Chúng tôi là lính Trỗi



[...]
Thấm thoắt vừa tròn nửa thế kỉ, kể từ khi chúng tôi - những cậu bé 12-13 tuổi, rời xa gia đình, xa thành phố lớn HN, HP, Nam Định… khoác ba-lô lên doanh trại của Tiểu đoàn 126 (Trường VHQĐ Bộ Tổng tư lệnh) đóng ở Trại Hòe, Hiệp Hòa, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Cuộc sống mới lạ với lũ trẻ thành thị được sống trong doanh trại bắt đầu…
Được biên chế theo từng tổ tam tam trong từng tiểu đội, các lớp bố trí theo đội hình đại đội… Hết giờ học, nghe tiếng kẻng là xếp hàng đi đều đến nhà ăn… Sau những buổi chiều “tự tu” là những trận bóng nảy lửa trên sân, sau đó là thời gian vẫy vùng thỏa chí tang bồng trên con mương thủy lợi bên Cống 4 cửa… Cũng thời gian này, chúng tôi được học thêm kiến thức đào giao thông hào, làm hầm chữ A để tránh bom Mỹ. Đó là những ngày hè nóng bỏng năm 1965.
Giặc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Chúng tôi phải tạm rời doanh trại, sơ tán vào dân cách xa dăm cây số. Hành quân từ sáng sớm, chiều tối mới trở về. Những bài học “dân vận” đầu tiên được học: Giúp dân quét dọn nhà cửa, chăm nom em bé, gặt hái thu hoạch mùa màng… với hình ảnh những cái cối giã gạo, những cối xay lúa, quạt thóc được nhập vào đầu óc trẻ thơ.
Những lần báo động có máy bay Mỹ nay qua không làm bọn trẻ con sợ hãi mà chúng còn cả gan đứng trên miệng hào theo dõi “không chiến”. Vì sự an toàn của nhà trường mà trong 1 đêm tháng 8/1965, chúng ta nhận lệnh bí mật hành quân từ Trại Hòe, Trại Cờ lên An Mỹ, Đại Từ, Bắc Thái – ATK thời gian kháng Pháp. Đoàn xe quân sự bịt bùng, chỉ bật đèn gầm, đi theo “con đường chiến lược” sang đất Thái Nguyên, lên Đại Từ. Sáng hôm sau, bọn trẻ ngỡ ngàng trước cảnh núi rừng hùng vĩ mờ trong sương sớm.

Ngày khai giảng 15/10/1965 tại cửa rừng xã An Mỹ, nhà trường chính thức được mang tên Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, đúng 1 năm sau ngày Anh hy sinh. Chúng tôi tự hào là học sinh dưới mái trường đầu tiên trên miền Bắc XHCN được mang tên Anh.
Được sống trong dân, lại được dân đùm bọc. Các địa danh Cao Chùa, La Yến, Đồng Cháy… không thể nào quên. Sau đó, QK1 và nhân dân địa phương giúp đỡ dựng lán trại mà có nhà ở, lớp học khang trang hơn ngay cửa rừng An Mỹ, rồi chuyển ra Trại Bưởi, Trại Cau, Suối Trì… Chỉ 16 tháng sống ở đây nhưng An Mỹ là địa chỉ ghi nhớ mãi.

Chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Đảng, Bác cho trường ta cùng các trường HSMN Nguyễn Văn Bé, Dân tộc TW và Nhi đồng Võ Thị Sáu sang tá túc ở Quế Lâm, TQ. Tranh thủ những ngày ngừng bắn dịp Noel 1966 và đầu năm 1967, chúng ta đã có “cuộc hành quân bí mật ngoạn mục” bằng ô-tô từ An Mỹ về HN, rồi bằng tầu liên vận quốc tế từ HN lên Bằng Tường, sang TQ, đến Quế Lâm.
Lũ trẻ con chúng ta lại như đàn gà lạc mẹ, ngơ ngác sống xa Tổ quốc. Cuộc sống mới trong hòa bình nhưng chưa hẳn là thuận lợi với lứa tuổi học sinh đang lớn. Chúng ta vừa học tập nhưng nghịch ngợm không kém và gây không ít lo lắng cho bác Quỳnh Chính ủy và các thầy cô.
Rồi dần dần khó khăn cũng qua đi, chúng ta tích cực tham gia các phong trào thi đua “Hướng về tiền tuyến, thi đua dạy tốt và học tốt” với thành tích từng được ghi nhận trong FB của em Nguyễn Thị Thái k8: Lục lại được một lá thư bác Quỳnh ký gửi các bậc phụ huynh và gia đình ngày 22/12/1968. Trong thư có nói, thành tích năm học 67-68 là 98,5% học sinh lên lớp và tốt nghiệp, 52% khá và giỏi. (Xin cho 1 tràng vỗ tay!).
Chỉ vẹn vẻn 20 tháng sống ở Quế Lâm – mảnh đất “sơn thủy hữu tình”, nhưng lại đúng thời kì Cách mạnh Văn hóa nên cũng được chứng kiến cảnh “Thiên hạ đại loạn”. Dân TQ đói khổ, thầy trò TQ bỏ học “đi làm cách mạng”. Bọn trẻ con VN ngày đó đã có những chính kiến của mình, bất đồng với những gì xảy ra trên đất Trung Hoa.Và nhà trường ta cũng chịu cảnh mất điện, mất nước, không có gạo ăn...
Trong thời gian này, chúng ta cũng đau xót phải chia tay các bạn Nguyễn Văn Hòa k7, Hoàng Châu Linh k8 và Lưu Thế Dũng k5. Mất mát đồng đội đến với bạn Trỗi quá sớm.
Lần lượt khóa 1, khóa 2, khóa 3 tốt nghiệp, lên đường nhập ngũ. Tháng 8/1968, truờng ta được lệnh lên đường về nước.

