Chuyện chia ly của đàn ông - HaMeoK6


CHUYỆN CHIA LY CỦA ĐÀN ÔNG


Tôi có thằng bạn, trước là HSMN. Nó tốt nghiệp Đại học vào hạng “ưu”, về Nam đúng thời kỳ mới giải phóng. Tuổi trẻ, có trình độ, con nhà nòi, hăng hái làm việc, chẳng mấy chốc nó được kết nạp vô Đảng rồi trở thành Trưởng phòng. Cái ghế phó Giám Đốc Xí nghiệp cũng đang trong tầm tay, chỉ cần đợi thời gian ngắn khi ông Giám Đốc già về hưu là tới lượt nó được đôn lên. Tương lai sáng lạng. Các em nhân viên trong Xí nghệp “kéo” theo nó từng đàn, suốt ngày líu la líu lô, trông thật thích mắt. Các em nhiều tới nỗi nó phải kêu mấy thằng bạn cùng học tới “phân chia” bớt. Nhưng cho dù gì thì nó vẫn là “mục tiêu số 1” của các em tranh giành đủ kiểu.

Rồi kết cục cũng phải tới. Nó “dính” 1 em dễ thương nhất. Kẹt một nỗi, gia đình em vốn là Tổng Đại lý 1 hãng nước ngoài có tên tuổi của Sài gòn trước kia, nhưng “may” mà đã phá sản nên sau giải phóng không bị quy là “Tư sản mại bản”. Đã thế, gia đình em lại đang đợi xuất cảnh do đã được bảo lãnh, mà thằng “con rể tương lai” thì lại không đủ tiêu chuẩn vì cái “dớp Cộng sản”. Còn bên này thì ông già nó không chịu “tô đen” cái lý lịch mà ổng đã tạo nên mấy chục năm trường cho anh em nhà nó. Hai đứa vận động, thuyết phục, gây áp lực đủ cả nhưng vẫn không đi đến đâu. Rồi “tình yêu” đã thắng. Em gái khẳng định rõ ràng sẽ không xuất cảnh cùng gia đình mà quyết ở lại VN để kết duyên vợ chồng với tay “Cộng sản” nòi nay. Nhận thấy sự tiến bộ muốn “cải tạo thành phần” của “con dâu tương lai”, ông già nó cuối cùng đã chấp nhận. Còn phía bên kia thấy cũng khó mà lo tương lai cho con gái ở bển tốt hơn thằng này. Thôi thì OK.

Hai đứa cưới nhau sống hạnh phúc, sinh ra 2 đứa con kháu khỉnh, dễ thương trong sự đùm bọc của ông bà nội và “tiếp tế” của ông bà ngoại trong suốt thời kỳ “bao cấp ăn bo bo”. Nhưng sau 10 năm, đến 1 ngày, vợ nó bất ngờ nổi lên “tình thương” với gia đình, cương quyết ra đi để “đoàn tụ”. Với cái gốc nhà nòi “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, với việc làm, sự nghiệp ổn định (lúc này nó đã là phó Giám Đốc Liên hiệp Xí nghiệp), nó không chịu ra đi dù gia đình vợ đã sẵn sàng “trải chiếu đỏ”. Vậy là vợ chồng đành chia tay. 2 đứa con được vợ nó đem sang bển cho có điều kiện sinh hoạt học tập tốt hơn. Nghe thấy hợp lý, nó đành đồng ý (mà nếu không thì nó cũng khó mà chăm sóc 2 đứa khi không có vợ trong cái thời kỳ bao cấp vậy).

Sau này, khi “mở cửa”, nó cũng đã từng qua bển thăm con và gia đình vợ. Cuộc sống không đến nỗi khó khăn, nhưng nó không thể ở lại được. “Tao cũng đi nhiều nước rồi, đâu có lạ gì. Chơi dăm ba bữa thì được, chớ sống luôn thì…. Tao chết vì không có bạn. Tao về!” Nó từng tâm sự với tôi như vậy. Nó cương quyết không qua nữa. Rồi thời gian trôi đi, vợ nó đi bước nữa với 1 thằng Tây, nghe nói là cũng rất tử tế với 2 đứa nhỏ. Còn nó ở bên này vẫn “ở vậy” một mình (tuy thỉnh thoảng cũng “cặp” bồ ngắn hạn với mấy em già cho đỡ cô quạnh). Thôi thì vẫn còn hơn.

Song cuộc đời đâu có đơn giản. Một ngày kia, nó ghé tôi và nói: Con vợ tao điện về nói 2 đứa nhỏ đi học sẽ có bảo trợ của chính phủ với rất nhiều ưu đãi… - Thì tốt chớ sao. – Nhưng để có các bảo trợ, bảo hiểm… thì tụi nó phải được nhận là con Tây, vì con vợ cũ của tao chưa “nhập tịch” được. – Thì sao? – Tụi nó sẽ mang họ thằng chồng Tây. Thằng đó đồng ý rồi. - …? – Và tao phải đến Tổng lãnh sự ở đây ký đơn từ con thì thủ tục mới xong được. Theo mày thì sao?

Ôi, chuyện đến lúc này thì tôi cũng chẳng biết phải nói thế nào. Chúng nó có biết mày là ba không? – Có, tao vẫn nói chuyện với tụi nó mỗi khi vợ tao điện về. Tình cảm lắm. - Thôi thì…”vì tương lai con em”, nó đành “nhắm mắt xuôi tay” ký vào cái đơn “tuyên bố” giao con cho vợ hoàn toàn quyết định. Mất con! Thật không còn gì đau buồn hơn.

Nhưng có lẽ “trời còn có mắt”. Mới rồi, tụi con nó (nay đã lớn) dắt díu nhau về nước thăm ba với “tình phụ tử”. Chỉ tiếc rằng con chị nói tiếng Việt hơi ngọng nghịu, còn thằng em thì phải có phiên dịch mới thổ lộ hết tình cảm được với “ông già tía”. Thật đáng buồn. Từ đó nó không muốn gặp ai nữa. Mọi chuyện khác chỉ còn là “phù phiếm”, kể cả cái ghế Giám Đốc mà nó đã từ bỏ không hề luyến tiếc sau khi ký cái đơn đó. Niềm vui của nó bây giờ là … chai rượu! Nó đến tôi chỉ đứng ngoài cổng gọi đi nhậu. Tôi hiểu thằng bạn mình không muốn nhìn thấy cảnh gia đình xum họp, nhất là gia đình tôi, nó quen biết từ khi tụi tôi còn chưa cưới nhau.

Vậy đó, chuyện chia ly đối với đàn ông là như vậy!