đưa về thăm Trại Hòe.

Tiếp chúng tôi tại nhà văn hóa thôn (gọi là “nhà văn hóa” cho oai chứ chỉ là mấy gian nhà cấp 4 tuềnh toàng, ngửa mặt nhìn thấy cả trời xanh), ngoài anh Chuẩn còn có đồng chí Nguyên - bí thư chi bộ thôn. Một lát sau có thêm anh Nguyễn Văn Bề - cựu bí thư cũng đến tiếp khách.

Anh Bề là người làm cho cuộc gặp mặt giữa lính Trỗi với dân Trại Hòe trở nên sôi nổi, thắm thiết và đầy hiệu quả. Anh đã cung cấp thông tin bất ngờ: chính vợ anh – chị Ninh - từng là chị nuôi trong trường Trỗi, từ Trại Hòe rồi lên Đại Từ. Từ thông tin đó, “thổ dân” Trại Hòe lại cung cấp cả một danh sách đến 5-6 người: Hội, Hiếu, Khải, Quang… đều từng là công nhân viên QP ở trường ta. Những trường hợp này, trước đây BLL chưa có thông tin. Anh Bùi Vinh cho thống kê và quyết định nhờ anh Bề làm đầu mối liên lạc để một ngày gần đây sẽ tổ chức các hoạt động giao lưu tình cảm giữa lính Trỗi với những người đã từng tham gia công tác bảo đảm cuộc sống và học tập của lính Trỗi mà bấy lâu nay mất liên lạc.

Câu chuyện đang vui thì lại càng vui hơn khi chị Khải, chị Ninh, chị Hiếu lần lượt đến (3 người phụ nữ trong ảnh). Thời gian trôi qua, các chị không còn nhớ được nhiều nhưng cả 3 chị đều nhớ tên chính ủy Bùi Khắc Quỳnh, đồng chí Tiêu (Phòng Hậu cần).  Trong 3 chị trên, có chị Hiếu đã làm chị nuôi từ Trại Hòe, lên Đại Từ rồi cùng toàn trường sang Quế Lâm. Chị đã từng nuôi quân ở C6 (khóa Thắng Híp), sau đó chuyển sang C8 (khóa Bùi Vinh). Chị còn nhớ tên thày Bính, thày Ất và hai anh em sinh đôi Việt – Hà.   

Chị kể, kỷ niệm sâu sắc nhất là những buổi tắm điều trị bệnh ghẻ cho lũ học trò C6. Chị bảo, chúng cứ vô tư tồng ngồng để các chị nhể những con cái ghẻ bò lổm ngổm, rồi các chị đun nước lá cho chúng tắm. Thắng Híp thoáng đỏ mặt, có lẽ cũng từng là một trong số đó chăng?

Anh Bùi Vinh hứa sẽ tổ chức cho các chị lên Đại Từ, nơi các chị đã cống hiến những năm tuổi trẻ cho sự nghiệp đào tạo lớp măng non cho cách mạng. Ai đó đề nghị thông báo xem lính Trỗi có cậu nào còn ghẻ thì hôm đó lại lên suối Trì để các chị tắm ghẻ cho. Câu chuyên cứ râm ran, sôi nổi. Các chị rất cảm động được gặp lại lính Trỗi.

Trần Ngọc Giao thật tháo vát và chu đáo. Anh đã “vay” 3 cuốn lịch năm mới của TCty Thành An (Binh đoàn 11) trong số lịch mà anh Vinh đã tặng cho thôn Ngọc Tân, để tặng mỗi chị một cuốn. Các chị rất phấn khởi và xúc động.

Rồi Bùi Vinh kể cho mọi người về mối liên hệ gắn bó của gia đình anh với mảnh đất Bắc Giang nói chung, Hiệp Hòa – Phố Thắng nói riêng. Và thêm một điều bất ngờ, thêm một sợi dây tình cảm giữa anh với thôn Ngọc Tân – Trại Hòe: khi biết Bùi Vinh là con trai thượng tướng Bùi Phùng, anh Chuẩn đã nhoài người qua bàn, bắt tay. Anh kể, năm 1972, anh đã được theo bác Bùi Phùng đi chiến dịch ở B2.

Cũng trong buổi gặp xúc động đó tôi mới được biết tại sao có tên “Trại Cờ”. Đó chính là nơi nghĩa quân Hoàng Hoa Thám thuở trước đã làm lễ tế cờ trước khi ra trận.

Buổi hàn huyên cứ thế kéo dài, tưởng như không có hồi kết. Nhưng rồi cũng phải đến lúc chia tay. Từ Nhà văn hóa thôn, mọi người ra chỗ cống 4 cửa, một nơi rất đặc biệt đối với nhiều lính Trỗi. Ngày xưa nước trong xanh là thế. Chị Hiếu bảo,  hồi đó toàn lấy nước sông máng về dùng. Nhiều lính Trỗi từng lặn ngụp ở đây. Bây giờ thì không thể, nước bẩn lắm.

Nhưng bù lại, ngay tại đó có một trang trại nuôi cá tương đối quy mô của một đôi vợ chồng trẻ (vợ sinh năm 1973, chồng sinh năm 1970). Trên bờ hồ cá là một dãy chuồng lợn khang trang. Trong cái sân rộng có mấy chậu cây cảnh (bonsai) tương đối đẹp. Các anh lãnh đạo thôn cho hay, đây là doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, hiệu quả, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thôn. Hệ thống đường bê tông trong thôn có sự đóng góp đáng kể của vợ chồng này.

Bịn rịn chia tay, mấy anh chị em hẹn nhau ngày tái ngộ. Đại tá Hạnh chèo kéo bằng được anh em Trỗi quay trở lại đơn vị. Cũng không thể khác được vì phải đưa Trưởng thôn Chuẩn về đó lấy xe máy. Đến nơi, Hạnh lại cho bày cỗ. Phần cả nể, phần quí cái nhiệt tình của thằng em, Vinh và cả đoàn lại ngồi vào mâm, lại chén chú chén anh.

Cuộc vui rồi cũng đến hồi kết. Khoảng gần 15h mới ra về được. Lên xe rồi, cũng phải đến 10 phút sau mới chuyển bánh được vì “thằng em đại tá” cứ lăn xả vào bắt tay và ôm hôn thắm thiết.

 Lính Trỗi là đoàn khách cuối cùng rút lui, và là đoàn khách duy nhất dùng đến hai “bữa cơm thâm mật”, mà bữa sau “thân mật” hơn bữa trước.

Có một chi tiết thế này: Anh Bùi Vinh đã mang theo một máy ảnh rất xịn. Đến nơi, khi định chụp mới phát hiện ra là chưa lắp pin (pin đặc chủng nên bótay.com luôn). Anh thanh minh: “Mình bảo vợ xạc pin hộ, tưởng bà ấy lắp vào chu đáo rồi, ai dè bà ấy quên”. Ai đó bình luận:” Chắc tại ông chưa nạp cho bà ấy chu đáo nên vậy thôi!!!”.

Tất cả các bức ảnh có được đều do thợ ảnh cơ quan Chính trị đơn vị chụp và gửi cho Kiến Quốc. Các em thật nhiệt tình và chu đáo.

Xem:
  1. BLL trường Trỗi lên thăm Trại Cờ, Trại Hòe - TranKienQuoc, 20/12/2011, Blog K6.
 ❧ ❀ ❧
Đăng lại bài viết của Quang Việt k2 (đã đăng tại Blog K5: Thứ năm, ngày 22 tháng mười hai năm 2011). - Đã đưa vào "Chuyên san "Trại Hòe - Trại Cờ"