Kỉ niệm ngày 7/5: Lão chim sâu trong truyện ngắn "Hoa nước" của tôi - Trần Chiến


Nhân kỉ niệm ngày 7/5, mời ACE cùng nhớ tới người lính Điện Biên, những người đã làm nên chiến thắng lịch sử "chấn động năm châu, vang dội địa cầu" (với sự tham gia của rất nhiều nếu không là tất cả phụ huynh bạn Trỗi), qua truyền cảm của anh Trần Chiến K3

Trần Trường Chiến - K3

B4
1950

mb 0913.234815 - nr04.35567397, 043.8245132 - cq --29 ngách 44/1 Đỗ Quang--Cầu Giấy-HN-VN
- Nhà báo - Báo HN Mới -


với truyện ngắn "Hoa nước".




Lão chim sâu trong truyện ngắn "Hoa nước" của tôi


Nhà văn TRẦN CHIẾN


Năm 2004, tôi nhập vào đoàn người đông đảo “hành hương” lên Điện Biên. Đồi A1 nắng chang chang, mấy anh già “bẩy sọi” mang cờ “Cựu chiến binh xã…” ở Hải Dương, mồ hôi nhễ nhại trong quân phục dầy cộp ra sức lấy thế chụp ảnh, sửa lại quân hàm lệch, chải đầu xong lại tách tách. Nghe người hướng dẫn kể xưa đào hầm thế nào, đánh bộc phá ra sao, những gương mặt già lão háo hức. Đeo toàn trung úy, có người oai vệ như thủ trưởng trước hàng quân, có người cù mì lành hiền tỏ ra “ba linh thôn” đã lâu. Một ông lão bé như cái kẹo lẩy bẩy cứ bị nhắc nhở đứng dưới cờ thì phải ngay ngắn chứ nhẩy qua hào ngã bây giờ, phản ứng rất rúm ró. Nguyễn Trọng Chức ở báo Tuổi trẻ ngắm nghía mãi, thốt lên “Tôi buồn cười quá, ông này…”.
Có một cái gì đó bật ra. Con người này giữ “vị trí vai trò” gì trong cuộc chiến vĩ đại? Chắc chắn chẳng nên công trạng to lớn được, và bình thời cũng hay bị người khác cười cợt - có thể ác ý hoặc trìu mến. Một kiểu “con người bé nhỏ” chịu thua thiệt trường kỳ. Nhưng lại ngộ nghĩnh. Viết về ông này phải có giọng dí dỏm, điêu điêu một chút, khi cần thì phóng đại ra. Đây sẽ là truyện nhân vật, lấy tâm lý, tính cách làm chính để bật lên cái ý định nói, những sự kiện to lớn chỉ làm nền. Và vấn đề nên giấu đi, để người đọc nhớ được nhân vật là tốt nhất.
Đêm ấy về khách sạn tôi đòi ngủ riêng, lấy giấy bút viết. Mươi dòng thì tắc. Nghĩ đến anh già run rẩy lập cập nhẩy qua hào vẫn buồn cười. Một hình ảnh đáng mến. Những dư âm như vậy, cùng thiên nhiên Tây Bắc mạnh mẽ, làm cả xe khoái chí, suốt cuộc đi chơi toàn hát những bài “chế” của lính tráng, kiểu “Nẳm tay mạ hỏi mỳ chính con đâu”. Về nhà rồi cứ ám ảnh “tương quan” giữa bé nhỏ với vĩ đại. Người như lão thường gặp cực đoan khác trong đời sống, ví như vợ dễ là tháo vát, đanh đá, to béo. Đứng ngồi đi lại giữa nhân gian, thể nào lão cũng va đụng phải oai vệ bố tướng, cứ khép mình lại, dần dần hình thành một bản tính thứ hai, để tự vệ. Con người có cái gì – dầu là sự nhún nhường - tự vệ thì giữ được cho mình cái riêng, những ưa thích với ghét bỏ riêng. Đằng sau vẻ rúm ró phải là cái rất đặc biệt, tuy không nổi lên “hoành tráng lệ”.
Cần phải nói thêm, là tôi làm báo, đã vài lần lên Điện Biên, biết thế nào là “tằng cẩu”, “nậm pịa”, “chẩm chéo”, “lạp”, tiết canh gà, tiết canh chó, rêu suối xơi cả, trò chuyện có thể đưa đẩy vài câu “Sống chụ son sao”. Rất thích vẻ đẹp của đàn bà Thái nhưng học thách uống rượu thì bẹp như gián. Và có hai cậu ruột, anh cùng mẹ khác cha, anh cùng cha khác mẹ, chị dâu từng là lính Điện Biên. Tôi đeo binh nhất 9 năm, phụ cấp leo từ 6 lên 23 đồng.
Những cơn cớ khác, “có họ”, kéo đến dần dần. Hơn bốn mươi năm trước, anh bạn Trần Chí Thọ vào núi gặp ông lão làm thơ, rằng
Ông nông dân ngày ngày đi nhặt phân
Cần mẫn, chuyên cần như con ong con kiến
Nếu trường hợp nhặt được ba mươi cân
Thì ngồi rung đùi, vuốt râu như ông đại tá

Một ông khác hay bị vợ đánh, luôn miệng rủa chết đi chết đi, đến lúc vợ lăn quay ra thì đêm đêm lại ti tỉ khóc. Nông thôn nhiều chuyện công – tội không thỏa đáng, cứ phải có một đấng bậc nào đấy đứng ra “cứu xét”. Mâu thuẫn tộc họ, phe giáp nhiều vô kể, xông cả vào chính quyền. Một con người bé nhỏ sống trong đó thời phải ôm đầu mần thinh, ra lời nào chết lời nấy. Chim sâu, từng có những hy sinh thầm lặng, ác liệt, hay bị chìm xuống, còn lại là những “biểu tượng” hoành tráng kiểu sân khấu. Dư âm sau một thắng lợi như thế rất sẵn, nhưng vẫn cần thiết; nghĩa là câu chuyện không nhất thiết phải bi lụy hoặc căng thẳng, cứ theo ông lão ngộ nghĩnh mà nương.



Lão còn khác người là không biết giấu những ý nghĩ trong đầu, không theo nếp làng nếp xã hội được. Người ốm lâu năm ra đi, lão coi là sự giải thoát. Nhiều người nghĩ vậy nhưng cái đứa ra miệng thể nào cũng ăn đòn.
Chim sâu nhập đoàn hành hương, tức là ra khỏi làng. Một mặt là trật tự quân ngũ, già cả thì trung úy vẫn phải dưới trung tá huống hồ “phó binh nhì”. Mặt khác ông được tự do hơn, thả cái bản năng hồn nhiên của mình vào thiên nhiên tươi tắn. “Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm truồng”, đàn bà uống rượu như thuồng luồng, duyên dáng kiểu chưa bị “giáo hóa” thành bà cán bộ. Tây Bắc không thiếu những “tình huống” như vậy. Và thành phố Điện Biên chật ních những số phận, giờ “thêm” cả karaoke ôm gội đầu ôm, hấp dẫn con người bị cấm đoán trong lũy tre làng vô tả. Ông lão vô tâm có quan niệm đạo đức khác người của tôi, chả bị gò bó nữa, không sa vào thì chả nhẽ ra không bình thường.
Còn các nhân vật khác bên cạnh Chim sâu, cần phải đắp điếm những gì tương phản, cho nó nổi bềnh tính cách lão lên. Những ông hay đọc báo rồi ra đám đông tái bản mồm, những ông “ba linh thôn” lâu lắm, họp phụ lão còn hô “Chấn chỉnh trang phục!” sẵn quá, cứ như quơ tay là túm được. Họ là gia vị, điểm xuyết cho Chim sâu. À, cái tên này “tự dưng” xuất hiện, là vì tôi cứ nghe nó hót mãi, rất thích, ngửa mỏi cổ mới thấy, chỉ là cái chấm chuyền cành nhanh thoăn thoắt. Một loài chim hay đùa, hẳn thế…
Phần kết thật sự phân vân, kéo thêm vẫn được vì cuộc hành hương còn tiếp tục. Nhưng nghĩ dài nữa nó loãng, mình “hết chuyện” rồi. Bèn đóng lại. “Hoa nước” xong, tôi không thấy nó hơn gì những cái khác của mình. Đưa nhà văn Hòa Vang, anh bảo “Đây là truyện ngắn hay nhất của ông”. Rồi tạp chí Văn nghệ Quân đội in, cắt đoạn Chim sâu táy máy chị gội đầu. Và cuối năm thưởng một triệu đồng. Nhiều người bảo nó duyên dáng, hóm hỉnh.
Vậy là con mình đẻ ra, thấy nó xanh xanh tròn trĩnh, người khác lại nhìn ra tim tím vuông vuông. Cái sự vênh nhau ấy rất đỗi bình thường, đem lại cho người viết khi sượng sùng lúc thú vị.

T.C
 ✯✯ 





Truyện ngắn Hoa nước

Trần Chiến

Chưa đến mùa gió Lào mà thị xã mới lên thành phố ở mỏm Tây Bắc đã ngột ngạt. Những con đường khuất nẻo rợp bóng long não nhường chỗ cho nhà lô khung nhốm kính mái ốt nam thời thượng. Những nếp nhà sàn mộc mạc lùi mãi ra xa, bé nhỏ bên trại ấp của đám công chức cao cấp. Và người. 50 năm trước ở đây có trận đánh lớn, người Pháp thua to quân tướng Giáp. Dịp này kỷ niệm long trời lở đất, cả nước như chỉ nói đến Điện Biên, người đổ về đến là lắm.

