Những thằng bạn cùng làng



"NHỮNG THẰNG BẠN CÙNG LÀNG" Là câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe về thân phận của lớp thanh niên nông thôn sinh vào những năm 53-54, lứa tuổi tôi. Họ đã đã đi qua chiến tranh, là nhân chứng... Chiến tranh đã qua lâu nhưng nỗi buồn thì cứ mãi mãi. Nhân ngày 30-4 tôi gửi các bạn câu chuyện về những năm tháng ấy.


Chúng tôi sàn sàn tuổi nhau sinh ra và lớn lên ở vùng quê bốn bề sông nước. Quê tôi là vùng đất bãi nên quanh năm làng xóm ẩm ướt lụt lội. Làng tôi có tên hẳn hoi nhưng thiên hạ có việc tới thăm khi tìm đường chỉ hỏi tên tục của làng, làng “Lằn”. Chả biết vì sao làng tôi lại có tên như thế. Theo các cụ cao niên thì “ Làng Lằn ” đã có từ lâu lắm, từ cái thời mà cụ tổ đầu tiên của chúng tôi tới mảnh đất này khẩn đất.
Chiến tranh đã qua tự lâu thằng chết đã yên phận thằng sống cũng ngót nghét trên dưới 60. Chơi với nhau từ thuở cởi truồng chăn trâu cắt cỏ mài đít ở trường làng, may mắn “Ơn Đảng, ơn chính phủ” hầu như chúng tôi đứa nào cũng học được tới lớp 5. Đa phần học tiếp đến lớp 7, chỉ có tôi và Vinh là leo được đến cấp 3. Đại học ư! Hai từ đại học ngày ấy đối với chúng tôi, những đứa trẻ ở một vùng quê hẻo lánh, nghèo khó sao nó xa xôi thế, giống như ngôi chùa Cao trên đỉnh Yên Tử mà chiều chiều đi dậm cáy, dậm tôm đứng trên con đê bên dòng sông Văn Úc ngước nhìn qua lớp lớp mây xám.
Tất cả lứa chúng tôi trừ những thằng quặt quẹo, không đủ tiêu chuẩn lý lịch, năm 70-72 sau trước đều nhập ngũ trở thành người lính. Cuộc đời mỗi đứa sướng khổ hình như trời đất đã sắp đặt cả, chả đứa nào thoát được số phận

Thắng chơi với bọn tôi nhưng nhiều tuổi hơn khi học lớp 4 chúng tôi có trò chơi “chong chóng”, trò này do tôi bày ra. Bằng cách lấy cắp cái môi múc canh bằng nhôm của bà già trong chạn bát, đập bẹt, cắt thành hình cánh quạt như cánh quạt máy bay. Sau đó dùng đinh đục hai lỗ nhỏ ở giữa. Lấy cuộn chỉ bằng gỗ đã hết, đóng hai cái đinh guốc vào đầu cuộn chỉ sao cho khớp với hai cái lỗ trên cánh quạt, cắm cánh quạt vào. Lấy đũa ăn cơm chọc vào lõi cuốn chỉ giữ chặt. Tay kia dùng một sợi dây cuộn quanh ống chỉ giơ lên ngang đầu kéo thật mạnh sợi dây. Thế là cánh quạt quay tròn vút lên không trung. Trong một lần sơ suất, cánh quạt xoẹt vào mắt Thắng, thế là hai “cửa sổ tâm hồn” thằng bạn mất toi một. Ngày ấy lấy đâu ra thuốc thang mà chữa, bệnh viện tỉnh thì xa … Thế là Thắng có biệt danh “chột” từ đấy. Chỉ là chuyện không may thời con trẻ thò lò mũi, chân đất, toét mắt nhưng tôi cứ day dứt mãi.
Thắng không phải đi bộ đội vì chột mắt mà giả tỉ như hai mắt có sáng đi chăng nữa thì cũng chẳng bao giờ Thắng được đi bộ đội vì bố Thắng “xỏ nhầm giầy tây”. Nghe các cụ trong làng, ngày xưa có thời gian bố Thắng đi lính Dõng. Những năm ấy lý lịch như thế thoát ly làm anh công nhân cầu đường, hay chân ba toa trong trại lợn huyện còn khó huống hồ đi bộ đội, thế là Thắng phải ở lại quê.
Thắng có nhiều tài nhưng sau này làm được nhà, sắm tủ Buyphê, giường Modec cũng là nhờ ở tay thợ mộc giỏi. Thắng lấy vợ sớm, vợ Thắng đẹp. Vợ Thắng là người thiên hạ chả biết ở đâu lang bạt tới làng tôi rồi được sư chùa thu gom về làm công quả ở chùa làng. Sau khi cưới, Thắng đưa vợ về nhà không ở chùa nữa. Vợ Thắng “sòn sòn, sòn đô sòn” ba năm hai đứa, đẻ một mạch năm sáu mặt con, nhà kinh tế vững thóc khoai trong buồng lúc nào cũng có.
Thắng chết lâu rồi cũng dễ trên dưới chục năm, chết vì bệnh gan, vì rượu. Thắng là thằng về với ông bà ông vải sớm nhất trong mấy đứa bọn tôi.
Những thằng còn sống lâu lâu gặp được nhau, trên chiếu rượu đứa thì nói Thắng sướng, cả đời chỉ nằm nhà sờ vú vợ chẳng phải nếm mùi chiến tranh. Đứa lại kêu Thắng khổ, chết mà chả biết chiến tranh là gì. Sướng hay khổ ở đời cũng là tuỳ theo suy xét của mỗi người, nhưng tóm lại Thắng đã yên phận mình.