Trường ta có 2 năm học ở Hưng Hóa, Phú Thọ và Trung Hà, Thạch Thất (Sơn Tây). Ở miền đất trung du ấy, chúng ta đã trưởng thành hơn. Nhiều bạn được gia nhập Đoàn, riêng bạn Ngô Minh Kính, Nguyễn Thế Thịnh được kết nạp Đảng. Các bạn học sinh giỏi khóa 4, 5 từng tham gia Thi học sinh giỏi Toán miền Bắc tại trường Hùng Vương, Phú Thọ và mang về giải đồng đội.

Hôm nay đây, chúng em được gặp lại các thầy cô, từng giảng dạy từ ngày đầu cho đến ngày xa trường. Xin chân thành cảm ơn thầy cô giáo đã yêu thương chúng em như con em mình, dạy dỗ để chúng em được phát triển toàn diện. Thầy cô không chỉ dạy các môn văn hóa mà cả TDTT (bóng đá, bóng bàn, xà tạ, bơi lội…), cả văn hóa nghệ thuật (đàn, hát, kịch, thơ văn, hội họa…), cả Điều lệnh nội vụ cùng môn quân sự như: hành quân, bắn súng, tuần tra canh gác... Đó chính là những tri thức cần thiết, là hành trang đi vào cuộc sống của mỗi học sinh. (Vỗ tay!).
Cũng hôm nay, xin chân thành đa tạ cha mẹ đã dũng cảm giao những đứa con thơ cho quân đội. Chừng ấy năm, khi trưởng thành, chúng con hầu hết trở thành những sĩ quan trong QĐ và là những công dân có ích cho xã hội. (Vỗ tay!).

Kính thưa các vị khách quý, thầy cô, anh chị và các bạn,
Trải qua 50 năm, có thể tự hào mà nói rằng: học sinh Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi đã trưởng thành. Chúng ta có hàng trăm bạn là sĩ quan trung, cao cấp trong LLVTND với 3 trung tướng và 15 thiếu tướng; nhiều bạn có hàm thứ, bộ trưởng… Nhiều bạn là TS, GS, PGS trong các nhà trường, học viện, viện nghiên cứu… Trong số đó có bạn Nguyễn Thiện Nhân được tín nhiệm bầu là Ủy viên BCT, Chủ tịch MTTQVN. Khi đất nước vào thời kì đổi mới, nhiều bạn có những đóng góp công sức không nhỏ.

Gặp lại thầy, bạn của 50 năm trước, chúng em không thể quên Đại tá Chính ủy Bùi Khắc Quỳnh và các cố hiệu trưởng Nguyễn Hữu Điền, Dương Hưng Tuấn cùng thầy cô và các bạn đã ra đi vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật, tai nạn. Chỉ mới có 2 tuần nay, tại TPHCM, thầy Trần Chánh Điền và thầy Dương Huỳnh Điểu đã vĩnh biệt chúng ta.
Tên tuổi AHLS Nguyễn Văn Trỗi cùng 2 thầy giáo LS Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Văn Phố và 28 bạn Trỗi đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới của Tổ quốc là niềm tự hào của thầy trò chúng ta.
- Đó là LS Bùi Hữu Thích (khóa 1).
- Đó là 3 LS khóa 3: Ngô Ngời, Lê Minh Tân, Cao Quốc Bảo.
- Đó là 4 LS khóa 4: Lâm Duy, Vũ Chí Dũng, Nguyễn Văn Ơn, Nguyễn Văn Ngọc.
- Đó là 6 LS khóa 5: AHLS Huỳnh Kim Trung, Phạm Văn Hạo, Võ Dũng, Vũ Kiên Cường, Nguyễn Lâm, Trịnh Thúc Doanh.
- Đó là 6 LS khóa 6: Chu Tấn Quang, Võ Nguyên Trọng, Nguyễn Mạnh Minh, Đặng Bá Linh, Nguyễn Tiến Quân, Đỗ Khắc Tiến.
- Đó là 7 LS khóa 7: Y Hòa, Lại Xuân Lợi, Đặng Đình Kỳ, Ngô Tất Thắng, Nguyễn Khắc Bình, Trần Hữu Dân, Nguyễn Đức Thảo.
- Và LS Bùi Thọ Tuyến (khóa 8).
Trong số đó, gần chục bạn chưa tìm thấy mộ phần, hoặc thấy rồi lại thất lạc, mộ phần trở thành “chưa có tên”. Cũng chừng ấy năm, nhiều bạn Trỗi đã cùng gia đình LS đi tìm mộ phần bạn mình.
Xin được chia sẻ cùng chị Phan Thị Quyên và các gia đình AHLS có mặt ngày hôm nay.
*
* *
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc và là những gì mà chúng ta đã học được từ cha mẹ và thầy cô.
Trường VHQĐ-TSQ Nguyễn Văn Trỗi chỉ tồn tại 5 năm (1965-1970) nhưng phải thay đổi địa điểm đóng quân đến 4-5 lần. Từ Trại Hòe, Trại Cờ, Hiệp Hòa (Bắc Giang) lên An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên rồi sang nước bạn Quế Lâm, TQ. Địa điểm cuối cùng là Hưng Hóa, Tam Nông (Phú Thọ); Trung Hà, Ba Vì và Thạch Thất (Sơn Tây). Nhớ đôi câu thơ của Chế Lan Viên:
Khi ta ở đất chỉ là đất ở
Khi ta đi Đất đã hóa tâm hồn

