QUÀ SÁNG -THÚ CHƠI THỜI BAO CẤP

(Viết theo gợi ý của Nguyễn Văn Nam. Lính Trỗi K6 gọi Nam cùi)


Chẳng hiểu các bạn cùng lứa tôi, thời điểm này trên dưới sáu mươi còn nhớ những năm tháng gian khổ đó không. Ngồi nói chuyện ôn lại giai đoạn đó, mấy đứa con và cháu kêu: "Bố bịa nghe như cổ tích. Tụi con không tin". Đúng là khoảng cách thế hệ. Giờ này đời sống khá lên, "cơm áo gạo tiền" không còn là mối lo thường trực nữa. Ơn Giời. Viết những dòng này, ôn lại thời gian khó song thấm đẫm tình người, chất nhân văn sâu đậm trong ứng xử. Giờ này, lại vẫn là giờ này đời sống vật chất có đi lên song quan hệ giữa người với người tụt dốc, thảm đến mức xem người khác là đối tượng để khai thác. Nhược bằng không... "... Vẫy tay, vẫy tay chào nhau. Lần đầu và là lần cuối..." theo khẩu ngữ cách mạng "chào thân ái và quyết thắng".

Chuyện bắt đầu từ năm 1980 tôi bước vào đời công chức, giảng viên trường ĐHHH. Tôi ăn cơm tập thể mấy năm đầu. Đến giờ, xách cặp lồng xuống bếp nhận phần mình mang về phòng. Hôm nào khá có mấy hạt lạc hay quả trứng trộn với cà chua và hành rán lên kèm theo cút rượu, xem như tiệc nhỏ. Hai bữa chính không phải lo, ngon hay không, giàu hay ít đạm là chuyện nhà bếp, vượt khả năng kiểm soát bản thân. Bữa sáng, bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, mình tự lo. Ngày đó tôi là khách thường xuyên một quán bên hông tập thể trường. Ăn sáng ghi sổ, tự ra qui chế: một bánh rán hay kẹo dồi, một điếu thuốc lá thơm và một chén trà, cái gì cũng một, không dám quá... vì lý do tế nhị. Thiên hạ biết cả khỏi phải trình bày. Đến giờ thi thoảng, sáng mua vài chiếc bánh rán pha ấm trà cùng gói thuốc thơm thong thả thưởng thức, nhớ lại một thời gian khó. Tôi nghiện thuốc lá mỗi ngày hút bó rưỡi thuốc lá cuốn "con gà". Năm ngón tay trái vàng khè như nhúng nước bột nghệ. Dẫu nghèo vẫn giữ tác phong lịch thiệp. Đang hút giở điếu 555 gặp bạn vứt vội dù tiếc, chẳng lẽ mời bạn điếu thuốc con gà trong khi mình xài 555 do người khác mời. Đấy được gọi là phép lịch sự là GENTERMAN. Và đó là lý do tôi lấy vợ muộn. Các cô gái tôi quen nhìn tay tôi nản, hẳn nghĩ: "Cha này hút hít vầy chắc tan cửa nát nhà, tránh xa cho lành". Thế mới thấy sự dũng cảm của vợ, con gái trấn Sơn Nam có khác. Vợ biết "sống chung với lũ" từ ngày ấy trước khi có chủ trương lớn của nhà nước. Bữa sáng đạm bạc vậy làm sao có sức. Có những buổi lên lớp đói quay đói quắt vẫn phải cố hoàn thành bài giảng một cách "xúc sắc". Tôi là người không "xúc sắc" nhưng diễn đạt chuẩn trong sáng và dễ hiểu. Nghe sinh viên kháo: "Học thày Sơn môn CLT là sướng nhất". Vậy là khoái rồi, quên cả đói.