Hà là con ông Rĩnh chả biết có họ hàng gì không mà tôi cứ gọi bố của Hà là Chú Rĩnh. Chú Rĩnh là đội trưởng đội sản suất. Ngày ấy đội trưởng sản xuất là khá lắm trong buồng cót thóc bao giờ cũng đầy. Ấy vậy mà nhà chú quanh năm phải ăn gạo cũ vì thóc thừa từ những vụ trước lưu cữu. Chú chết đã được vài năm, chết vì ung thư dạ dày. Lúc chú ốm nặng đúng dịp tôi về quê. Tôi có tới thăm biếu chú ký đường và mấy hộp sữa. Thời gian sau thì nghe tin chú mất. Trong đội sản xuất ngày ấy có cô Khánh, cô Khánh ở sát nhà tôi. Chồng cô tái ngũ, là lính pháo phòng không, chú hy sinh khi cùng đơn vị đánh trả máy bay Mỹ bảo vệ nhà máy xi măng Hải Phòng. Lúc đó cô còn trẻ, tướng mạo phốp pháp lắm, đám đàn ông trai tráng trong làng đi bộ đội sạch cả, chả còn ai để cô cũng như cánh đàn bà đơn chiếc trong làng lườm nguýt, chuyện trò. Nghe bà con trong làng đồn cô Khánh ngủ với chú Rĩnh. Ngày ấy đâu có sẵn dụng cụ tránh thai như bây giờ mà chả thấy cô chửa đẻ. Mấy ông cán bộ xã bênh chú chửi những kẻ độc miệng: “ Nếu chúng nó ngủ với nhau thì phải đẻ đái! Đừng có mà nói mò, vu vạ cho cán bộ đảng viên là theo đuôi phản động, vi phạm vào chủ trương chính sách của đảng, của chính phủ tù mọt gông”. Nên bà con ngọng, sợ vãi đái chỉ dấm dúi chõ mồm vào tai nhau thì thào, vớ vẩn! nghe chửi dại mặt còn là nhẹ.
Có tối tôi sang nhà chú Rĩnh chơi, thấy chú chổng mông trên cái chõng tre, trước mặt là ngọn đèn dầu và cuốn sổ cộng điểm chấm công cho xã viên. Chả biết chú tính toán ra làm sao mà thấy miệng chú lúc nào cũng lẩm bẩm như cúng giỗ, thỉnh thoảng lại thấy chú xoè hai bàn tay ra trước mặt đếm từng ngón một. Cái bút chì trên tay lâu lâu lại thấy chú đưa đầu bút lên miệng “mút”. Tôi hỏi chú, chú bảo “ Cho chì thấm nước bọt viết cho rõ nét.”
Có hôm vừa thấy tôi vác mặt sang chơi chú đã hét toáng lên như đi câu vớ được cá to:
- May quá tao đang bí! Mày lại đây! Lại đây! cộng hộ chú. Mấy ngày dồn lại điểm nhiều quá tao đang hoa hết cả mắt lên đây. Cứ tính đi, tính hộ chú, nếu cần tao chi thêm công điểm cho phần của mẹ mày.
Đã nhiều lần tôi giúp chú, vì cái khoản cộng trừ của chú hơi bị yếu.
Tám giờ tối mỗi ngày bà con trong đội sản xuất đều phải có mặt ở nhà chú, ai cũng mang theo cuốn vở như những ngày “ bình dân học vụ” trong phong trào diệt dốt của Đảng phát động sau chiến thắng Điện biên.
- Bà Đa hôm nay được 10 điểm.
- Cô Hữu được 12 điểm.

- Bà Dần 6 điểm.
- Ơ! sao tôi được có 6 điểm! Bà Dần cãi lại
- Bà già rồi, đội giao cho mỗi con trâu ghẻ mà chăm sóc cũng chả ra đâu vào đâu. Nghe bà con phản ảnh con trâu toàn bị đi ỉa mà hay bị bỏ đói, cho nên 6 điểm là ưu tiên rồi còn thắc mắc gì nữa. Đáng lý ra bà hết tuổi lao động, phải được nghỉ ngơi theo đúng chính sách của Đảng mới phải.
Bà Dần nghe chú Rĩnh giải thích tự nhiên quai hàm cứng lại, chả dám nói gì thêm
….
Đại loại việc chấm công báo điểm tối tối ở nhà đội trưởng sản xuất mang tính ước lệ hơn là tính hợp lý và công bằng. Thường chả ai thắc mắc. Điểm cộng dồn tới mùa thì chia bằng thóc. Sau khi gặt đập ở sân hợp tác là tới phần chia thóc. Dụng cụ chia là một cái thùng vuông bằng gỗ.
- Bà A hai thùng.
- Bà B một thùng rưỡi …. ( thùng rưỡi mới là rầy rà vì đong nửa thùng đâu có phải chuyện dễ)

Sau khi đổ đầy thóc vào thùng dùng một cái ống tre gạt ngang miệng là xong một đơn vị “thùng”.
Thóc đem về nhà phơi, sảy, dần, sàng phần phải nộp thuế theo nghĩa vụ số còn lại các gia đình dè dặt độn thêm sắn khoai mà sống. Rồi lại úp mặt vào đất, còng lưng phơi mông cho giời mòn mỏi năm này nối tiếp tháng kia như cái kim đồng hồ quả lắc nhà ông Thùng đầu làng đựơc đội công tác chia ngày cải cách ruộng đất, đều đặn quay tròn.
Hà là con cả của chú Rĩnh. Hà chơi thân với tôi. Hà lắm tài từ làm súng phốc bắn quả rau đay, tới câu cá bẫy chim, dậm tôm, dậm cá… Học hết lớp bảy Hà nghỉ không học nữa. Hà nói “ Thầy em có biết chữ quái nào đâu mà cũng làm tới chức đội trưởng sản xuất. Chả biết anh thế nào? chứ em cứ động đến chữ, đến sách vở là đầu nó mỏi, hai mắt tự dưng muốn díp lại chỉ muốn lăn quay ra giường . Em tính rồi học cũng chả để làm gì. Nghỉ học ở nhà sáng sáng dậy sớm đi nhặt cứt chó chăm cho miếng ruộng phần trăm trồng thuốc Lào tới vụ còn giúp thầy bu em được tí tiền chứ trông chờ vào thóc chia hợp tác thì có mà …”

