Truyện dài: Diễn (1) - Đào Duy

Diễn (1)

_ Đào Duy _
 
Quán Café mà Diễn hẹn gặp tôi nằm dưới chân “đồi Palace”. Ngồi trong quán nhìn qua con đường là hồ Xuân Hương, chạy dọc bờ hồ là hàng anh đào khẳng khiu đang mùa thay lá. Mất một lúc tôi mới nhận ra người trước mặt mình.
- Ngoài đường không hẹn trước thì chú, cháu chả tài nào nhận được ra nhau.
- Chú già đi, tóc bạc nhiều... - Diễn ngập ngừng.
- Ừ!… Gần ba chục năm rồi còn gì.
Hai chú cháu ngồi im lặng. Sự lặng im như tiếng chuông gõ vào quá khứ đã xa của hai chú cháu…

... Diễn là con người anh ruột chị dâu tôi. Quãng đầu những năm 1980, Diễn cùng với hai người cháu họ ngoài quê khăn gói vào Sài Gòn nhờ ông già tôi xin việc.

“Sài Gòn thiếu gì việc, vào nhờ ông xin cho. Ở quê ít học, lười làm, ham chơi như lũ chúng mày có mà đi nhặt cứt”. Bố mẹ chúng cháu nói thế rồi bảo vào Sài Gòn cậy nhờ ông.

Lếch thếch bước chân vào Sài Gòn, sau bữa cơm chiều chuyện trò, thăm hỏi họ hàng làng xóm là tới màn ông già tôi chửi ba đứa cháu:

- Mẹ tiên sư chúng mày, kéo cả lũ vào một lúc chả báo cáo, báo cầy. Ai lại quần áo thì nhất bộ, túi thì không một xu, đến cái xi lip rách cũng không có, vào bỏ bom, bắt ép ông chả khác nào ngày xưa chiến tranh cấp trên ép ông thúc lính ra trận, trong khi quân lính thì thiếu, ốm đau bệnh tật… Cho đi bộ đội tuốt, chờ có đợt tao sẽ gửi đi rèn. Đứa nào chịu được thì ở, đứa nào thối chí thì về.

Ba đứa cháu tá túc nhà tôi. Ba thanh niên tuổi ăn tuổi ngủ, chỉ vài ngày vèo chục ký gạo. Cũng may thỉnh thoảng ông già đi công tác miền Tây, nhờ xe biển đỏ nên kết hợp được tí gạo về ăn thêm; chứ trông chờ vào tem phiếu thì nhe răng.

Ngày ấy cả nước đói, gia đình tôi phải nghĩ ra bao nhiêu cách để tìm cái bỏ thêm vào mồm cải thiện cuộc sống. Đầu tiên là làm chuồng để nuôi heo. Sẵn mấy đứa cháu, ông già tôi “khoán”. Ba thanh niên phân công nhau một rửa gạch, một đãi cát, một xây. Chả biết có phải để rèn luỵện hay không mà ông già bắt: “Gạch phải dùng bàn chải kỳ cọ rửa cho thật bóng từng viên. Cát cho vào rổ đãi từng mẻ như đãi “gạo mậu dịch” rồi mới được trộn xi măng… ”. Chuồng xây xong, tường 20 chắc như Thành nhà Hồ.

Tiếp công trình chuồng heo là tới công trình làm “cầu tõm” để nuôi cá. Sẵn vườn rộng lại có cả ao, ba thanh niên quen việc nhà nông vèo một cái, ao được vét, bờ đắp phẳng phiu. “Cầu tõm” như thủy tạ xinh xắn, dựng giữa ao.




Nhà nổi                             - sơn mài    FLựcNhà nổi - sơn mài FLực
Sau khi công trình hoàn thành ông già tuyên bố:
- Trừ đàn bà con gái, từ nay cấm tiệt không đứa nào được ỉa trong nhà, đái thì ra ngoài vườn, iả thì ra “cầu tõm”; đỡ tốn nước, một công đôi việc; đầu vào đầu ra không mất đi đâu, lại có cá ăn; nếu khéo còn có cả cá bán.

Cá nuôi, rặt một giống cá tra háu ăn, chóng lớn. Nhà tôi gần sông SG, mỗi kỳ đầu tháng con nước lớn, nhất là vào cuối năm nước dâng gần sát mặt “cầu”. Cánh đàn ông mỗi lần ngồi “cầu” trong những dịp như thế phải biết mẹo. “Bom” vừa rời khỏi đít là đồng bộ phải nhổm người lên ngay, một để tránh nước bắn lên đít, hai là tránh trường hợp cá tưởng nhầm “bộ tư lệnh” là “bom” lao lên đớp. (Nghe đồn dưới miền Tây đã có trường hợp đi “cầu” bị cá tra đớp mất dái nên tôi cẩn thận dặn mấy đứa cháu. Nghe chú dặn mỗi lần “có việc” một tay cầm giấy, một tay Diễn cẩn thận thò xuống dưới che.

“Thủy tạ” trống huơ trống hoác, tấm ván phía trước chỉ che tới rốn, mặt mũi lồ lộ giữa bàn dân thiên hạ, mót mấy thì mót Diễn phải dịn chờ đêm đến, sau này mới dần dần quen đi. Ngày ấy khổ thật, đến giấy chùi đít cũng hiếm, toàn phải sử dụng các loại phế liệu, được giấy báo đã là sang lắm. Có hôm bí quá phải dùng cả giấy xi măng, chùi đến toạc cả đít. Một buổi trưa, thằng cu Tuấn con bà chị dâu tôi từ “cầu cá” về, buồi dái lồng lộng, quần đùi vắt cổ, vừa đi vừa khóc vống lên y hệt con dâu nghe tin mẹ chồng chết. “Hu… hu… hu… chỉ có anh Diễn, chỉ có anh Diễn xé giấy khen của em chùi đít… Hu …hu…hu…”, vừa đi hai tay cu Tuấn vừa chắp những mảnh giấy khen bị xé vứt ở thùng rác ngoài “cầu cá”.

- Cháu bị oan! - Diễn giờ mới phân bua - Cuối cùng thủ phạm là thằng cu Hải chứ không phải cháu.

... Sau “thủy tạ” lại tới công trình làm chuồng nuôi chim cút. Chuồng đóng xong là đi bắt chim giống về nuôi. Nào cám, nào nước, nào phun thuốc phòng bệnh. Nghe người ta mách bà già bắt thằng em xuống tận Nhật Tảo mua thuốc kích thích về trộn cho cút ăn. Cút đẻ trứng to trông thấy; có con ngày đẻ hai bận trứng; to thì to thật nhưng không tròn mà vẹo vọ, lồi lõm như ung thư. Có con lăn ra chết. Ông già bắt mổ khám nghiệm “tử thi”. Thì ra cút chết là do trứng to quá đẻ không được.

Sợ nhất là làm vệ sinh chuồng trại, Diễn rụt đầu: “Mỗi lần dọn chuồng là mỗi lần cháu nôn thốc nôn tháo, mùi phân cút tanh như cứt thằng kiết lị…”.

Xem tiếp:
  1. Truyện dài: Diễn (2) - 21/01/2012, Blog K6.
  2. Truyện dài: Diễn (3) - 22/01/2012, Blog K6.
  3. Truyện dài: Diễn (4) - 23/01/2012, Blog K6.
  4. Truyện dài: Diễn (5) - Hết - 24/01/2012, Blog K6.

 ❧ ❀ ❧ 

Đăng lại bài viết của Đào Duy (đã đăng tại Báo liếp K5: Thứ sáu, ngày 20 tháng một năm 2012).