Có một đội bóng đá của anh em Trỗi - Lê Ngọc Hiền (khóa 8)



Có một đội bóng đá của anh em Trỗi

Lê Ngọc Hiền (khóa 8)

Là tôi muốn nói đến CLB bóng đá Những Người Bạn (tiếng Anh là Friends Club) do anh Hoàng Mạnh Thắng (khóa 7) là Chủ tịch.

Thông tin về đội bóng

Chả nhớ ngày ở trường đá đấm thế nào, nhưng nay khi đã qua tuổi 50, thấy nhiều anh em Trỗi vẫn còn say mê sân cỏ - nơi có thể luyện tập sự dẻo dai, sức nhanh sức dướn, tăng cường thể lực (có khác gì chơi quần vợt nhưng mua sắm "đồ nghề" thì ít hơn (mỗi giầy và quần đùi, còn áo thì của đội). Tiết kiệm được khối tiền cho vợ!), mà bóng đá là môn thể thao vận động mang tính tập thể cao (dân Trỗi lại quá quen với sinh hoạt tập thể, đồng đội), rồi có cơ hội gặp nhau để giãi bày, chia sẻ (xả stress, được nói bậy không bị vợ con la) sau một tuần làm việc căng thẳng... Tóm lại, Mạnh Thắng đã "phất cờ" và được anh em ủng hộ.

Khóa 2 có bác Phạm Hoàng Thắng (tụt), tuổi đã 62 mà xông xáo hơn cả cánh trẻ. Khóa 2 có bác Phạm Hoàng Thắng (tụt), tuổi đã 62 mà xông xáo hơn cả cánh trẻ.

Thử điểm qua các gương mặt "hảo thủ" của đội. Khóa 1 Trỗi chả có ai xỏ giầy nhưng Chu "tiên sinh" cứ vài tuần lại ra xem và động viên anh em. Muốn đá lắm nhưng đã một lần tai biến nên hãi. Khóa 2 có bác Phạm Hoàng Thắng (tụt), tuổi đã 62 mà xông xáo hơn cả cánh trẻ. Trong trận đá với Tuyển nữ Hà Nội, quân ta thua 3 - 0 nhưng nhờ chân bác Thắng, mà... xoẹt, gỡ ngay ba bàn.

Khóa 3 có NSƯT Dương Minh Đức "đá đội hình phụ, ăn... đội hình chính", (ngày xưa từng là thủ môn đội Sao Đỏ, Đại học KTQS, nay phụ trách "tuyên văn"). Thấy khóa 4, khóa 5 không có ai tham gia nên từ khi ra Hà Nội "tư tác", bác Kiến Quốc (khóa 5) làm chân "tiền đạo cắm", thường lạnh lùng ghi bàn cho "đội trẻ". (Chủ tịch chả phân ra hai đội hình - trẻ, già - để tập). Khóa 6 có Phạm Ngọc Chỉnh và bác sĩ Gia Bình (đá hậu vệ kiêm phụ trách sức khỏe). Khóa 7, ngoài Chủ tịch còn có Trần Thắng. Khóa 8 "hơi bị đông": Phạm Ngọc Thiết (cùng Chỉnh thành cặp "anh em nhà Koeman"), Thắng "đen" (có cú đánh đầu ghi bàn cho đội), Lê Ngọc Hiền (với cú lắc chân trái điệu nghệ, hiệu quả).

Ấy là lính Trỗi, còn anh em khác thì sao? "Tướng một sao" Bế Quốc Hùng (bằng tuổi bác Thắng "tụt") nhưng trận nào cũng có mặt. Chuyên đón lõng ở gôn đội bạn và "gật đầu ăn tiền". Cạnh đó là "tướng một sao" Thanh, dân "biệt động thành Sài Gòn", tuy bị tai biến một lần nhưng vẫn xỏ giầy, ra đứng một chỗ, chờ bóng đến chân là sút.

Cánh cựu binh trường Sĩ quan PK khá đông, trừ bác Thắng "tụt" và Trần Thắng, còn có thủ môn Yên, thủ môn Tiến ("sáu xị" đến nơi rồi mà vẫn quăng quật, bay như vượn), Hà "khểnh" (cùng Vụ An ninh, Quốc phòng với ngài Chủ tịch; đá tiền vệ và hay "bơm" cho "sếp"); hậu vệ phải Lợi đá rất lì, đôi khi xông lên ghi bàn (và là thợ tay nghề cao, chăm sóc xe máy cho cả đội).