Quê tôi ngày xưa là đất trồng thuốc lào. Có lẽ cùng vệt đất do phù sa của sông Văn Úc, sông Luộc, sông Thái Bình bồi đắp nên khắp một vùng từ Tiên Lãng, Vĩnh Bảo cho tới tận làng tôi thuốc lào đặc biệt ngon. Chả hiểu sao đã là anh thuốc lào thì phải tưới bằng phân chó khói mới đượm và say. Giống như ớt phải tưới bằng phân gà mới cay. Nhớ ngày đóng quân ở đảo Kôkông chúng tôi làm công ăn chia với bọn Thái Lan, trồng Cần Sa. Bọn Thái kỹ tới mức không cho chúng tôi bón bất cứ thứ gì ngoài phân gà. Hàng tuần thuyền chở phân gà từ Thái vượt biển chuyển qua. Khi chúng tôi hỏi thì nó nói Cần Sa phải tưới bằng phân gà mới tăng chất lượng, tăng độ “phê”.
Những năm ấy làng xóm thanh bình lắm, đến trộm cắp vặt còn không có huống hồ … thế mà chả hiểu sao bà con nuôi lắm chó thế. Chả biết có phải bà con nuôi chó để lấy cứt bón thuốc Lào hay không? Đi ra đường sơ ý một tí là dẫm phải cứt chó nhất là các cụ già mắt mũi kèm nhèm. Có cụ đi đám giỗ mặc cái quần ta nâu cả năm mới diện một lần. Thế quái nào đi đường “quệt” phải cứt chó, lúc ngồi nhắm rượu, trên mâm có 5 cụ thì mắt mũi cụ nào cũng toét cả, cụ này đổ cho cụ kia cuối cùng người nhà phải lao vào “can thiệp” sai con cháu kiểm tra rồi lột quần của cụ bị “dính cứt ” đem ra ao “gột”. Thế là một cụ quần đùi “hầu” bốn cụ quần dài ngồi nhâm nhi cho đến hết cỗ.
Cánh trẻ con làng tôi thời bấy giờ sáng sáng phải dậy thật sớm một tay xách cái rổ bằng tre có buộc dây lót lá chuối, một tay cầm cái kẹp giống như cái kẹp của cánh thiếu niên nơi thị thành dùng để nhặt hạt táo bán cho hiệu thuốc bắc trong phong trào gây quỹ đội thời 61-62. Hôm nào ngủ quên, dậy muộn thì đến nước đái chó cũng chả còn mùi chứ đừng nói tới cứt, cho nên chúng tôi phải dậy thật sớm. Nhiều khi đánh chửi nhau cũng chỉ vì bãi cứt chó.
Sống ở đất thuốc nên chúng tôi đều tập toẹ rồi nghiện hút. Hà nghiện hút từ năm 8-9 tuổi. Buổi sáng chả có gì tống vào dạ dày, bụng réo sôi ùng ục như hợp tác xã tôi vôi xây trụ sở, đành vớ cái điếu bát của thầy làm một “ bi ” cho đầy phổi rồi say quắc cần câu nằm co tới tận trưa.
Để làm ra được cân thuốc Lào vất vả còn hơn cả trồng lúa. Đất trồng thuốc Lào phải làm thật kỹ. Sau khi bón lót bằng phân chuồng thì đặt giống. Khi cây được 3-4 lá là bắt đầu tưới phân chó và chăm sóc. Lá thuốc lào cay thế mà vẫn có sâu rệp xơi được. Nếu không xử lý, lá bị sâu ăn quăn lại, cây chậm lớn chất lượng thuốc coi như vứt. Người ta phải nấu cơm nếp nát rồi cuốn vào đầu cái que cứ thế lăn trên những lá nào bị rệp, bị sâu. Tất cả rệp lớn, rệp bé … bị cơm nếp dính vào hết … Khi lá thuốc đã già là tới khâu thu hoạch. Thuốc hái về được tước đi phần cuộng và gân, phơi trong bóng mát cho vàng rồi xếp lớp cuộn tròn lại như cái dò lụa ngày tết nhưng dài, có khi dài tới một mét, mét rưỡi cũng không chừng.
Ở quê tôi người ta phải lặn lội sang tận Tiên Lãng, Vĩnh Bảo mời thợ về thái thuốc. Dụng cụ thái thuốc dân trong nghề gọi là “ Cầu ”. “Cầu” gồm một đường “ray” có độ dốc. Đường “ray” này dùng để đặt bó thuốc đã cuộn lên trên. Phía cuối của “cầu” là một cái lỗ để bó thuốc chui qua, đồng thời đây cũng là bộ phận “lấy cữ”. Xắt dày hay mỏng là do người thợ đẩy cuộn thuốc di chuyển nhanh hay chậm trên đường ray. Dao thái thuốc giống như lưỡi kiếm Nhật nhưng không có chuôi dầy hơn có tay nắm ở giữa để người thợ cầm khi thái, đặc biệt rất sắc cạo được cả lông chân. Người thợ ép dao vào “cữ” đều đặn đưa dao lên xuống, sợi thuốc đều tăm tắp cứ thế tuôn ra.
Khi thái xong, thuốc được rải đều trên những tấm liếp, được hồ bột và nhuộm màu. Màu là nguyên liệu tự nhiên từ củ rừng ( hình như là củ nâu). Sau khi hồ và đánh màu thì phơi gió cho khô rồi đóng bánh phân loại. Phân loại thuốc phải nhờ đến các cụ cao niên có nghề hút vài chục năm để đánh giá. Cụ nào được mời thử thuốc sáng phải dậy sớm, mồm phải để thật “thối”, không được đánh răng, không được ăn uống gì. Nhiều khi mẻ thuốc phải thử cả tuần lễ mới xong vì có khi “bi” đầu tiên bắn thử, thuốc ngon quá các cụ say quắc cần câu lăn quay ra phản. Gia chủ lại phải làm cơm rượu chờ cho các cụ tỉnh thết đãi, sáng hôm sau các cụ mới lại tiếp tục được. Công đoạn thử này rất quan trọng vì nó liên quan đến chất lượng từng mẻ thuốc, liên quan tới giá cả. Thuốc Lào đóng bánh được cất giữ trong chum lót lá chuối khô chờ thời, khi nào được giá mới tung ra thị trường.