Đoàn xe chở cựu chiến binh huyện Gia Kiên đổ quân xuống khách sạn Mường Thanh. Hai mươi ba chiến sĩ má hồng xếp hàng đôi, đúng đội hình hành quân tiến vào khoảnh sân đã chật kín xe. Má hồng là đận năm mươi năm trước thôi, chứ giờ thì đã xũng xịu, túi da chẩy xuống rồi. Anh huyện đội, quân phục dạ tá dù trời ngoài ba mươi độ, hối hả hò lễ tân xếp phòng cho các cụ. Ngủ nhà sàn, trải chiếu, tất nhiên có chăn màn để muỗi khỏi khiêng. Bốn cụ một gian khá chật chội, nhưng tiền huyện chi chỉ đủ vậy. Được cái hút thuốc lào thoả thích. Cô lễ tân bảo phải kê đủ tên người ngủ mỗi gian, dù là các cụ. Anh trưởng đoàn bèn xướng danh: “Bác Đỗ Văn Tơ, bác Trần Đình Chiểu, bác Nguyễn Quang Tỵ này... “Rồi ngoái cổ xuống dưới hàng gọi: “Ông “Chim sâu”! Ơi ông “Chim sâu...”

Từ hàng cuối, ông lão bé nhỏ cứ “hở hở” mãi mới tập tễnh bước lên. Quả đúng là “chim sâu” thật, nghĩa là một tay xách nặng. Đầu ông lão hút trong chiếc mũ lưỡi trai vàng choé, trông chỉ thấy bộ răng tranh nhau làm tổ trưởng. Chim sâu nhưng lại đột lốt đại bàng, vì bộ quân phục ông mặc quá oách, dài rộng đều quá khổ, quần ống cao ống thấp. Vẻ vội vã như của một anh chàng mới nhập ngũ làm ai cũng buồn cười.

- Cụ đi thay ông Bính Phùng ở Nỗ Xá phải không? Cháu chưa biết tên cụ đấy.

Trường đoàn hỏi sau khi đã “chấn chỉnh trang phục” cho Chim sâu.

- Tôi Đoàn Văn Vững

- Ôi giời ơi. Bố thế này mà “vững”. Bà lão vẫn chê bố loẻo khoẻo lắm kia mà.

- Loẻo khoẻo đâu. Thế có gì?

- Là bố vào ngủ với bố Tơ bố Chiểu. Không được ngủ với vợ đâu. Mà tối đánh răng cho con nhờ. Đái ỉa đừng ngồi xổ lên bệ ‘toa lét” đấy nhá.

Chim sâu luýnh quýnh xách túi bước lên ngôi nhà sàn rộng thênh thang, mỗi gian ngăn lại bằng vách gỗ lửng. Nhận chỗ xong thì đến phần tự giới thiệu. Ông Tơ hay nói chuyện cơ quan đoàn thể ở xã Hồng Nộn. Ông Chiểu ở Cái Bơn đọc nhiều báo, dọc đường toàn kể vụ án này nọ. Ông Tỵ ở Đông Lương con cái rất mực trưởng thành. Thì ra họ xếp bốn cựu chiến binh chống Pháp ở chung. Không phải vì oách đâu, chắc thế. Mà vì các cụ khó ngủ, đêm đi tiểu xoành xoạch. Thôi thế cũng tiện...

Vừa nằm xuống, ông Tỵ đã ngủ khì khì. Ông Chiểu ngó sang chỗ xông hơi mát xa bên kia sân khách sạn bảo báo Tiền Phong vừa đăng mấy kỳ về các “điểm dịch vụ” kiểu này, chắc hẳn bên ấy tối “dậy mùi mắm tôm chanh” ra gì. Ông Tơ giở miếng giò lụa vợ gói cho, chia cho mỗi người một khoanh. Họ đều có vẻ khoẻ cả, cứ như chỉ mình mình biết đau lưng. Chim sâu nghĩ.

Từ trẻ, ông Vững đã có tật hay nghĩ ngợi. Sao con chim lại hót? Sao con vịt đi đủng đỉnh giống bà chánh tổng? Ngọn gió lay cái cây, chúng nó nói gì với nhau nhỉ? Toàn chuyện tầm phào chả ai để ý, thành thử nói ra chả ai nghe. Có người nghe ông giải thích gió rủ cây ra bãi sông chơi cho mát đấy thì cười sắc sụa, lần sau hỏi ông “vẫn vớ vỉn vậy à?”. Mấy chục năm ông cứ nghĩ mãi về những vớ vỉn ấy, dốt chặt chúng trong lòng vì mỗi lần nói ra lại bị ỏng eo. Vậy nên phải có lúc mình nói cho mình nghe, không trao đổi  hoạ có phát rồ. Nhưng cũng có lần, có chuyện không nói không được. Tỷ như cần lấy vợ, ông ỉ eo thế nào mà cô Phin xóm Tám đồng ý về ở cùng. Lại có chuyện nói lại hay không nói lại thì cũng ra một kết cục cả. Sau tết Quý Tỵ 1953, chính quyền kháng chiến xã chấm Đoàn Văn Vững đi bộ đội. Cô Phin đã lùm lùm, không muốn xa chồng. Phần ông thế nào cũng được, không thể trái lời xã cũng như vợ, nên chỉ mỗi câu: Tôi “ấy” cũng được”. Tất nhiên chính quyền quyết định hộ, Vững lên đường không biết dặn Phin câu “ở nhà gắng tăng gia sản xuất mạnh để tôi lên đường giành lại non sông”. Đoàn thể biết chuyện, người bảo ông không hăng hái, người bảo chẳng sao đâu, tại hắn cầm tinh củ khoai thôi. Tóm lại là củ mỉ cù mì thò đằng nào cũng không quyết được phận mình, nói ra lị bị phê bình, chọc ghẹo hay thế nào đấy, Vững nghĩ thế và tiếp tục sự nghiệp nghĩ ngợi. Tất nhiên ông biết cái điều nói ra hay không nói đằng nào cũng có phần hay dở riêng, và mình làm thì mình sẽ chịu khổ hay được hưởng, nên cứ thế lích chích một mình.

Ông Tơ đánh xong khoanh giò ngồi xấp bằng tròn ngó quanh. Phố xá vui gớm nhỉ. Nghe nói đã lên thành phố cấp hai ba gì đấy, vui hơn cái làng Hông Nọn mình nhiều. Ông Tỵ đã nhỏm dậy, vuốt cho phẳng bộ quân phục còn mùi hồ, nghiêng ngó kiếm điếu cày. Ông Chiểu đi về bảo ban ngày chỉ có mát xa chứ không xông hơi, báo Thanh niên vừa có bài về mát xa ở Pleiku kinh lắm. Lại nghe nói quan viên tỉnh này giàu có, san đồi làm trại, ủi ao nuôi cá, có người nhà mặt phố cho thuê, bỗng dưng được chục triệu mỗi tháng. Rồi các ông đều thấy tiếc là tuy đều cựu chiến binh cùng huyện nhưng mấy khi được họp hành giáp mặt, nhất là giờ kinh tế thị trường càng mỗi anh mỗi phận, nên có phần tự giới thiệu về mình. Đúng là toàn những tướng oách: ông Tơ suýt bắt sống tướng Đờ Cát, ông Tỵ bắn cao xạ rơi “bê vanh xít” ở cứ điểm Độc Lập. Ông Chiểu là cán bộ chính trị, đã đi giảng bài cho học sinh các trường học trong huyện, rất tư liệu, bảo ai lại nói lên “hàng chục” bao giờ, cùng lắm là một tá hay chỉ một chục thôi. Ông Tỵ chịu là phải, nhưng khoe sang thằng cháu học giỏi, lên tận tỉnh thi văn. Nói tóm lại là ai cũng công trạng đầy mình, về làng mũ áo chói lọi, tham gia chính quyền ba bốn khoá, già rồi mới chuyển sang mặt trận tổ quốc, giờ thì cựu chiến binh.

- Lúc tôi về ngành giao thông là quân hàm trung tá. Ông giám đốc sở mới bảo: “Biết xếp cho anh chân gì bây giờ...”

Ông Tơ chưa dứt lời, ông Tỵ đã kể sang đoạn chỉ đạo chiến sĩ bò ra thu cái hòm dù có tấm bản đồ chiến trường của địch “còn quý hơn vàng’. Trong khi đó, ông Chiểu cho sống lại cuộc duyệt binh năm năm lăm ở Hà Nội, đích thân tướng B. chọn ông cùng năm chiến sĩ Điện Biên khác dẫn đầu khối lục quân. “Ai cũng cao to đen, dân thủ đô nhìn lác xệch, phải đi chữa mắt rất nhiều”. Ông Tỵ thủng thẳng: “Không có cánh tớ thì các cậu bị nó quần cho nát đít rồi. Hồi đánh Nà Sản, “bê vanh xít” chả tương các bố vãi ra quần phải rút đấy à... Năm năm ba tớ ở Trung Quốc hành quân về bằng xe kéo pháo, lính diện mũ sắt, ca men Việt Trung Xô, giầy vải cao cổ, khăn mùi xoa trắng, các ông chẳng thèm giỏ dãi a...”