Cánh "đông không kém" là dân Học viện KTQS. Đang còn là "giáo viên dạy khỏe" có Thái "hói" (Phó chủ nhiệm Khoa Hóa - Lý, cậy là trẻ vì tốt nghiệp khóa 16, là "tay (à, chân chứ?) săn bàn cứng" của đội); Long "kều" (Khoa Điều khiển, cao hơn mét tám, đá chân trái, là niềm mơ ước của anh em trong đội) và bác Giang "mù" (có nhiệm vụ "hoạt náo viên" như "Nờ sứt" Dờ Mờ Đờ, "ăn và vui là... chính"!). Hai cựu học viên khóa 14 phải nhắc đến là trung vệ Hoàng Hùng (nay làm ở Vaxuco, luôn chặn đứng các cuộc tấn công của đội bạn) và tiền vệ Hải (từng ở Cục Đo lường, nay về Hòa Phát, khi vào trận "lúc nào cũng như đi chơi", vừa dắt bóng vừa chợt nhạ. Đá đùa mà hiệu quả!).

Cánh lính của "Tê xê hai" có tiền vệ Hùng và tiền vệ tự do Đông (là học trò thầy Minh Đức, là "tay" organ cứng nhưng khi ra sân thì "chân" chạy khắp nơi, hay ban bóng cho chú Quốc làm bàn). Hùng còn kéo thêm Dũng "phệ", dân phố Hàng Bún, ra tham chiến. Có Dũng hàng thủ của đội khỏe hẳn lên. Cánh doanh nhân có Nhị (Chè Dilmah); vừa rồi anh ta mới lên chuyên nghiệp "đá sân to". Con em Trỗi cùng đá có cháu Lê Anh, con trai Lê Vân (khóa 7). Như bố ngày trẻ, Lê Anh càn quét tốt, thường ghi bàn với cú đá như trời giáng.

Cánh trẻ 7X, 8X có Hùng (Tài chính), Nghĩa (cùng ở Vaxuco), Thọ (Nhà đất), Cường "gôn" (sinh năm 1971, làm bên Địa chất, nhờ sinh hoạt CLB mà lấy được vợ đầu năm 2010). Danh thủ Hải Long của Thể Công cũng "thò thụt" tham gia. "Cháu nó nhà nghề, lại trẻ, khỏe nên... khiếp, chạy nhanh lắm, sút  mạnh lắm và lắt léo lắm. Có dăm tay như Hải Long thì các chú, các anh chỉ đừng ngoài xem thôi à?", anh em phục nhưng lo.

Về tài chính, CLB duy trì theo lối "lệ quyên", "nguyệt phí" - trăm rưỡi mỗi tháng. Khi đá ở sân Măng-danh thì không phải đóng tiền sân nên quỹ dùng để bia bọt sau trận. Cũng đã có anh thắc mắc: "Chủ tịch mua xe Santafé, mua nhà to ở phố cổ thì lấy tiền đâu?". Ngài Chủ tịch của chúng ta cười tít mắt: "Tôi gửi ngân hàng hết rồi. Còn tiền ăn nhậu hàng ngày là tiền túi Chủ tịch. Lãi tiền gửi sẽ dùng để CLB mua đất, làm sân đá bóng và kinh doanh cho thuê. Vừa khỏe vì có chỗ chơi, vừa đỡ lo lắng về tài chính". Nghe vậy, ai cũng sướng và OK ngay!

CLB dăm tháng lại đi xa giao lưu. "Ấy là để đổi không khí", khi thì lên Vôi đá với đội bóng  Sư đoàn tên lửa 365, lúc lên Sơn Tây "tỉ thí" với Đông Nam dược Bảo Long (của anh Vinh, CCB trường Sĩ quan Pháo binh, từng là "Giám đốc kỹ thuật" của CLB); đã có trận đá với Thị ủy Tuyên Quang (đá trên sân thua nhưng ra ngoài sân lại thắng vì chị em Tuyên "hòn mê" các cầu thủ "Mời các anh đá xong đi Kara-ôkê ngay!")...

Lần thi đấu với Lão tướng Công an Hà Nội của Văn Hùng (khóa 7), đội bạn "prồ" quá, toàn danh thủ quốc gia. Nhưng đá vẫn vui. Hôm rồi còn kéo quân ra tận Hạ Long đá với đội Tỉnh ủy (nghe nói vừa vô địch không chuyên tỉnh Quảng Ninh năm 2009)...

