Lạm bàn về chữ “Nhẫn”



Mấy bữa trong tết có bàn luận (trong hơi men) với mấy anh K3 sơ sơ về chữ "Nhẫn". Hôm nay ngồi đợi xem bóng đá trực tiếp viết ra đây mấy ý mong AE "phán" lại cho vài câu.

Từ hồi nào mấy ông Tử họ Khổng, họ Lão hay gì đó bên Tàu đã đưa ra một loạt mấy chữ có ý khuyên bảo người đời nên giữ lấy và làm theo như Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Tâm, Tài, Nhẫn, Dũng…. Nhưng chữ “Nhẫn” có vẻ được người ta “tôn vinh” và nhắc tới nhiều. Sao vậy?

Nếu ở châu Âu nơi sự mạnh mẽ, thẳng thắn, bộc trực luôn luôn được đưa ra một cách rõ ràng đúng như bản chất của nền văn hóa đồng bằng, thảo nguyên thì chữ “Nhẫn” thật cần thiết. Nhưng tiếc thay, mấy chữ này vốn có gốc và cũng lưu truyền chủ yếu ở châu Á, nơi mà con người vốn như mỳ, khiếm tốn, nhẹ nhàng đúng bản chất của nền văn hóa lúa nước, vậy mà còn “nhẫn” nữa thì còn cái gì?

Thiết nghĩ, mấy ông tên Tử chẳng có tội lỗi gì trong chuyện này vì mấy ổng đưa ra một loạt chữ nghĩa khuyên bảo người đời phải sống sao cho có đủ tất cả các chữ. Nhưng mấy nhà cầm quyền (tất nhiên là kẻ áp bức) lại thấy cần phải nhấn mạnh chữ “Nhẫn” vì dân bị áp bức tất yếu phải tức giận. Đã tức giận mà có “Dũng” thì tất vùng lên phản kháng, làm cách mạng. Để tới khi đó thì (nhà cầm quyền) xử lý không phải dễ mà có khi còn không được thì bỏ mạng. Mà bảo dân đừng giận thì chỉ có cách đừng áp bức họ nữa, hãy làm vừa lòng họ đi hay nói theo cách ngày nay thì: hãy làm đầy tớ của dân đi! – Đâu được. Vậy thì lấy gì “ăn”. Vậy là không thể làm vừa lòng dân được thì chỉ có cách khuyên dân: Ừ, thì mày cứ giận, cứ tức, nhưng hãy từ từ. Hãy đợi chờ, hãy cố chịu đựng cho tới khi … mày chết! Vậy còn gì hay hơn chữ “Nhẫn” của mấy ông Tử bên Tàu. Hãy nhẫn nại, nhẫn chịu, nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Giận thì cứ ghét rồi cùng lắm thì chửi, nhưng hãy nhẫn chịu mà đừng nổi lên làm cách mạng.

Nhiều người, trong đó có tôi vì nhát gan (chứ không phải không hiểu) thấy thôi thì cũng tạm ổn. Ráng giữ mấy cái “xiềng xích” đang có đi, chứ nó mà mất thì còn chẳng có gì nữa đâu!!! Và để che đậy cái nhát gan đó thì còn gì hay và đẹp bằng chữ “Nhẫn” của mấy ông Tử? Tôi đâu có nhát, đâu có sợ chúng nó, chẳng qua tôi đang “Nhẫn” mà thôi. Chẳng qua tôi “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Mà chúng nó lúc nào cũng là voi, còn tôi cao lắm cũng chỉ là … mèo. Tụi mày đợi đấy, sẽ tới ngày tụi mày cũng sẽ phải “nhẫn” khi tao và con cháu tao … chết hết!

Tại sao dân thì cứ “nhẫn” mà tụi cầm quyền (ở hầu hết các chế độ) thì lại không? Tại sao chúng nó không:
Nhẫn để yêu thương
Nhẫn để tìm đường lo toan
Nhẫn để vẹn toàn
Nhẫn để tránh tàn sát nhau

Tóm lại là hãy nhẫn nhịn nghe dân nói, hãy nhẫn nại phục vụ dân tới cùng. Nói theo ngày nay là hãy “Nhẫn” để thực hiện Dân chủ!

Để các nhà cầm quyền biết “Nhẫn” thì dân mình phải biết “Dũng”. Có dũng khí để nêu ra sự thật, đủ dũng cảm đấu tranh với những bất công và chiến đấu dũng mãnh để đạt được lẽ phải. Tiếc thay mình lại không có mà lại để bọn cầm quyền có đủ 3 dũng này: Có dũng khí để lừa gạt dân, có dũng cảm để trấn áp dân và rất dũng mãnh loại trừ thế lực đụng đến túi mình.

Vậy chữ “Dũng” mới là cái cần nêu lên hàng đầu cho dân mình (dân châu Á). Còn chữ “nhẫn” thì chỉ nên cần chữ Nhẫn … vàng!

Để kết thúc bài viết tôi xin gủi AE một mẩu chuyện sưu tầm được trên mạng:
“Ngày tết đi xin chữ.
- Thưa cụ, cụ cho con xin một chữ đi ạ !
- Cô xin chữ gì ?
- Cụ cho con xin chữ ” nhẫn ” ạ !
- Chữ ” nhẫn ” trẻ như cô mà xin chữ nhẫn chắc phải trí tuệ lắm, lại cố gắng kiên trì kiên nhẫn nữa, tôi rất ngạc nhiên…
- Ô thưa cụ, thế chữ nhẫn này hông phải là nhẫn đeo tay hay sao ạ ? Con chỉ muốn xin cụ chữ nhẫn - nhẫn đeo tay ấy - để sớm lấy chồng thôi ạ”


 ❧ ❀ ❧