Những câu chuyện bển Mển, bản Kéo cứ dài mãi ra. Không khí lính tráng hơi hơi suồng sã đã thay thế thứ bậc tôn ti hàng ngày. Ai cũng say sưa “hát” khiến ông cựu trung tá tức quá không thèm nói chuyện nữa. Thấy ông Vững đang khiếp vía vì những chiến công của đồng đội, ông cho phép mình nói bằng cái giọng bông phèng, có chút chút bề trên:

- Thế còn Chim sâu, làm sao mà ông cứ im như cót thóc vậy?

- Tôi chả có gì...

- Có gì mà không kể được - ông Tơ cao giọng – chín năm kháng chiên bắt được thằng Tây mù, thành tích quá còn gì. Ông cứ khiếm tốn quá hoá tự kiêu. Hà haaa...

Cả phòng cười theo khiến Chim sâu bắt đầu bối rối, bèn phân bua: “Tôi nhập ngũ năm ba, làm sao tính được “chín năm kháng chiến”...

- Lại khiêm tốn nữa rồi. Có thật ông đi bảo vệ cụ Hồ hay làm toàn việc cơ mật mà không thể nói?

- Ông ấy quản một lũ lính gái đấy. Nhỏ nhắn mà oách ra phết. Tẩn được mấy cô rồi? Khai ra ngay.

- Tôi chỉ làm mỗi việc củi lửa - ông Vững lúng túng – cầm cái đũa cả nhỏ hơn mái chèo một tỵ, quấy quấy. Vậy thôi. bao giờ chín cơm nắm lại, gói thêm mắm kem trong lá, xếp vào thúng gánh cho anh em ăn.

- Nghĩa là bố làm anh nuôi chứ gì? Có thế mà lúng búng mãi. Anh nuôi tha hồ sờ tí chị nuội, còn bộ đội đói ngẳng cổ - Ông Chiểu mủm mỉm.

- Làm gì ra có chị nuôi. Đơn vị toàn đực. Có hôm... có hôm... Chim sâu ngập ngừng rồi phăng ra - Đận đi khỏi Pha Đin, ra cái suối gì ở Tuần Giáo, cả tiểu đội nhìn thấy đàn bà Thái tắm, trắng ơi là trắng... Rức cả mắt!

- Nói khoác Tướng ông hủ hoá được với vợ đã là giỏi. Cứ làm như đã biết thêm cái khác rồi...

Vững nói câu nào bị độp ngay câu ấy, biết mình không cãi lại nổi bèn ngồi em. “Im mồm” chứ còn làm gì được nữa. Các lão còn lắm mồm hơn con ngan già nhà mình... Ây à... tưởng mụ Phin coi mình không bằng cái đinh mục, ai ngờ báu đáo báu để, cái cuộc này...


Chuyến đi với Chim sâu đúng là từ trên trời rơi xuống, dù lão là chiến sĩ Điện Biên đích thị, lại còn đi trước ngày mở màn chiến dịch đến chín tháng.

Quãng thời gian Đoàn Văn Vững làm phó thường dân, sau đó là phó trưởng gia đình dài quá, đến nỗi ở xã không ai nhớ đến thuở oai hùng nọ của lão. Thương binh chả phải, chỉ dính mảnh đạn lúc gánh cơm trong chiến hào đầy bùn và vác xác đồng đội. Vững chỉ được hưởng chế độ bệnh binh, không có xuất nước chè, bánh kẹo ngoài uỷ ban xã ngày 27 tháng 7. Mồm lão ngậm thóc, suốt ngày thủ thỉ với đàn vịt, đêm cọt kẹt lều vó, ai người chọn đi kể chuyện đó cho các thiếu nhi dịp thành lập Quân đội. Biết một thì cũng phải thêm dấm ớt cho thành mười mới kể được chứ. Nhất là tại mụ La Sát ở nhà, thấy ai đến hỏi han lịch sử chiến đấu lại quàng quạc: “Lão chăn vịt nhà tôi thì biết cái gì mà kể chuyện anh hùng”. Người ta quên tịt đoạn Vững đã ra ngồi trụ sở, đại diện cho thế lực một họ để công tác, quên béng cả việc đã đùn đẩy lão những trọng trách ra sao. Thành thử trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ xã Nỗ Xá”, Đoàn Văn Vững không được kể tên, chỉ tính là một trong năm ba người kể cả bộ đội, dân công hoả tuyến và thanh niên xung phong đã thoát ly, đóng góp trong kháng chiến chống Pháp. Cuốn sử ấy tuyên huấn huyện về lấy tư liệu rồi soạn, nghĩa là “khách quan” lắm rồi, vậy mà còn có người kiện. Rằng nhiệm kỳ tôi làm sao không kể cái ấy cái nọ vào. Rằng hồi ông N. đương chức có mấy vụ thối hơn đũng quần đàn bà ngày “hành quân” sao tít tìn tịt lờ đi. Kiện là việc của người khác, Chim sâu có mồm đâu mà mở ra.

Dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên, sau khi những huyện uỷ, uỷ ban thanh niên, phụ nữ... hành hương về rồi, thì có phổ biến Nỗ Xá được góp ba người trong đoàn cựu chiến binh huyện lên đất xưa anh hùng. Ông Bính Phùng, một biểu tượng của truyền thống, vì từng suýt anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dĩ nhiên là người đầu tiên. Ông thứ hai là một thiếu tá thời chống Mỹ. Anh xã đội trưởng lính thời chiến tranh biên giới là thứ ba. Ba người đã lên huyện đội lĩnh quần áo sĩ quan, mũ lưỡi trai, huy hiệu, cả giầy tất, tiền bồi dưỡng. Huân chương ai có gì đeo nấy. Ông Bính Phùng ngực nặng nhất, chói lọi cả đằng trước lẫn trên vai. Khiêm nhường như xã đội trưởng Toại cũng đại uý, cấp phó tiểu đoàn rồi. Hôm họp đoàn xong, xe huyện trả bộ ba về nhà oai phong quá, cả xã xôn xao đến mấy hôm.

Đùng cái ông Bính Phùng bảo không đi được. Thứ nhất đăng ký xin xỏ mãi mới xin được chân đại lý điện thoại, triển khai chậm một tuần bưu điện họ cắt mất. Thứ nhì, ông thiếu tướng trung đoàn trưởng cũ hẹn có chuyến đi riêng. Thứ ba, muốn dành vinh dự này cho người chưa được hưởng bao giờ. Và đề cử Đoàn Văn Vững đi thay. “Ông ấy cũng chiến sĩ Điện Biên, tuy không công trạng gì những cũng là có đóng góp”. Bộ tứ và các đoàn thể đều nghi hoặc, sau đó đi ‘xác minh” thấy đúng thì chuyển sang do dự. Bính Phùng bèn giở dỗi ra: “Người ta hiền lành, bao nhiêu năm không kể công, đi là đúng rồi. Không chọn thì tôi khêu chuyện các anh tư túi tiền công đức đình làng ra đấy. Nới lại chuyến đi miền Nam “học tập phương pháp làm ăn hiện đại, xây dựng nền sản xuất hàng hoá”, ông Kiền không phải anh vợ chủ tịch xã mà đi nổi à? Các ông có muốn nghe dân chửi không?”. Ông Bính cùn rồi, nên hương chức xã phải nghe.

Xã đội trưởng đến nhà lúc Chim sâu đang say thuốc lào, ngã bổ ngửa vào chiếc mong ngả mốc tương. Toại nâng lão dậy, phảy tàn đóm bám râu thưa, ghé tai hét: “Ông có tỉnh không đấy? Chuẩn bị lên Điện Biên! Đi với con. Xin phép bà lão đi!”. Nhìn cái va li con bóng loáng trong tay Toại, Chim sâu tỉnh hẳn, nhưng giọng còn hốt: “Tôi đi ... là thế nào/ Tôi “ấy” thế nào được”. Lại một chầu giải thích pha ra lệnh. Rằng ông là chiến sĩ Điện Biên chính thị rồi còn gì. Hay là khai man lý lịch? Rằng cựu chiến bình, dù là cựu chiến binh chống Pháp cũng phải nghe lời xã đội, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đoàn thể. Rằng đây là vinh dự lớn, hơn mấy con vịt nhiều, không đi tức là từ bỏ truyền thống đấy. Chim sâu không nhớ mình đã khai lý lịch bao giờ, khai những quái gì, càng ú ớ. Thực là lão muốn đi lắm, chả mất tiền lại được lên chốn xưa. Người ra thế là trọng vọng chứ lị, mình vinh sự chứ lị! Nhưng ý bà lão ra sao thì còn chưa được lĩnh. Đành đánh bài lưỡng lự.

Thì xã đội triệu ngay mụ La Sát đang chổng đít thổi lửa dưới bếp lên giao nhiệm vụ. Mụ đồng ý tắp lự. “Thế ra xã cũng có lúc nhớ đến lão điếc đấy!” Lại còn trách mát tới táo gan chứ. Mụ sang ngay ông Bính Phùng cảm ơn và hỏi rõ cách thức. “Thì cứ đi chứ còn cách thức gì nữa”, Bính Phùng bảo. “Người ta bảo lên xe thì đừng xuống, bảo chụp ảnh thì đừng nháy mắt. Nhưng đừng ăn nhiều thức lạ, giữa đường đòi đi ỉa đái, lái xe nó mắng cho. Thế thôi. Kể ra sắm sanh được cho ông ấy cái máy điếc, đỡ “hở hở’ thì tốt, không thôi cũng được...” Mụ La Sát lại cảm ơn, về gọi con cái tối họp gia đình.