Phát huy truyền thống “Đi dân nhớ, ở dân thương” của Anh bộ đội Cụ Hồ, lính Trỗi không bao giờ quên mảnh đất mình từng tá túc, từng được nhân dân che chở, đùm bọc. Hàng năm, các khóa tổ chức những chuyến hành hương về thăm đất cũ, người xưa.
Xin thông báo với các vị khách quý cùng thầy cô, anh chị và các bạn: Chúng ta đã trồng cây và đặt được bia lưu niệm ở những nơi từng đóng quân:
- Ngày 26/4/2015, chúng ta đã trồng 2 cây kim giao lấy từ vườn nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên trồng ở xã Mỹ Yên, Đại Từ, Thái Nguyên.
- Ngày 4/3/2015, chúng ta đã trồng cây xoài tại Trường Trung cấp Lái xe quân chủng PKKQ tại Trại Cờ, Hiệp Hòa, Bắc Giang.
- Năm 2014, chúng ta đã đặt bia lưu niệm tại Trường Trung cấp Công binh Trung Hà.
- Không quên ơn của nhân dân TQ, nhân dân Quế Lâm dù rất khó khăn nhưng đã đùm bọc nhà trường những năm kháng Mỹ. Chúng ta vẫn giữ được quan hệ thân thiết với các bạn Quế Lâm. Nhiều chuyến trở về thăm đất cũ, bạn xưa được tổ chức. Tháng 10/2007, chúng ta đã trồng cây và đặt bia lưu niệm tại Trường Trung học số 1 Quế Lâm và Trường Đại học Công nghệ Hàng không vũ trụ Quế Lâm – nơi nhà trường từng tá túc từ tháng 1/1967 đến tháng 8/1968. Đến nay, 2 cây thông vẫn xanh tươi, minh chứng cho tình bạn không bao giờ nhạt phai giữa nhân dân 2 nước chúng ta.
*
* *
Nửa thế kỉ trôi qua, đến hôm nay thật xúc động khi được gặp lại phụ huynh, gia đình các AHLS, thầy cô và các bạn.
Thay mặt BTC xin cảm ơn cha mẹ, gia đình các AHLS, thầy cô và các bạn đã cung cấp nhiều tư liệu và bài vở cho cuốn “Sinh ra trong khói lửa” tập 4. Thật hiếm nhà trường nào chỉ 5 năm tồn tại mà có đến 4 tập sách quý!

Xin cảm ơn bạn Hà Chí Thành (tự Hà Mèo) k6 đã tâm huyết sưu tầm, biên tập và tặng chúng ta 1 bộ phim tư liệu rất sống động “50 năm Trường VHQĐ Nguyễn Văn Trỗi”. Những kỉ niệm này sẽ theo chúng ta đến tận cùng trời cuối đất.

Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn sự có mặt của các quý vị!

Xin cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí cùng Nhà khách C59B BTTM đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Hội trường thành công tốt đẹp!

Xin kính chúc quý vị đại biểu, thầy cô, anh chị và các bạn dồi dào sức khỏe, có cuộc sống hạnh phúc và có 1 buổi gặp mặt đầy ý nghĩa.

TINH THẦN TRƯỜNG NGUYỄN VĂN TRỖI MUÔN NĂM!


FB Tran Kienquoc >> Bạn Trỗi K5 5 tháng 10, 2019
Tran Kienquoc 5 tháng 10, 2015


K6K6 - Hội trường phía Nam - Kỉ niệm 50 năm (04/10/2015)

Ảnh Nguyễn Việt Cường