Từ khi sân Cột Cờ bị đóng cửa, tháng 4 năm 2010, đội tách đôi (vì đã quá đông). Anh em Chỉnh, Thiết, Gia Bình... cùng cháu Kiên, Lê Anh lập đội mới. Hầu hết số còn lại kéo về sân Nhà máy Nước (trong khuôn viên Nhà máy Nhiệt điện năm xưa). Tạm sinh hoạt vào chiều thứ sáu, sau đó ra Tao Ngộ Quán "uống bia bù lại số nước đã mất". Anh em vẫn chân tình, vui vẻ sinh hoạt với nhau.

 

Tường thuật một trận đấu của CLB

Trận hay nhất là thi đấu với Tuyển nữ Hà Nội, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (nhưng ở sân tập!). Đầu năm 2009. Lạnh khủng khiếp.

Tuyển nữ Hà Nội vừa vô địch quốc gia năm 2008, có sáu cháu đá trong Đội tuyển nữ Việt Nam. Nói chung các cháu trẻ, khỏe, sức dướn tốt và rất chuyên nghiệp.

Trận thi đấu với Tuyển nữ Hà Nội, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (nhưng ở sân tập!). Đầu năm 2009.Trận thi đấu với Tuyển nữ Hà Nội, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (nhưng ở sân tập!). Đầu năm 2009.

CLB Những Người Bạn với trang phục quần vàng, áo vàng, bí-tất vàng (trang phục thi đấu mà ông Gang "mù" rất sướng!), còn đội bạn toàn màu đỏ. Ngay từ đầu, đội bạn ép sân nhưng không chọc thủ lưới. Cháu Châm xông xáo, luôn là mũi nhọn tấn công vào trung tuyến. Tới phút 25, do hậu vệ Gia Bình chuyền bóng về cho thủ môn trong vòng 16m50, trọng tài thổi phạt. Tranh thủ đang láo nháo, một cháu nhanh chân sút bóng vào lưới. Bàn thắng được công nhận, ta thua oan uổng! Liên tiếp sau đó, đội bạn ghi tiếp hai bàn.

Nghỉ giữa trận, ta thay đổi đội hình. Vẫn giữ Hải Long và Thọ, đưa vào bác Thắng "tụt"... Thế trận cân bằng hơn vì Hải Long được đẩy lên hàng công. Với cú lật từ cánh phải của Long, bác Thắng đón đúng điểm rơi, gật đầu, bóng vào góc xa. Ngay sau bàn thắng này, khí thế thay đổi... Nhận đường chuyền từ tiền vệ, bác Thắng lại dốc vào vòng 16m50. Hậu vệ cánh cùng thủ môn ra cản phá nhưng bác đè người (không phải lấy thịt...) rồi lốc má ngoài chân phải. Bóng qua đầu thủ môn, lững thững vào lưới, nâng tỷ số lên 2 - 3.

Sau đó, Hải Long bằng kỹ thụât cá nhân khéo léo và tốc độ đã ghi thêm hai bàn. Phút cuối cùng, do thủ môn ta lơ là, để bóng tuột khỏi tay, các cháu áp sát rồi tạt bóng vào lưới, gỡ hoà 4 - 4. Kết thúc với tỷ số đẹp. Bác Thắng "tụt" trở thành người hùng của trận. Cầu thủ 61 tuổi này làm vẻ vang cho trường Trỗi!!!

Sau đó là đêm giao lưu với các cháu gái tại Cafeteria tầng 18 cao ốc Viglacera, ngay ngã tư Phạm Hùng - Trần Duy Hưng, đối diện Trung tâm Hội nghị quốc gia. (Quán này cũng có chút đầu tư của danh thủ Hùng Vaxuco). Chú Thắng Chủ tịch lại (muốn nhắc lại từ "lại"!) cười tít mắt, cảm động trao phong bì cho cháu Châm, tiền đạo đội trưởng, mừng Tuyển nữ Hà Nội vô địch quốc gia năm 2009. Liên hoan vui vẻ và thân tình!

L.N.H



Đăng lại bài viết của Lê Ngọc Hiền (khóa 8) (đã đăng tại Blog K5: Thứ ba, 6 tháng bảy, 2010)




HTML Hit Counter