Khi học lớp 5 không hiểu sao Hà bị bệnh. Trời mùa đông lạnh ngắt mà Hà cứ tồng ngồng lao xuống sông ngâm cả ngày. Người nhà phải dỗ dành mãi Hà mới chịu lên bờ. Rồi như người trầm cảm Hà ngồi thu lu trong góc nhà chả đi đâu và nói năng với ai, nhìn ai cũng lừ lừ đôi mắt. Ông Nghị, y tá duy nhất trong làng, thời tây ông từng làm cho Pháp ở bệnh viện Đồn Thủy tận Hà Nội tiếng tây ông thạo lắm. Ông đoán Hà bị bệnh động kinh. Ông Khúc, thầy cúng ở chùa làng thì lại phán “ Nhà Hà bị động long mạch mồ mả”. Nhưng gia đình mời ông cúng bái mãi mất cả thủ lợn, đàn gà và mấy mẻ rượu lậu mà chả giải được. Bỗng dưng Sau một thời gian tự nhiên Hà khỏi bệnh, lại khoẻ mạnh nhanh nhẹn như xưa.
Năm 71 Hà đi bộ đội. Tôi còn nhớ có một lần Hà chiêu đãi chúng tôi ở cửa hàng ăn uống trên phố huyện trong kỳ nghỉ tranh thủ giữa 2 đợt huấn luyện được về thăm nhà. Bữa tiệc gồm cơm độn ngô vàng tươi, đậu phụ sốt cà chua, khoai tây xào và đĩa cá rán. Chả biết có phải là cá rán không nhưng bây giờ nhớ lại cái món cá rán ngày ấy là cá nướng thì đúng hơn vì vẩy cá xém đen. Ngẫm lại thời bấy giờ cửa hàng ăn uống quốc doanh mà món nào cũng rán với xào thì có mà sạt nghiệp. Bữa cơm chỉ mất mấy hào bạc và cái tem gạo mà Hà được thanh toán ở đơn vị. Thế mà bốn đứa ăn no, ăn như chưa từng bao giờ được ăn.
Thời thế lộn tùng phèo cả. Cái món cá nướng hạng bét của ngày xưa nghèo đói ấy lại trở thành món đặc sản của ngày hôm nay.
Sau này nghe Hà kể ngày tiễn anh em bộ đội đi nam ở ga Tiền Trung, trong đoàn người đưa tiễn hôm ấy không có ai là bạn bè người thân của Hà. Chả biết trong hàng ngàn người lính ra đi trong chiều đông năm ấy có ai buồn như Hà không? Hà ngơ ngác chờ người thân trên đường ke sân ga, khi lên tầu Hà cố nhoài người qua ô cửa toa ngoái lại mãi cho tới khi mấy nhịp cầu Lai Vu phía xa bé dần, bé dần rồi khuất hẳn sau làn khói đen. Hà lấy hết sức ném bọc quà qua ô cửa con tàu đang lao nhanh xuống đường rồi nói to với những người đang còng lưng đạp xe trên đường 5 “ Gửi hộ về quê theo địa chỉ … ”. Thế rồi bọc quà cũng được ai đó gửi qua bưu điện về quê cho bố mẹ Hà. Quà là bộ quần áo Tô châu phát trước khi đi nam cho bố và bộ quần áo cũ cho em cùng cái mũ cối tầu.
Kỷ niệm Hà tặng tôi trong những ngày sắp rời xa miền bắc là cuốn tiểu thuyết Ruồi Trâu. Hà nói mua ở hiệu sách huyện. Tôi vẫn ngạc nhiên về món quà này cho tới hôm nay. Tôi chả thấy Hà đọc sách bao giờ thế mà tự dưng lại nhận được món quà hết sức nhân văn của giới học sinh sinh viên có học thời ấy.
Sau ngày hoà bình gặp lại nhau nghe Hà kể đơn vị Hà năm ấy đi nam để bổ sung quân cho chiến trường đông nam bộ. Dọc đường hành quân đạn bom quân số rơi rớt lớp chết, lớp sốt rét một số tụt tạt … Hà là một trong những người lính vào “đến đích”. Tới Tây Ninh quân số được phân chia cho nhiều đơn vị. Một số xuống đồng bằng số còn lại bổ sung cho các đơn vị miền.
Một lần Hà nghe tin hơn chục thằng trong đó có mấy đứa cùng làng nhập ngũ một đợt hành quân bị vướng mìn Claymo “đi” sạch cả. Khi nhận được tin Hà úp mặt vào võng khóc mấy đêm liền, thương cho những thằng bạn vắn số.
Đánh nhau, chống càn bom vùi đạn dập tưởng rồi cũng theo bạn bè thế mà thoát. Sau này sốt rét nặng quá Hà bị đẩy lại phía sau cho bộ phận sản xuất.
Tình cờ trong một lần chuyển gạo cho đơn vị Hà gặp được ông bác họ Làm chỉ huy một trung tâm huấn luyện của miền. Rồi được bác gọi về làm chân công vụ. Hơn năm quản lý trà thuốc bưng bê cho thủ trưởng thì Sài Gòn giải phóng. Ngày ấy cùng nhóm phục vụ thủ trưởng trong rừng ngoài Hà, lính bảo vệ, còn có hai em nấu cơm và y tá việt kiều Campuchia. Cứ một tuần vài tối Hà lại phải xuống kêu y tá lên đấm lưng cho thủ trưởng. Có hôm thủ trưởng nói “ Hôm nay cho y tá nó nghỉ gọi “cấp dưỡng” lên thay ca đấm lưng cho tao”. Sau này Hà mới biết các thủ trưởng trong rừng hầu như thủ trưởng nào cũng như thế cả. Sau khi bắt thề sống thề chết không được hé răng với ai Hà vít đầu tôi: “ Ông bác họ em có cả con với cô y tá”.
Ngày ấy là chiến tranh, là sống, là chết, thôi thì … đằng nào các anh cũng là liệt sỹ, đã hy sinh cho tổ quốc, “đùn” thêm “đứa con” cho các anh nữa cũng chả sao, chắc các anh thông cảm. Vậy nên những trường hợp bị “lỡ” của các thủ trưởng như ông bác họ của Hà sau này đều được tổ chức “hợp thức hoá” thành con em “liệt sỹ” có chế độ chính sách hẳn hoi.
Giải phóng xong Hà muốn về quê ngay. Nhưng công việc nhiều. Mãi tới đầu năm 1976 ông bác họ mới gọi Hà lên. Ông ôn tồn: “ Quê hương đã thống nhất bây giờ là lúc cần có nhiều lực lượng để củng cố xây dựng đất nước. Hiện nay bên dân sự đang cần một số cán bộ nòng cốt để phát triển: Ngành Hải quan, công an và các khối kinh tế. Quân đội cũng đang có chủ trương giảm bớt quân số. Cho cháu 3 lựa chọn: Hải quan, công an và kinh tế. Kinh tế thì bộ thuỷ sản đang thành lập một xí nghiệp đánh cá lớn hoạt động trên biển đó là xí nghiệp đánh cá Chiến Thắng. Đợt này cho cháu về phép thăm gia đình rồi suy nghĩ chọn hướng nào thì tùy. Vào phép bác sẽ cho chuyển ngành. Ngữ mày chữ ít, sức khoẻ lại kém không phục vụ quân đội lâu dài được. Là người lính từng kinh qua bom đạn chiến tranh nay hoà bình tăng cường cho lĩnh vực kinh tế thì quý lắm cháu ạ.”
Rồi ông bảo quản lý đơn vị chuẩn bị cho Hà gói quà. Khi sắp xếp đồ đạc mở gói quà ra Hà hết sức cảm động, trong đó gồm hai cây thuốc lá Rubiquen quân tiếp vụ, xấp vải đen, vải hoa, ký mỳ chính, ít mỳ tôm, bánh kẹo và cái bật lửa chiến lợi phẩm thu được trong dinh Độc Lập có chữ ký của kẻ bại trận, tổng thống Thiệu, làm kỷ niệm.
Quãng cuối năm 1976 tôi có dịp vào Nam. Khi chuẩn bị ra Bắc theo địa chỉ tìm tới thăm Hà. Tôi không còn nhớ căn nhà Hà ở lúc đó nằm ở phố nào chỉ nhớ gần nhà thờ Cha Tam mãi bên quận 5. Đấy là ngôi nhà mặt phố hình ống ba tầng lầu. Hà mở khoá đưa tôi qua tầng 1 lên tầng 2, Hà ở một phòng rộng. Phòng ốc lộn xộn chăn nệm tứ tung, bánh mỳ, đồ ăn thừa, thuốc lá, vỏ rượu vứt lỏng chỏng. Mở tủ lạnh Hà dúi cho tôi chai bia con cọp. Hai đứa cụng chai trong tiếng gió thổi vù vù của cái quạt trần tuốc năng và 3 chiếc quạt cây Hitachi chạy hết số.
- Chạy gì mà lắm quạt thế? Gió thế này khéo cảm thì chết.Vừa nói tôi vừa đưa cả hai tay lên đầu giữ mớ tóc bị mấy cây quạt thổi dựng đứng lên.
- Để nhớ cái thời bão gió tháng 8 ngoài quê anh ạ. Hà cười. Trong nụ cười có cái gì đó hoài cổ chất phác rất thương.
- Nói vui thôi. Em đang thử tải mấy cái quạt. Chạy ròng rã 4 ngày 4 đêm rồi đấy, tính gửi ra Bắc làm quà nhỡ làm sao lại đâm mang tiếng.
- Ấy chết!
Hà giật mình lao tới cái nồi cơm điện cắm từ sáng. Mở nắp nồi bới một hồi Hà lôi ra haichiếc đồng hồ. Một chiếc Ôrient và một Selko dính đầy cơm nếp nhão nhoẹt. Rồi phóng vào toalet sau một hồi cọ rửa cầm hai cái đồng hồ sáng loáng trong tay đi ra, vừa đi vừa gật gù.
- Đúng là cái anh Nhật “nùn Japăng” tốt thật! vẫn chạy êm ru chính xác đến từng giây mà mặt đá cứ trong vắt chả có tý hơi nước nào.