Thứ bảy chủ nhật nào không về HN trong túi có dư dả tôi hay kêu Việt (trò cưng ở cùng tôi nay là bạn vong niên - Thuyền trưởng tàu dầu đã nghỉ hưu) lên ngã Năm, góc giao đường Lê Lợi - Đà Nẵng, tự thưởng cho mình món LO LO TI CA. Giờ gặp nhau hai anh em vẫn nhắc: "Món đó, quán đó làm cách chi sao ngon vậy". Tôi cười: "Lúc đói ăn cái gì chả ngon. Chúa ăn mầm đá còn thích nữa là". Món khỉ gió này giờ tôi khoái, dù trước đây cả nhà không ai dính vào. Tôi còn trách: "Các cụ giáo điều, sạch trên mức cần thiết. Không thưởng thức xem như chưa biết tận hưởng cuộc sống". Duy có điều, giờ này đã biết sợ, không dám ăn tiết canh nữa. Năm 1989 - 1990 tôi biệt phái vào SG dạy tại phân hiệu của trường. Trường bên kia cầu Bông (đường Đinh Tiên Hoàng), tôi ở căn phòng áp mái của gia đình Quốc Dũng (là học trò cũng là bạn vong niên tôi giờ là TGĐ bảo hiểm Bảo Long) trên đường Lê Hồng Phong (quận 10 dân SG gọi ngã bảy). Việc đi lại, tôi được đồng nghiệp người SG cho mượn chiếc xe đạp. Nghĩ lại vẫn cảm động vì sự tốt bụng đó. Trong hơn một năm ở SG, trùng với thời gian thực tập tốt nghiệp của mấy sinh viên người HN chơi với tôi. Chiều tối thứ bảy tôi và Vinh (nay đang làm cho Bảo Việt) kéo nhau ra cổng trường cấp ba Lê Hồng Phong (đường Nguyễn Văn Cừ) uống bia Chương Dương với trứng vịt lộn (người Nam gọi hột dzịt lôôn, hơi ngọng ngộ đáo để). Mỗi người ăn năm đến sáu hột, giờ nghĩ lại còn ... tự mình phục mình. Vinh đi tàu tuyến Hồng Kông thực tập, khi về mua tặng tôi chiếc kính đổi màu, thời gian đó là oách. Bỏ vụ hột dzịt anh em kéo nhau đi nhà hàng. Búng tay cái tách có người phục vụ chu đáo, kể cũng sướng. Khổ mãi, lầm than mãi cũng có lúc được ngửng mặt nhìn mặt trời chứ.

Kết thúc chuyến công tác quay ra HP giữa năm 1990. Thời gian đó đỡ khó khăn hơn song vẫn còn bí bức. Tôi công tác ở trường có tiêu chuẩn như người đi biển nên hưởng 21kg gạo mỗi tháng. Gạo không lo thiếu dẫu gạo ăn chẳng ra gì, nhạt và phồm phộp, giờ nghĩ lại còn ớn. Vẫn hơn các gia đình đông con phải bươn chải đủ nghề. Mượn đất trồng rau nuôi lợn, nhận thuốc lá cuốn kẹo dồi kẹo lạc đi rao các mối. Lợn ốm bỏ ăn, vợ lo sốt vó, pha sẵn nước chanh kèm đá. Chồng dạy về khát nước định uống, vợ làm câu: "Cái đó giành cho lợn không phải cho anh". Dẫu thương chồng, chuyện dài lâu, ông đã chết ngay đâu mà sợ nhưng lợn chết thì ... cả nhà chết theo. Chồng cười cầu tài, nhận lỗi: "Em nói trên cả đúng". Tối đến là chuyện khác. Đang sướng, vợ giật mình nhắc: "Hết gạo rồi anh ơi". Chồng không chịu, hét: "Vứt mẹ nó gạo đi. Tập trung vào chuyên môn". Sáng ra vợ tủm tỉm nhắc chồng lo gạo, chồng răm rắp làm theo. Trong gian khổ vẫn có niềm vui cái sướng, ai bảo không nào. Nhớ chuyện thày Văn Như Cương, phường vào lập biên bản: "VNC nuôi lợn, làm mất về sinh chung cư". Ông không ký, bắt ghi lại: "Lợn nuôi VNC" ông mới nhận lỗi. Một thời đau đớn, xót xa cho kẻ sỹ nước nhà.

Dẫu biết và hiểu thấu đáo gian khó thời kỳ đó đặc biệt là đời sống gia đình. Nhưng việc phải đến sẽ đến. Trên đường đi tới gặp người con gái không sợ ông có năm ngón tay vàng khè, ăn nói vong mạng song không hề ác ý. Người con gái đó đủ bản lĩnh tin vào trực giác của mình và không nghe đài địch. Chúng tôi nên vợ nên chồng chấm dứt cuộc sống độc thân. Cho đến giờ thấy ... ỔN, có hạnh phúc hay không để người ngoài đánh giá. Không dám nhận ... hổng dám đâu.




Duy Sơn Vũ 2 Tháng 10 2016
Nhân ngày quốc tế người già, ẩm thực với các bạn k6 - NVT. Món LO LO TI CA tại đường Láng Hạ. Có bác sĩ Gia Bình tham gia, yên tâm lớn.


FB Duy Sơn Vũ 13 Tháng 10 2017 23:47