Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cùng 7 đồng đội đã được về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà - Phạm Văn Phủng
Thứ Ba, tháng 2 14, 2012Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng cùng 7 đồng đội
đã được về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà
Phạm Văn Phủng
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam
Sáng 30 tháng 12 năm 2011, tiết trời se lạnh, nhưng ai có mặt ở Nhà tang lễ Bệnh viện 354 cũng cảm thấy ấm lòng vì mọi người đến rất đông cùng với Ủy ban nhân dân, Hội Cựu chiến binh phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội và gia đình tổ chức trọng thể lễ viếng, lễ truy điệu, đưa di cốt liệt sĩ Võ Nguyên Trọng về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Liệt sĩ Võ Nguyên Trọng sinh năm 1952, nguyên quán: xã Đức Nhuận, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, trú quán tại Phòng 312, nhà B1 phường Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội. Liệt sĩ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, thân phụ liệt sĩ - Ông Võ Nguyên Lượng, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh Thanh Hóa. Thân mẫu: Bà Trương Thị Việt cũng là cán bộ tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1966, đang ở tuổi thiếu niên, anh Trọng đã được chọn vào học tại Trường Văn hóa Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.
Năm 1970 mặc dù mới bước vào những ngày đầu năm học cuối cấp 3, anh đã tình nguyện nhập ngũ. Sau mấy tháng tích cực rèn luyện, mặc dù có đầy đủ tiêu chuẩn, lý do để được học tập, công tác ở tuyến sau… nhưng anh Trọng vẫn xung phong lên đường chiến đấu, trong đội hình Trung đoàn 52, Sư đoàn 320 (vào đến chiến trường được đổi thành Trung đoàn 46, Sư đoàn 1, Quân khu 9).
Bước chân anh đã vượt qua đèo cao dốc thẳm Trường Sơn, quân phục bạc mầu vì dãi dầu cát bụi tại chiến trường miền Tây Nam bộ, trên đất bạn Căm Pu Chia… Lửa đạn, gian khó của một chiến trường khốc liệt đã tôi luyện anh thành người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm.
Đến Chiến dịch Xuân Hè 1972, giữa lúc đang cùng đơn vị chuẩn bị cho trận đánh giải phóng Nhà máy xi măng Hà Tiên, một trận pháo kích của địch trùm lên trận địa, anh bị trọng thương và hy sinh ngày 18/8/1972 khi chưa tròn 20 tuổi.
Đơn vị đau xót mai táng anh cùng 7 đồng đội trên đồi Bãi Ớt, Ấp Mũi Dừa, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Sau đó, mảnh đất nơi các anh nằm bị địch chà đi xát lại, đến dòng tên trên mộ các anh cũng không còn...
Mấy chục năm gia đình mong đợi, dày công tìm kiếm nhưng vẫn chưa có kết quả, giữa lúc tưởng như vô vọng thì được anh Quyết, anh Đạt (CCB ở Thái Nguyên, Hải Dương) tìm được, chỉ giúp. Các anh còn vào tận đơn vị cũ phô-tô danh sách thân nhân, quê quán của từng liệt sĩ giúp các gia đình. Nhận được thông tin, tháng 9 năm 2011, 8 gia đình (trong đó có gia đình liệt sĩ Võ Nguyên Trọng) đã thuê xe vào thẳng Đồi Bãi Ớt. Vất vả lắm mới tìm được 8 ngôi mộ trên Đồi Bãi Ớt, nhưng các gia đình rất buồn vì không thể xác định được mộ của từng liệt sĩ.
Được Đội Quy tập K92 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự và Sở Lao động - TBXH tỉnh Kiên Giang giúp đỡ, 8 gia đình đã mượn được mẫu hài cốt của 8 liệt sĩ đưa về giám định AND. Mặc dù trên đường từ Kiên Giang ra Bắc, các gia đình mới có điện thoại liên hệ… nhưng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ kinh phí, cùng với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương giám định.
Sau hơn một tháng nóng lòng chờ đợi, ngày 02 tháng 11 năm 2011, 8 liệt sĩ yên nghỉ trên đồi Bãi Ớt (Kiên Giang) đã được trả lại tên trong niềm xúc động đến không cầm được nước mắt… Và hôm nay, ngày 30/12/2011 liệt sỹ Võ Nguyên Trọng là liệt sĩ thứ tám đã được đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
✯✯✯
Đăng lại bài viết của Phạm Văn Phủng (đã đăng tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam : ngày 01 tháng hai năm 2012). (Báo liếp K5 giới thiệu ngày 13 tháng hai năm 2012).)
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>