Rồi Hà quay sang tôi:
- Em mới mua định một cái để đeo, một cái gửi về quê cho thầy em. May quá … Tiện gặp anh đây tặng anh một cái làm kỷ niệm, anh thích cái nào thì lấy, còn một cái nhờ anh đem về quê cho thầy em, để thầy em biết giờ mà đánh kẻng hợp tác chứ cái kiểu xem giờ theo bóng nắng thì … Toàn đồng hồ nguyên tử, tự động cả đấy, khỏi phải lên giây.

Buổi trưa Hà đưa tôi đi ăn ở nhà hàng tầu, nhà hàng Đông Kinh. Tôi còn nhớ có món gà rô ty ăn với mỳ xào thập cẩm. Cả đời quen cầm cuốc, cầm cày có biết dao dĩa phóng sết là quái gì đâu nên chọc ngoáy lung tung hất văng cả mỳ xuống nền nhà may mà đùi gà chỉ văng ra bàn nên thu hồi được. Tức mình tôi dùng tay vừa xé vừa xúc tuy dân dã nhưng tiện vả lại ăn uống như thế cảm thấy tự tin hơn.

Quãng 2 giờ chiều hai thằng về đến nhà. Căn nhà thênh thang vẫn chỉ có tôi và Hà lúc này tôi mới thắc mắc. Hà nói: “ Nhà này là nhà em ở từ ngày tiếp quản. Rồi ra quân chuyển ngành ở lại luôn. Chả ai thiết cái nhà như bao diêm sâu hun hút, lại nằm trên con phố mở cửa ra là bị tra tấn toàn tiếng ngoại quốc “Ngộ ngộ, lị lị” chả biết đâu mà lần. Hàng quán ăn uống thì món nào cũng đầy mỡ ngọt lừ như chè đường ngày tết…”
Trong khi Hà ngủ tôi mới có dịp thăm quan hết 3 tầng lầu, phòng nào cũng tủ giường đồ đạc. Tò mò tôi lôi một cái ngăn tủ trong phòng của Hà.
Trời ơi! Nhẫn, sao lại nhiều nhẫn thế, nhẫn vàng hẳn hoi, nhưng sao lại để hớ hênh thế?
Tôi có hỏi, Hà giải thích “ Toàn vàng mạ thôi anh ơi, Cả đời có biết vàng bạc là gì đâu, em bị chúng nó lừa.” Hà chẳng giải thích gì thêm, khuôn mặt bình thản.
Với tay bật cái catsec giọng cô ca sỹ như kẹo kéo gặp trời nắng to vọt ra từ hai chiếc loa đặt trên nóc tủ vừa buồn vừa lạ chả như những thứ nhạc mà tôi từng nghe mấy chục năm qua.
Đêm ấy tôi ngủ lại với Hà. Chai rượu chứa thứ nước màu hổ phách trong vắt vật đổ hai thằng khi tiếng chuông nhà thờ Cha Tam đầu phố điểm giờ nguyện buổi sớm.
Hà kể sau khi trả phép vốn quen mò tôm bắt cá lặn lội sông nước nên Hà xin bác cho chuyển nghành về xí nghiệp đánh cá Chiến thắng. Ngày ấy đám thuỷ thủ Chiến Thắng là giàu lắm. Cá vừa kéo lưới là con buôn đã thu mua ngay trên biển. Tiền cá, tiền dầu, tiền vượt biên hối lộ có chuyến đột xuất mỗi thuỷ thủ kiếm cả cây vàng. Tàu thuyền ra khơi ngày ấy rất khó biên phòng cấp phép kỹ và kiểm soát gắt gao. Chỉ riêng xí nghiệp đánh cá chiến Thắng mới được cấp phép ra khơi xa. Nên đôi khi vớ được tàu vượt biên bị hối lộ là vì thế.
Hà giữ tôi ở lại chơi. Được hai ba ngày thì rủ tôi đi Vũng Tàu. Chúng tôi nhảy xe đò, xuống bến kêu xe ôm chạy thẳng ra bãi trước. Dúi cho tôi ổ bánh mỳ kẹp thịt còn nóng và bịch café đá Hà vừa mua rồi chỉ vào chiếc ghế đá ven bờ biển bảo tôi ngồi chờ. Hà lững thững đi về phía đám đông đang bu quanh hai tàu cá cập dưới bãi. Vừa nhìn thấy Hà đám đàn bà con gái thương lái bỏ cả cá bu lấy:
-Xếp Hà! xếp Hà! Hôm nay không đi biển à?
Thì ra đó là đám bạn hàng của Hà mỗi lần tàu về Vũng Tàu. Hà nói với một cô dáng như chủ vựa: “ Chuẩn bị cho anh ít tôm, cá ngon để tối tiếp bạn. Có con Mú, con Hồng nào to 3-4 kg giữ lại cho anh để sáng mai đem về thanh phố làm quà cho ông bác”.
- Có chứ! xếp cần loại 3- 4 kg chứ “ loại” 50-60 kg tươi rói lúc nào cũng sẵn hầu xếp. Giọng cô chủ vựa oang oang cất lên. Cả lũ đàn bà con gái trên bãi hùa theo cười xoe xóe.
- Tối nay bọn anh nghỉ ở nhà Duyên.
- Được rồi! hai xếp cứ yên tâm về trước tắm giặt nghỉ ngơi giữ sức đi mọi cái bọn em sẽ lo. Vừa nói cặp mắt cô chủ vựa vừa đong đưa như rượu trong ly trên tay của kẻ say.
Duyên là em gái cô chủ vựa. Duyên có đứa con nhỏ, chồng chết trận nhà ngay chợ trung tâm là điểm phân phối cá cho các bạn hàng bán lẻ. Duyên mặn mà chứ không đẹp ngỗ nghịch ào ạt như bà chị không chồng của mình.
Đêm ấy cơm ngon, rượu say và lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là sự ấm áp dịu dàng của cánh phụ nữ phương nam.
Trong xí nghiệp của Hà đám thuỷ thủ hầu như đều dân bắc, gốc gác lính tráng trận mạc với nhau. Hà sống một mình phóng khoáng hay giúp đỡ mọi người nên anh em rất thương. Ngay đến căn nhà sau này Hà cũng rủ những anh em độc thân khó khăn chưa có nhà đến ở. Khi bạn có gia đình Hà cũng nhường hai tầng lầu cùng một căn phòng nơi tầng 2 còn trống cho bạn.
Rồi căn bệnh cũ,“động kinh”, như định mệnh sau mười mấy năm bỗng dưng tái phát nhưng lần này thì nặng hơn. Xí nghiệp đưa Hà vào viện điều trị. Được ít ngày thì Hà trốn viện và bắt đầu cuộc sống lang thang vô định. Anh em trong xí nghiệp bổ đi tìm. Nhưng tìm làm sao giữa cái thành phố lộn xộn và rộng lớn lại đang khó khăn vật lộn sau chiến tranh. Hà lang thang chẳng biết những đâu cả năm rồi bỗng nhiên mò về được quê. Cơ quan biết tin cho người về nhà đón Hà vào lại Sài Gòn để chữa bệnh. Nhưng bệnh tình Hà ngày càng nặng nhớ nhớ quên quên lúc thì ngồi ôm đầu hét:“Máy bay ném bom”. Lúc thì khóc gào kêu tên những thằng bạn đã chết. Lúc thì ôm khúc cây bắn súng miệng pằng pằng … Hà điên thực rồi. Xí nghiệp đành cho người đưa Hà trở lại quê. Hàng tháng vẫn gửi tiền lương và thuốc cho Hà điều trị. Sau nhiều năm xí nghiệp làm nghĩa cử cuối cùng với Hà, với một người lính đã giải ngũ đó là giải quyết chính sách. Hàng tháng Hà có sổ mất sức hơn 600.000 đ. Nghe nói số tiền này hai mẹ con, rồi cả cô em bị bệnh như Hà nữa sống nhờ vào đó mấy chục năm qua.
Câu chuyện tình nghĩa xí nghiệp cũ nơi Hà công tác bây giờ kể lại người nghe ngỡ chuyện hoang đường. Nhưng đúng là đã có một thời người ta sống với nhau tử tế như thế. Thời quá vãng xa xôi ấy không còn nữa. Nhiều khi gặp bạn bè cũ trong hơi men chỉ biết thều thào vào tai nhau ngậm ngùi: “Bao giờ cho tới ngày xưa”.
Hà vẫn sống. Mấy năm nay tôi không về quê nghe người làng nói dạo này Hà không còn tỉnh người gầy đét, mắt trũng sâu hai gò má nhô cao. Cứ sáng sớm đầu đội mũ bảo hiểm, quần dài, áo bảo hộ chân đất là Hà đi. Đi cho tới khi lặn mặt giời Hà lại mò về nhà. Có hôm người làng thấy Hà tha thẩn trên sân ga Tiền Trung cách nhà gần 20 km. Hà tìm đến đúng sân ga nơi mà 40 năm trước Hà cùng những đứa bạn tuổi 18-20 ngờ ngệch hồn nhiên bước chân lên tàu. Hà vẫn còn may mắn, nhiều đứa bạn ra đi với Hà chiều đông năm ấy không có cơ hội như Hà dù chỉ mong được làm cái bóng vật vờ của chính mình để quay về làm khổ cha khổ mẹ. Hình hài những thằng bạn đã chết giờ chỉ còn là những tấm ảnh truyền thần nhoè nhoẹt màu do ông thợ vẽ trên phố huyện nghĩ ra. Cho dù bạn có căng mắt hàng giờ, dù hồi ức kỷ niệm của bạn có sâu đậm, dạt dào đến bao nhiêu chăng nữa tài thánh bạn cũng không thể nào luận ra được là ai, là thằng bạn nào đang ngồi kia chơ vơ trên nóc tủ bên tấm bằng tổ quốc ghi công loang lổ màu thời gian, tư lự ngắm lũ nhện giăng tơ bắt muỗi mỗi chiều chạng vạng.

