CT23 - ĐỒNG LẠC 1968-1969 (Sử Bình)




Học kỳ 2 năm học 1968 - 1969 Phân hiệu 1 Trường VHQĐ TSQ Nguyễn Văn Trỗi được thành lập và CT23 là tên được đặt cho Hòm thư của Phân hiệu... Thành phần của Phân hiệu này gồm một số rất ít học sinh K6 & K7 được cho là nghịch ngợm cộm cán, "cá biệt" được đưa đi "cách ly" xa Trường chính (mỗi Khóa chưa đến 20 người) và đóng quân tại Đồng Lạc - Thạch Thất - Hà Tây.

... Đường Quốc lộ Hà Nội đi Sơn Tây, khi còn cách chợ Gạch khoảng 2km, bên tay trái đầu một con đường đất đỏ lớn có bảng chỉ dẫn vào Chùa Tây Phương - một ngôi chùa nổi tiếng của miền Bắc - nơi có rất nhiều tượng phật cổ được làm từ gỗ mít. Gần đến di tích Chùa, bên phải có một con đường đất mới làm khá lớn, thẳng tắp. Hai bên đường được trồng Phi lao... Đi theo con đường này khoảng 2km, nhìn qua cánh đồng trống bên trái chừng hơn trăm mét sẽ thấy một cái gò thấp đứng chơ vơ một mình. Cả khu vực trồng toàn Xoan có hai dẫy nhà ngói cấp 4 thấp lè tè... Đó là nơi Phân hiệu 1 (Tiểu đoàn 1) chúng tôi đóng quân.

Đây nguyên là một Trường Tiểu học của vùng quê. Đầu dốc vào là ngôi nhà tranh tre, dùng làm bếp ăn tập thể. Nối tiếp là hai dẫy nhà xây đá ong, lợp ngói thẳng hàng, mỗi nhà 2 phòng học. Các phòng đều là nền đất, một đầu được đắp bục cao, viền gạch, nơi thầy cô đứng giảng bài. Dẫy bên ngoài của K6 - một dùng làm phòng ở và phòng còn lại là lớp học. K7 ở dẫy nhà bên trong cũng sắp xếp tương tự.
Trong cùng, giáp K7 là một dẫy nhà ngang bằng tranh tre dùng làm nơi ở cho các Thầy, một phòng của Quân y nhân viên do y sĩ Lam phụ trách và cuối dẫy là phòng của vợ chồng Thầy Lê Hùng - Chỉ huy Phân hiệu 1.
Phía sau dẫy nhà của K6, gần sát ruộng là nhà vệ sinh chung, tường đá ong, lợp ngói...
Đóng quân ở đây gần như là bị cách ly hoàn toàn. Bốn bề đều là cánh đồng lúa trống trải. Không có làng hoặc nhà dân ở cạnh. Chúng tôi hầu như không tiếp xúc với dân, không có quán xá, chợ búa, có tiền cũng không thể dùng mua gì được...
Trong khu vực chỉ có một cái giếng nhỏ, nước rất ít, dành riêng cho bếp ăn, nên việc vệ sinh, tắm giặt hàng ngày đều phải đi bộ khoảng 400m ra tận sông Tích - lúc nào cũng đục ngầu như nước sông Hồng.

Hàng ngày, chúng tôi vẫn sinh hoạt, học tập bình thường theo chương trình chung của toàn trường, (chỉ thiếu các môn Quân sự, Ngoại ngữ, nhạc, họa) Do học sinh trong lớp ít, nên các Thầy có điều kiện kiểm soát chặt chẽ hơn. Tất cả các buổi tối (trừ Thứ 7) đều sinh hoạt định kỳ như ở Trường chính... Có lẽ điều khác biệt lớn nhất là chúng tôi thường xuyên phải tập hành quân đêm. Tuần nào cũng tập hành quân đột ngột 3 đêm là ít. Thầy Bình người Nghệ An - phụ trách lớp K6 - không cho tập đi đường dài. Đêm nào cũng chỉ tập khoảng 10km, nhưng chủ yếu là chạy... Chạy với ba lô đầy đủ tư trang. Chạy 10 phút, đi bộ 1 phút để thở rồi lại chạy tiếp. Ban đầu mệt lắm, nhưng đang tuổi lớn nên chúng tôi chịu đựng được và làm quen rất nhanh. Tất cả đều qua được bài tập này và còn tỏ ra thích thú khi bài tập "hành quân đêm" không quá kéo dài...