Chim sâu đẻ ba con một bề, tức thị ba con vịt giời. Được cái chúng không bay đâu xa mà chỉ lấy chồng quanh quẩn trong xã, ngày nào cũng mò về cùng mẹ quàng quạc. Phải nói là cả nhà sướng ngay vụ bố được chấm đợt này. Anh rể là hiệu phó tiểu học trân trọng mở đầu:

Cần xác định đây là vinh dự lớn bố ạ. Vinh dự lắm. Tiếc là chúng con là rể, chứ không đã mở mặt nữa với cả làng rồi. Bố phải quán triệt hết ý nghĩa của sự kiện trọng đại này. Nhà mình có người tham gia vào chiến công vĩ đại nhất thế giới thứ ba... Chà chà... Lớn lắm! Chậc...

Anh rể thứ chủ lò gạch không nói nhiều, biếu bố hai trăm nghìn uống nước khiến cô vợ sướng quá rưng rưng nước mắt. Anh rể út tháo chiếc nhẫn, rằng con chả có gì, bố nhỡ độ đường thì tiêu, không lại đem về. Con cái người thì lọ dầu, người củ sâm, dặn dò những là ăn uống điều độ, nói (dối) với người phụ trách mình say xe để ngồi ghế trên, qua những dốc đèo đừng nhìn xuống kẻo chóng mặt. Có điều ai cũng nhất trí bố phải tắm thật kỹ cho hết mùi vịt, chúng con sẽ mua xà phòng. Cả thuốc đánh răng, bàn chải. A mà nhớ cắt móng chân đừng để những “củ cải” đen đủi quá. Mấy con vịt bố không phải lo, các cháu cắt nhau ra trông không suy xuyển đâu mà sợ. Riêng mụ La Sát ít nói lắm.

Tối ấy Chim sâu vẫn ra lều vịt, bảo thế quen rồi. Bà lão ở nhà trằn trọc, sáng ra dậy rất sớm, nhỏ cả sào xu hào con tươi nõn tươi nàng đem đi chợ huyện. Tất cả các khoản được triệu hai, cho vào tủi vải đeo trong áo kẻo kẻ cắp rạch mất.

Dặn đi dặn lại những câu cũ rích. Thế mà hôm xuất quân lên huyện, mụ không ra xã tiễn, sợ lại khóc như vợ chồng trẻ người dưng họ cười cho.

Sáng sớm, xe ôm sẵn sàng chở ba đại biểu lên huyện nhập đoàn. Đảng uỷ, uỷ ban cũng ra theo chúc mừng, căn dặn các vị. Đột nhiên có người phát hiện Chim sâu không đeo quân hàm. Lão bảo về năm năm lăm mới có chiến sĩ, mà năm năm tám mới phong quân hàm, đeo thế nào được cái trung uý xã đội đưa. Xã đội giải thích lão còn ở quân đội đến giờ hẳn phải lên cấp tướng rồi, đeo trung uý là còn khiêm tốn lắm. Vậy là đoàn xe ôm rầm rầm qua nhà Chim sâu. Chạy vào lấy cái một vạch hai sao vàng choé, lão thấy mụ La Sát đang khóc thin thít.

Diện bộ vào oách hẳn lên. Nào có ai nhận ra lão chăn vịt. Lại thơm mùi dầu gội đầu trị gàu “Xăn xiu”. Những cái gì cũng quá khổ. Quần không xắn hai gấu lau hết mặt đường, đôi giầy như hai chiếc tàu thuỷ vượt đại dương, Chim sâu còn chưa biết mình còn phải khổ với chúng đến thế nào...


Rời khỏi đồng bằng, đường đổi hướng liên tục vì đèo dốc. Tấy Bắc chập chùng, những bài hát cũng chập chùng như con đường. Ký ức cũng vậy, tóm được hết sức khó khăn, nhưng đấy lại là cả một thời trai, cứ mỗi lúc mỗi trỗi dậy trong mái đầu già nua. Sao mà quen quen, sao mà không như xưa? Chim sâu thở hổn hển, lầu bầu mỗi lần “bắt” được một hình ảnh cũ.

“Có mà mát khối ra đấy. Sạt đường, hỏng ăn, nhịn đói là cái chắc.”

Lão nói vậy, một mình, lúc có ai bảo nóng quá, giá mưa cho thì tốt. Khi một người kêu: “Núi đâu lắm thế...”, lão đốp lại: “Chuyện, ngày ấy đi bộ cả tháng, tịt mấy lứa đẻ ấy chứ. Thế mà đám dân công vẫn “quai” nhau chỗ dốc Mạ...” Dù chỉ là “nói” hay “đốp lại” hẳn hoi cũng chả ai nghe thấy, vì lão có ra lời đâu. Cùng lắm là lí nhí, nên chả lần nào Chim sâu bị ai cười mũi hay làm hề hấn gì.

Thế mà khi tấm bảng ven đường vụt hiện lên rõ mấy chữ “ Cầu Suối Tấc”, Chim sâu “ối” lên rất to khiến xung quanh tưởng lão đụng đầu vào trần xe. Chim sâu quay đi quay lại ra điều hối lỗi đã làm đứt tiếng ngáy của đồng đội rồi co ro, người dúm lại vì kỷ niệm xưa.

Suối Tấc ngày ấy rậm rạp chứ đâu có phơi mình ra quang quẻ như bây giờ. Dù bị bom chùm, bom phá, bươm bướm, khai quang thả tơi bời, rừng vẫn ngun ngút, phải ngẩng lên mới thấy được trời xanh. Chàng thanh niên mười tám tuổi Đoàn Văn Vững gánh rau ra suối Tấc rửa. Xong xuôi, cậu em út của tổ anh nuôi chưa muốn về, ngồi ngắm nghía lũ sỏi đen trắng bóng líu dưới chân. Thoáng một cái, cái chấm xanh biếc vùng qua. Con chim bói cá chuyền dọc suối dẫn Vững tới một vầng trắng loá mắt. Năm cô gái Thái đi nương về ào xuống tắm líu ta líu tíu như bầy chim. Những áo cóm cúc bướm, váy thêu, khăn piêu phơi ríu ran trên tảng đá to.

Chưa hay cái lẽ nếp trẻ trên đời, chẳng biết ngượng ngập, Vững bước hẳn lên tảng đá, ngây ra. Đám tiên nữ mới đầu ré lên, trầm mình xuống nước. Rồi tĩnh trí, bạo dạn trở lại, có lẽ vì cái nhìn của chàng trai quá trong trẻo. Chúng mình là hoa để họ ngắm chứ. Ngắm cơ mà.

Bộ đội có tắm với các chị không?

Một cô có búi tóc nặng trên đầu, chừng ba mươi bập bẹ, rồi nhỏm hẳn người dậy té nước vào Vững. Cậu em miền xuôi xinh xắn như con chim nhập bầy nhập nhoạng bước xuống suối. Xung quanh cậu đàn bướm vàng bay lượn ríu ran. Những nhũ hoa lúc đen, lúc hồng. Những tóc mây mượt mềm còn hơn nước, còn nước thì óng ánh đủ bảy mầu cầu vồng. Chẳng ai nói sõi tiếng Kinh, nhưng thế là đủ lắm rồi. Vững bị té nước cho đến lúc ngã ngồi xuống suối, mãi mới dậy nổi, chạy chí chết qua bãi đá không thấy gai cào, không hay rêu trơn trượt sấp mặt.

Và tối đến, bị kỷ luật vì để trôi suối nửa gánh rau, cũng chả buồn tiếc. Cài vùng thịt da trắng sáng đẹp đẽ, thơm lành quá, trong giấc ngủ cậu còn mỉm cười. Như là mẹ, là chị, lại như là hoa của đất trời, những núm vú với những nụ ấy, ám ảnh Vững không thôi.

Mãi sau này, khi đã tỏ lẽ đực cái, sự sinh nở bất diệt của đời, Vững vẫn không thể quên sự khám phá, cái cảm giác tinh khôi ấy. Mỗi lần oà mặt vào ngực vợ, hoa nước suối Tấc lại hiện ra khiến lão mủm mỉm cười, ngay cả khi đã móm mém.


Thung lũng sáng ra đã nóng. Nắng non bò qua cửa sổ nhà sàn ngoáy vào mũi, nửa “tiểu đội” hắt hơi liên tục. Chim sâu nhớ đến mặt nước ao bèo, không biết cu Hiền có dong nổi đàn vịt... Lão mệnh mộc, hợp với nước, nên hơi tí đã nhớ nước. Gỗ cứ lềnh phềnh chứ bao giờ mà chìm được. Ngày nọ ông thầy xem bảo: “Văn nhân nhìn xuống, hào kiệt nhìn lên”, lão như văn nhân, phần âm rất mạnh, cả đời như người đàn bà rặt sinh con đẻ cái, chăm chỉ những cái vặt vãnh. Vặt vãnh nhưng làm nền cho những anh hùng dương tráng trí bay lên lo việc lớn, tỉ như đánh giặc, trở nên biểu tượng đất nước. Mệnh ấy có đi bộ đội, làm đến tổ trưởng anh nuôi là hết.

Phụ trách tuyên huấn hội cựu chiến binh huyện là một trung tá, cán bộ chính trị về hưu. Trong đoàn hành hương, Khắc Liên thực chất là người lãnh đạo, anh huyện đội lứa sau chỉ điều hành, thực hiện theo ý ông. Trạc tuổi chiến sĩ Điện Biên cả, mà trông ông vững vàng, giọng nói có uy lực khiến cánh “ba linh thôn” sớm nhất loạt gọi “thủ trưởng”. Khắc Liên tập họp đoàn phổ biến sáng thăm hầm Đờ Cát và đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ, chiều nắng đi bảo tàng. Chương trình giao lưu tối có đại biểu huyện hội phụ nữ Tuần Giáo, các đồng chí chuẩn bị hát hò, đọc thơ, kể chuyện xứng với truyền thống quân dân cá nước. Chim sâu nghĩ giá là hội phụ nữ suối Tấc thì hơn. Biết đâu...