Như lời ông thầy Khúc ở chùa làng thì số của Vinh “ sướng từ bé sướng đi”.
Lúc mới sinh Vinh đã mũm mĩm, mặt phật, da trắng, tai to và đặc biệt là dễ nuôi. Nghe bu Vinh nói: “ Thằng này ngày bé khi được vài tháng tuổi chỉ cần nước cơm hoà tí nuối hột là nó có thể đả hàng bát”. Bố Vinh là cán bộ nhà nước ăn tem phiếu. Trong kháng chiến chống Pháp ông từng là xã đội trưởng du kích, hoà bình lập lại thoát ly là cán bộ trong ngành lương thực lên tới chức trưởng phòng của sở. Ông ít khi về thỉnh thoảng mới tạt qua nhà khi có việc như cúng giỗ, ma chay, cưới xin … hoặc lắm khi mua được chục ký gạo ít mỳ chính hay vài thước vải, cái lốp xe phân phối … ông mới qua nhà đem về cho vợ cho con.
Nhớ cái ngày mới có Mỳ chính do Trung quốc viện trợ, một lần bố Vinh về phép sau khi mâm cơm được dọn có đĩa rau muống luộc, bát nước rau vắt chanh, bát mắm cáy và quả trứng vịt sốt cà chua. Khi cả nhà đã yên vị chung quanh mâm cơm ông mới từ tốn lôi ở túi áo ngực ra cái lọ Pelexilin rồi trịnh trọng:
- Vinh đâu! lấy cho bố cái tăm.
Ông cầm cây tăm nhúng vào bát nước rau sau khi vẩy cho cây tăm bớt nước Ông mới từ tốn mở lọ Pelexilin cắm que tăm vào rồi rút ra nhúng vào bát nước rau. Dùng muôi ngoắy cho đều, múc một ít đưa lên miệng nhấp nhấp môi, mắt nhắm lại, ông gật gù: “Ngon, ngon … t u y ệ t …” Cả nhà ngạc nhiên, ngỡ ngàng rồi vui vẻ xơi bữa cơm xum họp.
- Bà thấy thế nào? Có ngọt không? Mỳ chính Trung Quốc đấy. Mấy anh em được phân phối chia nhau tôi trưởng phòng nên được cả lọ anh em khác chỉ được nửa lọ thôi. Ông giải thích.
-Tôi thấy chả có vị gì. Bà thật thà. Rồi chợt nhận ra lỡ lời không muốn làm ông và các con mất vui bà nói vớt: “ Hình như có ngọt hơn một tẹo thì phải …”
Một hôm đặt nồi cháo suông. Sau khi cháo đã nhuyễn bà lấy lọ Mỳ chính ra nêm nếm theo như cách của ông.
- Cháo nhạt toèn toẹt chả ra chó gì. Bà lầm bầm.
Tức mình bà dốc cả lọ pelexilin vào nồi. Trời ơi! nó ngang và lợ không thể nuốt nổi thế là đành phải đổ nồi cháo cho lợn.