Ban giám hiệu Trường chính đóng ở Hưng Hóa cũng rất quan tâm đến Phân hiệu "đặc biệt" này. Cứ 2 tuần một lần, vào chiều Thứ năm, đám trẻ chúng tôi lại ngồi hóng ra con đường trồng Phi lao, chờ chiếc xe ô tô ba bánh cũ kỹ chở đội chiếu phim của nhà trường đến phục vụ. Những buổi tối như thế, cái sân trước nhà được dùng làm bãi chiếu phim. Hai lớp K6 & K7 phải phân công trực nhật bảo đảm an ninh cho các phòng ở và bãi chiếu phim (khu đóng quân hoàn toàn trống trải, không có hàng rào bảo vệ). Thời còn khó khăn, mỗi khi có chiếu phim - một món ăn văn hóa, tinh thần hiếm hoi lâu lâu mới có - người dân quanh khu vực tự báo tin rộng rãi cho nhau và đến xem rất đông...

Có rất nhiều đơn vị bộ đội an dưỡng hoặc đang chuẩn bị đi chiến trường đóng quân trong các làng gần đấy. Vào tối Thứ bẩy, mỗi khi bên các đơn vị ấy có chiếu phim, hoặc văn công... các thầy cũng cho phép chúng tôi đi xem. Những tối như thế chúng tôi chỉ cử lại vài bạn trực nhật, còn cả đám hầu như kéo nhau đi hết. Có những buổi tối như thế, tôi mới biết ở các làng quanh khu vực này đang chứa đến cả... Sư đoàn. Bộ đội đông hơn dân, vui lắm !

Sống ở trong một môi trường toàn bạn bè "cộm cán" tôi mới dần nhận ra: đám "cá biệt" này cũng như tôi, chỉ hiếu động, tăng động... chứ không phải là những thành phần "bất hảo". Chúng tôi sống, học tập, sinh hoạt bình thường. Đôi khi cũng "chí chóe", mồm mép... nhưng vẫn hòa thuận, hay giúp đỡ nhau, rất đoàn kết và luôn thi đua làm nhiều việc tốt, giúp đỡ dân khi có cơ hội. Trong lớp có nhiều bạn nghịch ngợm lém lỉnh hơn bình thường, hay pha trò... đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho mọi người. PT Tiên - tác giả của bài hát tếu "Trên đường ra hố xí tay ta cầm giấy..." (phỏng theo bài "Ra khơi nhờ tay lái vững" của TQ). Bài hát này sau đó đã "lây" đến toàn K6. Chả là khi đám "quỷ sống" chúng tôi phát hiện ra một đứa đi vệ sinh, 3 - 4 tên sẽ nhặt đất đá ném cầu vồng qua mái dẫy nhà đang ở... Không dễ để trúng nhà vệ sinh, nhưng luôn gây "bất an, hốt hoảng" cho người đang ngồi bên trong, làm trò vui cho cả đám...

Ngoài giờ học, những tối được nghỉ, tôi và Quang "bò liếm" hay rủ nhau đi câu cá (đã được kể trong bài "Những kỷ niệm về Chu Tấn Quang"). Những sớm Chủ nhật đẹp trời, tôi và Quang hay đi ven mấy bờ đất quanh khu vực lắng nghe, tìm bắt những con dế "mặt khỉ" đang gáy, đem về bỏ vào vỏ lon đồ hộp cho chọi nhau. Quang "bò liếm" đúng là "sư phụ" của trò này. Con dế nào thua chạy... Quang liền dùng một sợi tóc quấn quanh thân nó quay quay vài vòng, thả ra con dế lại xông vào đánh tiếp... Chọi chán, chúng tôi lại thả lũ dế ra. Khi nào thích lại ra mấy bờ đất bắt mang vào đấu trận khác.

Ngoài Quang rất khéo tay, trong lớp có Thái "bò" cũng là một "bàn tay vàng". Cả hai bạn đã tìm các lon đồ hộp cũ, chế tạo ra bếp dầu "mini", cháy lửa xanh không thua gì bếp được sản xuất chính hãng. Thái còn tìm những đoạn thân gỗ ổi đủ to, rồi dùng dao gíp tỉ mẩn gọt khoét làm chạc súng cao su cho mọi người. Chạc súng được làm vừa tay, rất cân đối. Làm xong còn được cậu ấy hun khói cho nám đen và đánh bóng bằng lá chuối khô... Bảo đảm là sản phẩm này sẽ làm hài lòng tất cả mọi người, không sợ "đụng hàng" và bất kỳ ai được tặng hoặc nhìn thấy cũng mê mẩn. Tuyệt vời lắm !

Hết hè năm 1969, chúng tôi tập trung về Trường ở Hưng Hóa, Phú Thọ. Được sống tập trung, vui vẻ với bạn bè ít tuần trước khi vào năm học mới...

FB Sử Bình 07/12/2021