Hầm Đờ Cát thì Chim sâu đã biết quá rõ. Hết chiến dịch lão bị ốm không về Hà Nội duyệt binh mà ở lại thu dọn lòng chảo. Lão bé như kẹo, giá về cấp trên chắc không biết xếp vào hàng nào. Nghĩ lại mà kinh. Mìn, bom nổ chậm khắp nơi, lơ mơ là tan xác. Có anh bom đạn không sao, giờ chết mới vô lý. Được cái đồ hộp chén thoải mái, thấy mình thật chúa sau ba tháng giời cơm nắm mắm kem. Lão giấu trong đáy ba lô tấm dù trắng đêm về tặng vợ, dặn đừng phô với ai. Hồi kỷ niệm 40 năm chiến dịch, chẳng biết ai lộ, bảo tàng tỉnh về xin đem trưng bầy. Hú vía. Họ không phê bình lão tham ô chiến lợi phẩm, lại còn cảm ơn. Nhìn căn hầm thép sừng sững Chim sâu phục quân ta quá, thằng Tây lông lá to lớn thế mà dám xông vào “hô lê manh”.



Bước đến chân đồi A1 là Chim sâu sụt sịt. Đại đội lão mỗi đêm rơi vài mạng, có tiểu đội về mỗi một anh. Những cậu Thanh Hoá, những đứa Nghệ An, Thái Bình, ai cũng lừng lững đẹp đẽ. Nhớ nhất là đại đội trưởng Vang Lừng râu quai nón nói được tiếng Tây, đã biểu dương đồng chí Đoàn Văn Vững tuy đái ra quần nhưng vẫn mang được cơm lên cho tổ bắn tỉa. Chiến hào đầy bùn với máu. Vững đang lò dò thì moóc chê câu đến, gánh cơm văng tung toé. Đếm thấy chân tay mình mẩy còn đủ cả, Vững nhặt cơm dồn lại. Anh em bắn tỉa cạo bùn bên ngoài, chỗ cơm ăn được chỉ bẳng quả trứng. Ăn thế mà nhắm trúng Tây mới kinh. So với lính chiến đấu, vững thấy mình chỉ là con kiến bé nhỏ. Vậy mà cũng được biểu dương. Ngày chiến thắng, cả thung lũng dậy tiếng reo, quân ta ôm nhau bảo: “Sống rồi”. Vang Lừng bỏ giày đi chân không, dẫm phải mẩu thép gai rỉ. Nhìn đại đội trưởng lên cơn sài rung cả giường, quai hàm trẹo đo, cả đại đội khóc. Tất nhiên là chỉ còn bốn chục mống khóc được, những đứa khác thì còn biết cái quái gì nữa. Mà cái giống chết mới lạ, không sống lại được, không ai thay được là sao?

Sau Vững đem ảnh đại đội trưởng về thờ, Vang Lừng hơn lão chín tuổi, chưa lấy vợ.

Đang sụt sùi thì có người dúi vào tay miếng giấy ăn, bảo lau mặt đi rồi ra trả lời phỏng vấn. Hai phóng viên Pháp gặp đoàn cựu chiến binh mừng quýnh, hỏi có ai trực tiếp đánh đây ngày xưa không. Đoàn có mỗi lão dự A1, còn ông Tỵ, ông Tơ, ông Chiểu “chơi” những Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập, không phát biểu được. Chim sâu lập tức dúm lại. Biết gì mà trả lời. Nhưng Khắc Liên giao đây là nhiệm vụ tuyên truyền, phải cho cả thế giới biết chiến công của chúng ta vĩ đại thế nào, nhắc nhở thế hệ trẻ đừng quên truyền thống. Hai người Pháp ân cần bảo Chim sâu cứ điềm tĩnh, có gì kể nấy. Lão đứng nhìn lên chỉ thấy lỗ mũi rậm rịt lông xoăn, hệt đám tù binh thuở nào.

- Tôi chỉ nấu cơm đưa lên cho anh em, xong lại về nấu cơm tiếp.

Chim sâu lầu bầi, nghĩ bụng hai người một nam một nữ cùng sang đây công tác, thể nào mà chả đực cái với nhau. Chuyện mình làm có gì oai mà phải kể. Nhưng họ lại hỏi cặn kẽ cơm nấu ở đâu, làm sao để giấu khói, gánh cơm trong hào ra sao. Những chuyện ấy dễ quá. Chim sâu tuôn rào rào, lời dịch lại được ghi lia lịa.

- Bây giờ thăm lại chiến trường xưa, ông có cảm tưởng gì?

Câu hỏi làm Chim sâu nhớ đến đại đội trưởng Vang Lừng, cậu Mui trung liên, anh Toàn tổ trưởng tổ nuôi quân. Lão ở cách trận địa hai cây số, làm luôn công tác tử sĩ, cứ đem phên cuốn xác đặt xuống đất, vạt gốc cây khắc chữ sơ sài đánh dấu. Rồi đơn vị khác, người khác lên sau thu dọn hài cốt, chẳng biết có gom được hết, gom được liệu còn miếng gỗ ngày nọ... Chắc rồi gia đình họ phải thờ chung cả... Mà ai cũng trẻ mới thương chứ. Nỗi lòng làm Chim sâu không thể trả lời. Khắc Liên hết khuyên nhủ đến nhắc nhở không xong, đành bảo lão lau nước mắt nước mũi đi, nhoè nhoẹt thế kia bọn mũi lõ chụp ảnh rồi đem phản tuyên truyền khắp thế giới xấu hổ quân đội ta, đất nước ta lắm.

Rồi phân bua với hai nhà báo:

- Ông ấy vậy thôi, mà bắt được lính nhẩy dù xuống giao thông hào bằng đòn gánh gánh cơm. Là vì đang thương nhớ đồng đội nên mới khóc. Trong số chúng tôi, những người bắt được tù bình thu súng hoặc gọi hàng lính Tây nhiều lắm, tính không xuể.

- Ông giải ngũ năm 1955 à? Theo chỗ tôi biết, quân đội Việt Nam năm 1958 mới phong quân hàm cơ mà...

Chim sâu cứng người vì bị vặn. May sao Khắc Liên đỡ lời: Khi giải ngũ ông ấy là đại đội phó, tương đương trung uý. Đoàn cựu chiến binh chúng tôi ai chưa có quân hàm cứ phiên chức vụ tương đương khi giải ngũ mà đeo. Nếu đúng tuổi mới về hưu, bây giờ đeo đại tá cũng là vừa.

Nhân lúc Khắc Liên và hai nhà báo bận đối đáp, Chim sâu linh ra chỗ cái hố to tổ bố, dấu vết quả bộc phá nghìn cân thuở nào. Đầu lão ong ong, vừa xấu hổ, ấm ức với mình, vừa trách tổ chức đẩy mình ra. Lão là bậc phó chiến sĩ, về nhà là phó thường dân, khi lấy vợ là phó chủ gia đình. Ăn không nên đọi, nói năng ấp úng. Cái gì cũng ây ấy vầy vậy, thế thôi. Có gì mà phát ngôn phát biểu được. Cả đời lão nói về mình còn chả nên lời, cơn cớ gì mà nói hộ người khác được.

Gớm quá. Chim sâu miên man trong ấm ức, đến lúc có người nắm tay kéo giật lại: “Cụ ơi, không nhảy qua giao thông hào được đâu. Chân cẳng chấm phẩy vậy mà đòi nhẩy như ngày xưa, chúng cháu không khiêng cụ về với cụ bà được...”


Cuộc giao lưu ở sân khách sạn Mường Thanh đã không diễn ra được như trong chương trình của ban tổ chức. Không phải đổ bể vì có mưa hay ai đó bị nạn, mà mặc nhiên, tất cả những nhân vật chính đã đẩy nó sớm lên một tiếng. “Kịch bản” thì bị sửa hoàn toàn. Duyên do, như sau này một người trong ban lãnh đạo đoàn Gia Kiên “phối đúc kết” lại, tất cả là ở rượu và đàn bà.

Bữa tối là tiệc lớn, có mời hội cựu chiến binh sở tại. Hai đồng đội xưa tìm được nhau khóc rưng rức, cười móm mém. Vài ông Hải Dương định cư Điện Biên được phong bánh cáy cũng sụt sùi. Những ông cao xạ, những ông pháo mặt đất, ông ôm bộc phá công kiên, ông chỉ lẳng lặng xe thồ tranh nhau nói. Hai mươi hai đại biểu phụ nữ Tuần Giáo trẻ trung, sồn sồn hy móm mém đều có cả. Trong số đó lại mười lăm người áo cóm cúc bạc rực rỡ, váy nhung the dập dờn, tằng cẩu hay chưa tằng cẩu đều uống rượu như uống nước lã. Đã quen công tác giao lưu lắm họ nên mỗi mâm chúc rượu ép đủ mỗi ông hai chén Sông Mã cay ngụt mũi. Riêng các cụ, tức cánh Điện Biên xưa, phải thêm một, “không thì chị em chúng em đứng đợi mỏi chân lắm rồi”. Đi đủ mười hai mâm, mỗi cô ít nhất hai chục chén cứ như không. Mà mắt cứ long lanh, má cứ hồng lên, áo cóm lại phập phồng mới tệ.