Khi học cấp ba, Vinh phải trọ học ở phố huyện cho gần trường, vì từ nhà tới huyện hơn chục cây số. Nhà nghèo ăn còn bữa đói bữa no đào đâu ra xe đạp mà đi, họa có mơ. Vinh kể: Vinh trọ học ở nhà tay y sỹ tên Tược, ông Tược có tật từ bé bị thọt một chân, là cán bộ phòng y tế phụ trách khối “sinh đẻ kế hoạch” của huyện. Ngoài giờ học Vinh hay phụ giúp gia đình chủ nhà nên tay y sỹ rất quý. Một lần về nhà ngày chủ nhật tay y sỹ nói với Vinh: “ Cho chú mày cái này về nhà làm quà đón tay cho mấy đứa em”. Vừa nói tay y sỹ vừa dúi cho Vinh một bọc giấy báo to. Về nhà lôi bọc quà mở ra chia cho các em thì ra một bọc toàn “ Cabôt” nước ngoài viện trợ. Mấy đứa em la lên mừng rỡ “Bong bóng bay chúng mày ơi!”
- Cái này chúng em phải đổi cả bộ lông gà cho mấy bà ve chai mới được một cái đấy, một hào chỉ được hai cái thôi.
- Ô hay! Sao bong bóng này miệng nó lại to thế nhỉ mà chỉ toàn một màu. Chỉ được cái thổi bao nhiêu hơi cũng chả vỡ, dai thật đấy. Thậm chí thổi chán đổ đầy nước vào chơi, nó dài ngoẵng ra như quả bí xanh nhún nhảy lên xuống như tôn ngộ không đánh Bạch Cốt Tinh trong phim tàu, còn dai hơn cả bong bóng lợn ngày tết.
Vừa nghe thấy mấy đứa em nói “một hào chỉ được có 2 cái” Trong đầu Vinh đã nghĩ ngay ra “tiền” Bọc này chí ít cũng cả trăm cái chứ chả chơi. Thế là Vinh nói với mấy đứa em. Chỉ một loáng sau trẻ con trong làng đã đổ dồn về nhà Vinh. Bọc bong bóng hết veo. Vinh bán rẻ một hào 3 cái. Bỗng dưng phút chốc trong lưng quần Vinh có tới bốn năm đồng bạc. Số tiền này bu Vinh có bán phần tư số thóc vụ mùa cũng chả ra.
Thế là lần sau Vinh lại xin tay y sỹ. Vinh thật thà nói là bán cho đám trẻ trong làng làm bóng bay được tiền, nên tay y sỹ bắt Vinh phải ăn chia. Phi vụ này Vinh làm ăn khá, sắm được cả kính đen, những 3 đồng bạc. Đeo cho oách với lại cũng đỡ nhức mắt những trưa hè nghỉ học cuốc bộ về quê. Mãi sau này nghe mấy bà sồn sồn trong làng kháo nhau Vinh mới vỡ nhẽ nó không phải là bong bóng bay bình thường mà là cái túi chuyên dùng, để bịt “b…” đàn ông, khi vợ chồng gần nhau cho khỏi đẻ con. Lúc đầu bà con thấy hay hay sợ đẻ đái, con cái nhiều lấy cứt cho chúng ăn. Với lại được nhà nước cho không tội gì, thử cho biết Nhưng sau này chả ai thèm dùng, cho không cũng chả ai “dây”. Nên mới có chuyện trong buồng tay y sỹ phụ trách khâu đẻ đái kế hoạch tồn hàng ngàn cái bao cao su là vì thế. Qua thực tế sử dụng bà con phản ảnh với tổ chức: “Đeo cái của nợ ấy vào vướng víu, cồm cộm, khó chịu lắm, mất cả sướng đi.” Có ông khi sử dụng sau một hồi thao tác liền vùng dậy tháo ra vứt đến xoạch một cái xuống gậm giường lầm bầm chửi:
-Mẹ tiên sư nó! ăn đã phải độn quanh năm giờ đến cái khoản sung sướng này cũng lại phải độn nữa thì chết quách đi cho nó xong sống ở đời làm quái gì nữa.
Rồi tự dưng đang nằm lim dim gãi đùi vợ bỗng nghe thấy tiếng hai con chó cắn nhau ỳ xéo dưới gậm giường.
-Thôi chết! chúng tranh nhau cái của nợ kia không khéo ăn vào không tiêu hoá được lăn ra chết thì toi. Hai con chó con mới mua mất đồng bạc tận chợ huyện. Tự dưng lại đi chuốc gánh lo vào người đúng là…
Vinh kể ông Tược thọt sau này khổ, bị mất chức, thu hồi đảng tịch về vườn vì tội hủ hoá. Ông bị bắt quả tang khi đang luyến ái, trên người chả còn tí quần áo. Dân quân cứ thế còng tay dong ông dọc con phố từ kho thương nghiệp sang công an huyện. Bà con đổ ra xem tụm năm tụm bảy chỉ trỏ rồi thì thầm: “Người chả ra người một chân thì to, một chân thì bé, mà cái chân bé sao lại ngắn thế nhỉ? Các bà nhìn kìa …chỉ được cái ấy thì …” Một bà cao hứng thò cả tay ra chỉ. Mấy bà trong nhóm nhìn theo rồi vội quay đi úp mặt vào lưng nhau cười ré lên hai tay vỗ thùm thụp.