“Dzô!”

Cánh chống Mỹ học mốt uống mới, nhất loạt hô khi cạn chén. Cánh đánh nhau ở biên giới phía Bắc còn trẻ, “sành điệu” hơn, vòng chéo tay uống với chị em bên hội, nhất là cô xinh xắn làm tài chính huyện. Và hô “Ra!”. Các cụ chống Pháp biết thân chèn bụng dạ bằng cơm và thật nhiều nước canh béo ngậy. Vậy mà vẫn ngây ngây, đang vòng tay chúc tụng mà tiền liệt tuyến nổi chứng, quần như sắp ướt đến nơi.

Và hát ngay. Đọc thơ tại trận. Đợi theo chương trình thì rượu hả mất. Phí phạm. Sáu chục cái miệng đồng thanh “Hò kéo pháo” với “Giải phóng Điện Biên” mãi lại vòng vèo về “Em bé Mường La” và “Đồn Him Lam ta xuất kích”. Một trăm hai mươi bàn tay vỗ đỏ lừ. Hát mãi mà chiêng trống mà nhạc điện tử chưa đến phục vụ họ.

Đang vật nhau với năm chén rượu nhảy múa trong người, Chim sâu thấy mình bị đẩy ra giữa hội. Khắc Liên cầm tay ông giơ cao, mặt mũi tưng bừng: “Các đồng chí xem đây. Ông Chim sâu bé nhỏ này đã nấu cơm tiếp đạn tận đồi A1, góp phần nhổ cứ điểm rắn nhất trong chiến dịch. Thế mà đồng chí ấy rất khiêm tốn, sáng nay trả lời phóng viên ngoại quốc là chẳng làm gì cả. Một biểu tượng anh hùng của người Việt Nam ta đấy. Thật đáng tự hào!”

- Thật tình... thật tình là tôi... – Chim sâu lắp bắp.

- Thế mới vĩ đại! Đồng chí phải hát mới được!

- Thủ trưởng ơi tôi say lắm rồi. Con mụ La Sát ở nhà mà biết...

- Ở đây ai cũng say cả. Vứt mẹ nó mấy con mẹ La Sát đi! - Khắc Liên ghé tai Chim sâu - đây là kỷ luật dân vận đấy bố ạ. Đang giao lưu với địa phương, không hát đồng chí sẽ bị kỷ luật.

Lòng dũng cảm ở đâu bò ra làm Chim sâu, sau một hồi ngậm hạt thị, nổi máu phê phán anh em đã hát sai bài “Giải phóng Điện Biên’. “Chỗ ấy đáng ra phải là “một đồng chí đứng lên nói rằng một tay tôi cầm súng, tay này bóp... thằng Tây mới phải”. Lão chợt câm bặt khi thấy Khắc Liên nhăn mặt. Xung quanh là sự im lặng khủng khiếp. Rồi trận bão cười phá ra. Chim sâu bị nhấc bổng lên. Những cái hôn làm nhoè nhoẹt mặt lão.

- Hát thế mới là hát chứ!

- Hoan hô bố già. Thế mà cứ bảo ít mồm.

- Tôi đề nghị giao lưu ngay thôi. Đang sướng. Sướng thế này chết cũng được. Để tý ra ngoài kia rượu nó nhạt mất.

“Đề xuất” của một chiến sĩ “ba linh thôn” được hưởng ứng nhiệt liệt. Ban tổ chức nhăn nhó chiều lòng “quần chúng manh động”. Đây là một khuyết điểm sau này phải ghi vào nghị sự tổng kết chuyến đi. Nhưng bây giờ nó làm cho ai nấy phát rồ.

Mấy cô Tuần Giáo nghe giải thích câu hát của Chim sâu, người thì cười rũ ra, chẩy cả nước mắt, người cứ ngổi tủm tỉm, mặt đỏ như có ai phát.

Thế là bài “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận được vặn vẹo thành đủ kiểu, những câu người ta hát khi cận kề cái chết. Lính chống Mỹ hát “lắc la lắc lư đoàn quân ra Bắc, đồng bào thắc mắc sao các anh trở về – Sốt rét chúng ông mới về, ốm gần chết chúng ông mới về...” Người trở lại Điện Biên sau chiến thắng chả kém: “Muốn kin mắn co (ăn sắn) thì lên Tây Bắc, đồng bào thắc mắc thì ra Sìn Hồ’. Rồi là ghế bàn dẹp lại. Chai rượu lăn ra đến mép bàn được một cựu dũng sĩ diệt Mỹ cứu nguy, “Phan Đình Giót” tiếp. Đội văn nghệ đến kịp thời. Cái khoảng sàn bé tí giữa nhà ăn thành nơi múa sạp. Những cặp chân già lão, những váy Thái duyên dáng dập đồn theo nhịp gậy tre lên xuống. “Sòn sòn sòn đô sòn”, người ta tranh nhau vào “xới”, vòng đi vòng lại không biết chán.

Chim sâu ngồi cù rù, mắt long lanh sướng mà bụng e ngại, nghĩ đến gương mặt nhăn nheo của Khắc Liên. Bụng dưới lão căng phồng vì nước tiểu. Mặc lòng, lão say quá rồi. Cơn mưa hoa nước suối Tấc lại hiện về.


Lão chẳng phải đợi lâu. Cuộc vui cạn độ mươi phút, Khắc Kiên bước vào nhà sàn với vẻ mặt hết sức bất bình. Nhưng giọng nói không đến nỗi nóng nẩy quá, dù sao phòng toàn chiến sĩ Điện Biên thứ thiệt:

- Đoàn thấy không hài lòng về buổi giao lưu tối nay. Thứ nhất, bác Vững hát rất... gì. Có mặt phụ nữ, hội cựu chiến binh bạn, chúng ta rất nhiều phương diện, không phải sướng gì cũng bạ ra. Ai lại hát tục tĩu thế bao giờ. May là ông không huỵch toẹt ra là “tay này bóp cu thằng Tây” đấy.

- Nhưng hồi ấy tiểu đội tôi hát thế thật – Chim sâu lí nhí.

- Đồng chí vẫn còn chưa nhận ra khuyết điểm a? Quân đối với dân thế còn không đáng xấu hổ? Thứ nhì, tôi thật sự thất vọng về các bac – Giọng Khắc Liên dồn nén hết sức – Ai lại già lão thế mà nghịch quá trẻ con. Không làm gương cho anh em đi sau còn gì thể thống chiến sĩ Điện Bên nữa. Chương trình giao lưu tính làm ngoài sân rộng rãi, trang trọng, có diễn văn, thì xảy ra ngay tại nhà ăn. Các bác có thấy cánh truyền hình lắc đầu không thể quay nổi vì bát đĩa rếch rác, rượu chè lổng chổng không? Hiệu quả tuyên truyền thế là hỏng hết. Các anh ở tỉnh sẽ nghĩ gì về ta? Thứ ba là...

Khắc Liên dừng lời, phần vì nản quá, phần sợ các cụ “ba linh thôn” bị phê nặng lại dỗi, hỏng hết các chương trình sau này. Mà các cụ đã có vẻ biết sợ. Ông Vững đã khóc rồi kìa...


“Uầy ùùù”. “Uầy ùùù”.

Đang đêm Chim sâu tỉnh dậy vì chuỗi âm thanh vừa quen vừa lạ, nó làm bạn với lão từ vài chục năm nay. Khi réo rắt vẫy gọi, nó thúc đẩy lão làm những chuyện mà đận bình thường lão không bao giờ dám nghĩ đến. Tỉ như cãi lại vợ hoặc trái lời ai đó. Tỉ như đái xuống cửa cống thuỷ lợi đầu thôn. Nhưng thường khi “Uầy ù” mang tới nỗi sợ bí ẩn, càng chẳng có căn nguyên nào càng đáng sợ, càng giải thích càng tịt ngòi. Giả như nó bắt lão im mồm không cho nói ra ý mình trước đám đông, cụp mắt lại khi thấy đàn bà xắn quần cao quá. Lúc nào cũng lo bị vặn, bị mắng. Tệ hơn là bị giễu. Rất đau. Nên Chim sâu hay thủ thỉ cùng mấy con mụ vịt bầu vậy. Nhìn lão cầm sào đi theo lũ vịt thấy thơ thới lắm. Đằng trước lạch bạch, cạc cạc như bà mệnh phụ, đằng sau rì rầm, ầm ậm như kẻ hầu người hạ. “Chủ tớ” hợp nhau mới lạ, đến nỗi không bao giờ “tớ” dám xơi món tiết canh chúa sừng chui ra từ cổ “chủ”.

“Uầy ùùù”....

Nằm giữa tiếng kéo bễ, Chim sâu giận mình, giận “người ấy”, tức thủ trưởng. Sao ta không cãi nổi một câu là mình hát đúng như tiểu đội hát ngày nào, không hề có chuyện xuyên tạc bịa đặt?... Đúng là chúng nó đã hát “một tay tôi cầm súng, tay này bóp tay thằng Tây”. Mà giời đất ạ, mình cũng ngu thật. Gần dăm chục năm qua hát vậy, thấy nó vô lý mà không suy nổi là lính ta “đặt đểu”, càng vô lý lại càng nghĩ mới ấm ớ chứ. Lính không đùa thì sao làm lính mà vượt qua được chết chóc gian khổ được. Cũng như ông Ba Càng chú mình đi làm cán bộ vài năm về nhà toàn nói “triển khai bón phân”, “cơ cấu sáu cụ một mâm” vợ con chạy hết. Còn thằng Sum chạy công nông không nói được câu nào nghiêm chỉnh, thì sao đến lắm người thích nghe. Tóm lại là quan hay lính, đại tá hay phó thường dân đều mỗi người một giọng, chỉ mình ta không “hát” được. Không nên lời được thì đành phận là phải. Không biết lúc tối ta say, ta có cãi lại thủ trưởng câu nào bố láo? Huân chương đầy ngực như thế, chắc ông ấy nói câu nào phải đúng câu ấy...

Mà chả biết mấy tay cùng phòng quán triệt ý Khắc Liên ra sao? Điều này thì Chim sâu có lay tất cả mọi người dậy để hỏi thì cũng chả ai trả lời nổi. Lúc đó Khắc Kiên nổi nóng thế mà ai nấy căng da bụng chùng da mắt tuốt lượt luôn, không kịp bàn thảo gì đã ngáy o o quên hút thuốc lào. Vậy nên nửa đêm thức dậy, những mối lo chẳng cơn cớ quái gì mới bò đến, dù lão toàn lo bò trắng răng.

Năm 1955, Đoàn Văn Vững, tổ trưởng tổ nuôi quân của đại đội 12, thuộc trung đoàn X, sư đoàn bộ binh Y về phục viên. Một cuộc sống mới bắt đầu, cấy cày củ mỉ như không có cái đoạn binh lửa vừa rồi. Chỉ thêm ba sào ruộng được chia từ tay địa chủ, có vợ, cô gái gầy yếu tựa gió thổi bay. Và mất mẹ, người luôn lo cho thằng con lành như đất. Dù sao chiến tranh cũng để lại di chứng trên người Vững: bàn chân phải dính mảnh đạn thành tật, những cơn sốt rét nẩy người, và chút húng hắng ho vì phải hơi bom. Vững đẻ một mạch ba con vịt giời, khuôn đất đốt gạch xây nhà, cho đến lúc ông trưởng họ gọi đến giao nhiệm vụ: “Việc gia đình thế là đủ. Chú phải tham chính thôi. Họ Chụ, họ Nguyễn nó mình mẩy ghê quá”. Vững chối đây đẩy, viện trình độ kém, sức chưa lại, nói năng đâu biết gì. “Cả họ bây giờ trông vào mình chú. Người ta chỉ biết chú đã đi bộ đội tức là đã được sinh hoạt có tổ chức, ai biết mình nấu cơm. Tôi không ra được vì hồi cải cách đấu hăng quá, bây giờ sửa sai thành có khuyết điểm. A à chú còn khoẻ hơn tôi chứ lị” ông trưởng khẳng định, về hò cả họ dồn phiếu cho Vững. Anh trúng chân nông hội vận động thành lập tổ đổi công, tiến lên hợp tác hoá, làm nghĩa vụ thuế xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và giải phóng miền Nam. Thằng lười mượn cớ ốm, Vững đi đắp đê thay nó. Có đứa phá bờ tháo nước trộm, anh lẳng lặng đắp lại. Củ khoai đặc không đúng chỗ chẳng phát huy được thế mạnh họ trông chờ, rút cục anh về ngồi chân văn phòng uỷ ban xã, thực chất là thằng để người họ khác nó sai vặt. Ai đời làm văn phòng mà không định đoạt được gì. Công văn chỉ thị về thì đem đến trình chủ tịch họ Nguyễn, bí thư họ Chu xin ý kiến, chạy đi triển khai mệnh lệnh của “chúng nó”. Ngồi họp giữa các luồng ý kiến khác nhau, Vững không “ừ” thì gật, bị dồn quá thời nấp vào cơn buồn ngủ. Rút cục thì ở cuối nhiệm kỳ, anh chỉ đắc dụng ở chân chẻ đóm đun nước. Văn phòng uỷ ban lúc nào cũng tinh tươm, nước sôi đầy phích, ấm chén bóng líu. Những thanh đóm Vững chẻ từ tre ngâm mỏng tang, hút ngon lành đến độ chủ tịch huyện xin về một nắm. Ngoài ra là vô tích sự hoàn toàn, lại còn phải lo ngay ngáy đón ý ông này, ông nọ, chỉ sợ những ông ý không bằng lòng.

Trước ngày bầu cử chính quyền đợt kế tiếp, Vững đến nhà trưởng họ nhăn nhó: “Bác cho em nghỉ không ứng cử nữa. Văn dốt võ dát không múa được. Với lại ra uỷ ban suốt ngày việc nhà hỏng cả...”

Ơ, chú làm họ không được nhờ. Cũng may là còn không đến nỗi gửi trứng cho ác...

Trưởng họ còn chưa nghĩ được nên đề đạt ai thuộc “đằng mình” ra ứng cử thì Vững đã ù té quyền về nhà báo tin “phục viên” cho vợ. Phin lúc này đã xôe ra như cái cót thóc chứ không còn giống cây tre cho gió nó đu nữa, cắt luôn cho chồng chân chăn vịt. “Nhà cứ lo đằng ngoài lều, để lũ vịt ở nhà với các việc khác cho em”. Nói thế chứ Vững trôn sao nổi những việc nặng: cày bừa, đắp đê, đi “hai linh hai”... Thôi uỷ ban thì phải vậy, còn hơn lúc nào cũng lo không phải đầu thì phải tai. Làm chỗ chính quyền trách nhiệm nặng nề phải thông tỏ mọi nhẽ, không thì sao quả tạ rơi xuống đầu chẳng tránh được, dù chỉ là chân chẻ đóm đun nước.

Cuộc đời đến là lạ, cứ như cái sàng, lắc một hồi là gạo ra gạo, trấu ra trấu, hột to hột nhỏ đằng nào đi đằng ấy. Đã không còn “tham chính” mà Vững còn phải tiếp tục chịu những “thử thách’, lần này từ vợ. Phin có bà bác nằm liệt giường đã chín năm, ụ ị như bao bột. Con cái chăm sóc hiếu đễ đủ đường, mà cũng mệt mỏi. Ngày cụ đi, Phin bảo chồng mang nải chuối sang thắp hương. Đám tang rất ít nước mắt, các thủ tục chỉ làm đủ cho phải phép. Sự ra đi giải phóng người sống, đem lại thanh thản cho người chết. Chính bà cụ, khi còn tỉnh, cũng một mực: “cho tôi một liều thuốc đi cho nhanh. Không biết kiếp trước tội nơ gì mà bắt sống lay lắt thế này...” Nghĩ thế nào nói thế đấy, Vững đặt nải chuối lên ban thờ, thắp hương vái rồi “chia sẻ” một câu chết người: “Thôi cũng mừng cho các bác. Cụ nằm lâu quá rồi, thế này đỡ mệt”. Lời “phản ánh” lại của tang quyến cũng nhẹ nhàng, ra ý Vững thật thà quá đỗi, nhưng làm Phin tức uất người. “Ít ra phải chia buồn, nói câu người ta hiếu đễ chứ”, vợ anh ghét quá chỉ bảo được vậy. Từ đó, Vững không còn gánh vác một việc ngoại giao nào nữa, yên tâm “chuyên sâu” vào nghiệp chăn vịt.

Mà lão hợp việc thật. Cái lều ngoài bờ mương lè tè, xung quanh quây dậu nứa thưa thật đúng là đại bản doanh của ông tướng. Ông ngủ luôn ngoài ấy, đỡ nghe eo xèo của lũ vịt ở nhà, đêm đêm cùng con Đốm xách đèn ra soát sét. Là đếm gọi là thôi, cho đỡ nhớ chúng, chứ quê này đâu có giống ăn trộm. Lão đào giun, ngăn máng tát nước bắt lưa thưa mài mại, lũ vịt lúc nào cũng đầy diều lớn mau như thổi. Lão thơ thới lắm, mình mình lo, mình mình quyết, không phải quán triệt, bàn bạc lĩnh ý ai. Con nào bỏ ăn, phân xanh nhoét mà không thối là bỏ thẳng cẳng. Con đực nào oai hùng ra dáng thủ lĩnh, lão phong ngay chân tiểu đội trưởng phụ trách đàn vịt đẻ, đi đâu cũng dẫn rượu một đám “cung tần mỹ nữ”: Oách hơn vua chứ lị.

Cạc cạc cạc... “Triều đình” gồm “vua”, “quan” cùng lũ vợ đủng đỉnh đi trước, lông lá mượt như được chùi. vít vít vít... Lũ tí nhau mà chạy, chen chúc ngã cắm đầu. Sau rốt là ông “đại tướng’ đội nón mê tay cầm sào buộc lá chuối, tay xách bình tích, lưng lủng lẳng điếu cày. Cái hình ảnh ấy quen thuộc với dân Kiên Xá từ ba mươi năm nay. Tên đặt “Chim sâu” bắt đầu từ đấy.

Có người bắt gặp lão, bỡn cợt: “Chào tướng quân. Tình hình chiến sĩ thế nào?”. Vững cười hi hi, ngây ngây nhìn đại đội hành tiến. Rồi ra thế nào mà đêm lại bật ra những câu:

Ông nông dân chăn nuôi bảy mươi ba con vịt
Suốt ngày nghe chúng nó khụt khịt
Nghe đi nghe lại mãi không hiểu
“Ông ơi bụi lúa đằng kia có quả trứng”


Nửa đêm lão bắc bếp rán lũ rô con uống rượu, ngâm đi ngâm lại. Lão khoái mấy câu thơ đến nỗi không về nhà bốn ngày liền. Để mụ La Sát cười cho à, lão chả dại. Làm bà Phin phải ngoi ra lều, miệng bảo sốt ruột, nhưng nửa đêm lại róc tuỷ lão ra giữa xung quanh nồng nàn cứt vịt.