Quãng năm 67-68 chả biết quy hoạch “nhầm” hay đo đạc thế chó nào mà bộ Quốc Phòng lại phê duyệt cho đường ống dẫn dầu quân sự dã chiến chạy qua làng tôi. Lúc đầu bà con trong làng hãi lắm, chỉ sợ máy bay trinh sát Mỹ nó “soi” thấy. Cái kẹp tóc trên đầu các mẹ máy bay nó còn chụp hình, to như đòn gánh huống hồ đường ống dẫn dầu lừng lững như bắp đùi bà chửa mà đoạn qua làng dài cả chục cây số chứ có ít đâu. Nó mà bỏ bom thì tan hết làng chứ chả chơi. Nhưng mãi sau này chả thấy bom đạn gì, hoá ra toàn tin vịt cả. Thỉnh thoảng ống dầu bị vỡ bà con trong làng đổ xô nhau đi vớt. Có nhà đổ cả bể 2-3 khối nước mưa tích trữ ăn uống quanh năm để chứa dầu. Khi có tin ống dầu vỡ bà con trong làng chạy như chạy giặc. Người cầm chậu, người cầm nồi … thôi thì cứ cái gì vớt, chứa được dầu là vơ vội lao đi. Vinh kể có một lần sau khi ngâm nước tới ngang lưng để vớt dầu. Vớt xong cánh đàn bà con gái lên bờ gánh dầu về nhà. Vừa bước lên bờ cứ thế quần chị em tuột xuống tận háng, mông trắng phau. Đồng loạt chả ai bảo ai như duyệt binh chị em ngồi thụp xuống bỏ cả dầu lấy tay che, thế là công cốc, dầu vớt được đổ hết. Có bà, có cô còn bị “dầu ăn” dị ứng sưng hết cả bộ phận phụ khoa, phải lên tận bệnh viện huyện điều trị tốn khối tiền.
Sau này tìm nguyên nhân Vinh giải thích: “ Dầu là dung môi, nó giống như là … món xáo chó, khi ta hầm xương phải cho đu đủ xanh vào cho chóng nhừ, cho nên cao su gặp dầu cũng giống thế, sẽ bị mủn ra, mà cạp quần chị em ta luồn toàn thun cao su từ xăm xe đạp cũ cắt ra nên sau thời gian ngâm dầu cao su bị phân huỷ thành thử chun quần không còn tác dụng nữa nên quần các mẹ bị tuột là vì thế. “Đúng là con nhà có học có khác”. Bà con nghe Vinh giải thích thì chịu.
Năm 71 Vinh nhập ngũ. Vì có văn hoá nên Vinh được chọn đi học lái xe. Tình cờ trong bộ phận tuyển quân có ông sỹ quan ở binh chủng “đặc biệt” thấy Vinh trắng trẻo đẹp trai cao ráo lại có văn hoá nên ông điều đình với bộ phận lái xe để xin. Thế là Vinh trở thành người lính. Sau huấn luyện Vinh và một số chiến sỹ được chọn lọc nhận nhiệm vụ “đặc biệt” thay mặt cho hàng ngàn, hàng vạn … người lính ra trận được ở lại miền bắc, ở lại thủ đô trực tiếp bảo vệ đảng, bảo vệ cơ quan đầu não TW.
Cả đời binh nghiệp mấy chục năm không mấy khi Vinh phải xa thủ đô yêu dấu. Sau 3 tháng huấn luyện Khởi đầu Vinh làm liên lạc kiêm công vụ cho cán bộ tiều đoàn. Vinh thật thà chịu khó lại có văn hoá, chữ đẹp, viết lách được, không nghiện ngập thuốc xái, trà cháo thì chả biết. Toàn những “thứ” mà chỉ cần nghe lướt qua, thủ trưởng dù khó tính cách mấy cũng phải xiêu lòng. Cho nên mấy năm sau nhập ngũ Vinh bị các thủ trưởng giữ rịt không cho đi đâu. Rồi các thủ trưởng cho Vinh ôn văn hoá thi đại học, Vinh chọn đại học pháp lý. Bốn năm đèn sách từ anh hạ sỹ quan Vinh tốt nghiệp chuyển ngạch và được điều động về bộ tư lệnh làm chuyên môn. Ngày ấy tốt nghiệp đại học luật còn hiếm nhất là trong quân đội nên Vinh như mỳ chính cánh. Từ trợ lý dần dần theo năm tháng Vinh lên chức dần, bây giờ quân hàm đại tá có vị trí cao, lương tháng hơn chục triệu, được cấp đất xây nhà giữa thủ đô. Gia đình hạnh phúc, vợ bác sỹ, con cái ngoan ngoãn xinh xắn học giỏi. Nhìn gia cảnh Vinh chúng tôi thèm dỏ rãi.
Thỉnh thoảng gặp nhau trong ngôi nhà mấy tầng to đẹp của Vinh quen cung cách bỗ bã “làng Lằn” có lần tôi buột miệng: “ Tiền ông đào đâu ra mà sẵn thế?”
Vẫn thật thà chả dấu tôi Vinh chậm rãi: “ Ngày xưa thời còn hàn vi thì vợ chồng tớ nấu rượu nuôi lợn tích cóp mỗi năm mỗi tí, sau này lương lậu khá hơn hai vợ chồng tằn tiện mỗi năm cũng dư chút chút. Khi phố xá văn minh bà con chửi quá đành phải bỏ nuôi lợn dù bao năm kinh ngiệm. Phân lợn ông biết rồi đấy, nó thối quá bà con khối phố chịu không nổi. Thế là phèo! nguồn thu chính bị mất nhưng bù lại, thời gian đó tớ được “cử” đi làm kinh tế ở vùng biển phía nam. Nói là đi làm kinh tế chứ thực chất là đi giám sát các tàu đánh cá của Thái. Theo thoả thuận với ta tàu cá Thái được đánh bắt trong lãnh hải của ta ở một số toạ độ nhất định, nhà nước thu tiền. Để kiểm soát ta cử sỹ quan chuyên trách đi cùng với tàu bạn để kiểm tra việc thực hiện quy định. Chỉ cần xuê xoa một tí là có tiền bồi dưỡng. Cho nên mỗi chuyến như thế khi về ngoài quà cho vợ mấy cặp xilíp Thái, cái quần bò cho con … anh em đơn vị ký tôm, ký mực khô. Quà cho thủ trưởng thì … hì … hì” :
- Cậu biết rồi đấy. Vinh nói, hai mắt tít lại cười.
Đêm đầu tiên sau mấy tháng xa nhà dù đã có quà cho vợ mà nàng vẫn ấm ức chổng mông về phía mình. Tức mình tớ mới vén màn chui ra tìm cái ca táp kéo phẹc mơ tuya ngăn đựng giấy tờ lôi cái phong bì dầy dầy mà chủ tàu Thái nó biếu trước khi chia tay, rồi chui vào màn dúi cho vợ. Nàng bật dậy như robôt ôm chầm lấy tớ “Thế mà cứ dấu, đồ chết tiệt thôi cởi nốt ra nhanh lên đang thèm muốn chết đây”. Căn phòng bỗng chốc tối om.
Mỗi năm đều đều ra bắc vào nam xuống đơn vị kiểm tra. Nhất là khi có vụ việc vi phạm pháp luật dưới đơn vị, mà chuyện đó không nhỏ thì to đơn vị nào mà chả có. Anh em họ quý mỗi lần xuống giải quyết như thế cũng có đồng ra đồng vào.
Tích tiểu thành đại, bao nhiêu năm bóp mồm bóp miệng hà tiện cho nên ông hỏi tại sao “sẵn tiền” thì tình thực là vậy chả dấu gì ông.
Ngắm kỹ Vinh dù đã gần 60 nhưng trông thằng bạn vẫn phong độ, da trắng hồng tính tình vẫn như xưa chất phác, hồn hậu, chu đáo. Tôi nói với Vinh: “Tiếc là Ông thầy Khúc ở chùa làng không còn, nhưng dù đã mất ông cũng nên sắm cái lễ về quê thắp nhang tạ ơn ông ấy.”
….
Có phải là số phận không? Tôi cứ đắn đo tự hỏi rồi lại tự giả nhời. Nhiều khi không muốn tin nhưng như cuộc đời của ba thằng bạn cùng làng mà tôi vừa kể cho các bạn nghe kia thì là cái quái gì nhỉ? Chẳng lẽ không phải là số phận! Đúng như lời ông thầy Khúc ở chùa làng “ Cuộc đời mỗi người sướng khổ đều do trời đất sắp đặt cả, chả ai thoát và chọn lựa được số phận”.


 ❧ ❀ ❧ 

Lấy từ Facebook của Duy Đảo