Đôi giày da không phải cỡ hại Chim sâu. Một ngày lội bộ qua các di tích, thăm bảo tàng, chẳng là mấy nả với vụ dong lũ vịt ngoài đồng, mà làm lão khốn khổ. Sáng ra nhìn những chỗ bị da cứa đứt mời phù nề hoặc đã rớm máu, cánh lính già đều ngại ngùng.

- Hay là ông ở nhà. Chân cẳng thế này còn tham quan gì nữa.

- Tôi đổi đôi dép vậy. Chim sâu nhăn nhó.

- Bốn túi phải đi với chân chì - Ông Tơ thành thạo - đeo huân chương với cả trung uý mà dận dép còn gì thớ cựu chiến binh.

- Nhưng ngại thủ trưởng phê bình...

Nhắc đến thủ trưởng ai nấy đều ngại. Lại quay ra trách lão: “Mà ông cũng “ấy” lắm cơ. Lúc có phóng viên nước ngoài, cần mạnh bạo thì nín thít. Lúc giao lưu với phụ nữ và các cháu thanh niên lại rửng mỡ làm hỏng cả chương trình. Mà thủ trưởng cũng nóng quá. Lính tráng đang vui... Hôm qua tôi buồn ngủ đấy, không cũng cự lại vài câu...”

Ông Tơ im bặt vì Khắc Liên bước vào. “Vấn đề” được giải quyết chóng vánh khi ông nhìn thấy đôi chân rách nát. Lão được phép ở nhà, lại còn có y tế đến băng chân, phải cái chết ngượng vì mùi vịt nấp trong các khe kẽ.

Nắng hè, dù là nắng non, ngốt ơi là ngốt. Nhà sàn trồng sữa sân bê tông bí bức. Chim sâu hết nằm lại ngồi. Có hai người gõ cửa, một cô chào mua bảo hiểm, một anh mời hàng thổ cẩm với những huy hiệu, huy chương “xu vơ nia” kỷ niệm. Chim sâu chọn chiếc khăn piêu cho vợ, mấy chiếc khánh “đồng hạng” cho lũ cháu, lấy làm ưng ý lắm. Lão xìu xuống khi nghĩ đến đoạn mụ La Sát nhăn nhó: “Tôi đội khăn này vào dịp nào được?”. Liền ve vẩy ra khỏi khách sạn. Cứ để những ‘nỗi niềm” đấy đã, ta đi xem thành phố hiện đại thế nào. Quả là mấy hôm nay lão chỉ toàn “sống với không khí lịch sử”, mấy chục năm nay chỉ biết quanh quanh từ làng đến huyện là cùng.

Chợ Điện Biên không làm Chim sâu thích thú mấy. Của cải miền núi chẳng thấy đâu, mà cứ sáng choang hàng Tầu như chợ xuôi. Được cái có những cô người Thái bán măng đắng, củ mài, và lũ rau má cằn nhưng chắc chắn là đậm vị. Chim sâu ngần ngừ rồi rẽ vào hàng ăn, gọi đĩa xách xào còn đen kịt và chén rượu. Kể cũng sốt ruột khi nghĩ đến lứa xu hào vợ nhổ non đem bán, nhưng lão phải tiêu tiền chứ. Dù là tiêu cho riêng mình, dù mình chỉ là “Chim sâu” , thì sao lại phải không? Đây là chuyến đi trót đời kia mà.

Rượu vào hăng lên, Chim sâu gọi xe ôm đi chơi phố. Tấp nập thật. Nhà cửa san sát phủ chót Ốt Nam hơn hẳn phố huyện ở quê. Gì thì gì đây cũng là thành phố, dù ở mãi biên cương. Nhưng trở thành người phố, người ta xoay xở ra sao trong những ngôi nhà xây không được bóng cây che chở đây? Lão hứng khởi đôi chút khi ngắm nghía pho tượng đàu khổng lồ đang dựng trên ngọn đồi D1 cũ. Những toà công sở ngất ngưởng thì chỉ nghé qua quýt. Giá mấy ông thắt cà vạt trong ấy có ra mời Chim sâu cũng chả vào. Vì không đẹp, và cũng sờ sợ thế nào...

Anh xe ôm đầu đinh mũ cối, sau một hồi giới thiệu “đặc sản” cà phê vườn có các em Thái sẵn sàng “tới bến” không đắt, để mặc “bố già” ù ì sau lưng. Anh ngạc nhiên thấy bố bảo đưa tuốt đến cuối lòng chảo, nơi núi non dẫn sàng Lào bắt đầu trùng điệp, càng ngạc nhiên thấy ông lão bỏ xe máy bước xuống bãi đá ven suối Nậm.

Ngồi thừ giữa nắng, Chim sâu thấy mình bắt đầu nghĩ ngợi. Toàn chuyện không đâu. Câu phê bình của thủ trưởng. Lời vợ dặn. Những ký ức này nọ. Rồi lão nhập bọn với lũ trẻ quăng thia lia ngoài suối. Đám đàn bà đi nương về cởi áo cóm trầm mình ngoài kia mới trắng chứ, như lũ vịt của lão. Mà chắc là thơm, theo lối quả vườn tươi tự nhiên chứ không ướp thuốc, bắt cho chín ép như những chị tỉnh thành. Tay ấy chân ấy làm lụng chắc cứng cáp lắm. Ô, lại nghĩ đến suối Tấc rồi. Suối Tấc đã lấp lánh suốt cuộc đời lão, hà cứ gì cứ thấy chờn chợn khi muốn phô ra với người khác nỗi niềm rất đỗi dễ thương ấy? Chim sâu nhắm mắt tưởng tượng mình bước ra giữa Nậm Rốn, trâm mình cạnh những suối tóc, những thịt da trắng ngần...


Bỏ cậu xe ôm chỗ cây cầu dẫn vào thành phố, vượt qua cái máy xúc bẩn thỉu, Chim sâu rẽ vào con dốc nhỏ. Đã đến lúc kiến bò bụng, mà lão không muốn về khách sạn với ăn xuất tiêu chuẩn, trên bàn phủ khăn có bia, phục vụ chạy ra chạy vào. Vẳng bên tai những tiếng mời chào, nào tiết canh dê, nào măng đắng chấm chẩm chéo. Có một cô, trông ra dáng mợ rồi, có cái ánh mắt thế nào đó, chẳng mở mồm mà khiến lão bước vào. Đến lúc nhận ra xung quanh thơm ơi là thơn, những lọ xếp hàng trên giá gương sặc sỡ như hàng cờ phướn, thì đã muộn.

- Bác cứ tự nhiên. Không cần phải cởi. Em không làm ướt áo bác đâu.

Cô gội đầu nói sau khi dắt lão ra đằng sau tấm bình phong ngăn cách hẳn với phố bụi. Không hẳn muốn từ chối, Chim sâu cứ nhắm mắt đưa chân, trèo lên chiếc ghế bọc vải sơn mầu đỏ. Không khí dịu dàng lan toả căn quán, lão nhắm mắt lại, khoan khoái tận hưởng.

- Bác chắc ở xa lên đây?

- Đi chơi mà. Trời nóng quá nhỉ...

- Bác cứ nằm yên, nước vào cổ bây giờ.

- Vâng

Chim sâu thấy giọng mình khản đặc. Thật khó mà không động đậy. Lão nhìn theo lúc cô ta đi lấy nước lạnh. Những ngón tay cào cào trên da đầu khiến Chim sâu cảm thấy dễ chịu. Công cuộc làm đẹp cuối cùng cũng kết thúc. Nửa giờ đồng hồ làm Chim sâu phấn chấn. Lão đưa cô chủ quán tờ năm chục không lấy lại tiền thừa. Và nghe rủ rỉ:

Rằng bác là cựu chiến binh lên thăm chiến trường xưa chứ gì, mấy hôm nay em gội cho các bác nhiều. Em cũng gốc xuôi, bố mẹ đi công tác, sinh trên này, phải anh chồng nghiện giờ nuôi con một mình. Rằng bác dễ thương, thật thà nhỉ, phải người có mùi gì hoi lắm. Ban nãy bác ngáy một tý đấy. Em cứ để yên. Bác đã có tuổi, ít đi chơi, đừng ham vui kẻo nhỡ làm sao bà lão biết tính thế nào. Mai bác về a, ... Rằng...


Mãi về sau, khi đã yên ổn trong lều vịt ở quê. Hương vị Tây Bắc, những kỷ niệm có mùi thơm, mềm mại và ấm áp khiến lão mơ màng như tương tư. Gần sáng dậy đếm vịt lại nhớ tới giọng nói dịu dàng, cái nhìn buồn buồn của cô chủ quán gội đầu. Sao mình không thể quên những chuyện toàn là vụn vặt ấy? Ô, làm sao mà phải quên? Nếu như vậy thì để cái lều này toàn mùi vịt a...

Những điều không thể tỏ cùng ai ấy sẽ theo Chim sâu xuống đất đen. Còn bây giờ, lão vẫn túc tắc rong chơi trên đồng, chấp chới cây nứa buộc lá chuối. Vít vít... Cạc cac... Lũ vịt mông nặng đi trước như đoàn mệnh phụ, ai nói nấy nghe...

TRẦN CHIẾN