TRÀ DƯ TỬU HẬU 13
Thứ Bảy, tháng 7 02, 2016Chuyện 15: THỰC THỂ
Đầu buổi nhậu,ông A đã vào vấn đề như đã nung nấu trong lòng:
-Khái niệm "thực thể", thoạt nghe, tưởng chừng ai cũng hiểu, nhưng thực ra nếu nghĩ kỹ thì rất không "tỏ tường". Trên Wiktionary định nghĩa: thực thể là "Cái có sự tồn tại độc lập", và đưa ra ví dụ: "Con người là một thực thể xã hội". Muốn hiểu định nghĩa đó, thì trước hết phải hiểu "tồn tại"là gì. Nghĩa là trước sau gì, triết học cũng phải thấu đáo khái niệm "tồn tại".Vậy, tồn tại là gì? Anh C có biết không?
Sau hai phút lục tìm trong laptop, ông C mới trả lời:
-Theo Wiktionary thì khi là danh từ, tồn tại có nghĩa là "Thế giới bên ngoài có được một cách khách quan, độc lập với ý thức của con người", và khi là động từ, thì tồn tại có nghĩa là "Ở trạng thái có thật, con người có thể nhận biết bằng giác quan, không phải do tưởng tượng ra" và còn có nghĩa là "Còn lại, chưa mất đi, chưa được giải quyết"...
-Nói cho ngay, "tồn tại" chỉ đơn giản là "có". Đúng không nào? Vậy, "có" là gì? -Nãy giờ ngồi nghe, bây giờ ông B mới lên tiếng.
Ông C tìm kiếm trên laptop hồi lâu, rồi ngẩng đầu lên thông báo:
-Không tìm thấy trên "mạng". Thôi anh A thử giải thích xem!
-Có chứ anh! Đây này, ở trang "từ điển tiếng Việt"...-Tôi cãi.
-Có cũng như không. Ở đó giải thích "có" là "tồn tại". Xét ra, lẩn quẩn. -Ông C cãi lại.
-Theo tôi, có lẽ "có" là từ thốt ra miệng đầu tiên của ngôn ngữ loài người nhằm chỉ một vật nào đó, một hiện tượng nào đó xuất hiện, hiện diện trong tầm mắt. Về sau nó được mở rộng và hiểu như "tồn tại". "Tồn tại" là sự thể hiện, là "có" dù con người có thể không quan sát thấy hoặc không cảm giác được. Ví dụ: không gian là tồn tại, tiếng chó sủa cũng là tồn tại (nói chính xác hơn là thể hiện của Tồn Tại)...Nói chung, theo quan niệm của triết học duy tồn thì thế giới này không gì ngoài Tồn Tại (tồn tại tuyệt đối). Nói như thế có nghĩa là không thể có Hư Vô (hư vô tuyệt đối). Vì rõ ràng Hư Vô là "không có". Sao biết "không có"? Vì " không có" đã thể hiện, nghĩa là phải "có" cái "không có". Nên rốt cuộc là phải "có", "có" nghĩa là Tồn Tại! Nếu loại trừ hết các thiên thể, vạn vật-hiện tượng đi, thì cái còn lại là không gian vũ trụ, một Tồn Tại. Có mấy phương thức Tồn Tại? Vì sự thể hiện là duy nhất nên chỉ có duy nhất một phương thức Tồn Tại, một kiểu, một cách thức Tồn Tại. Suy ra các thiên thể, vạn vật- hiện tượng trong vũ trụ chỉ là những dạng khác nhau của Tồn Tại, còn gọi là tồn tại (tương đối).Nói đến hiện thực thì phải nói đến quan sát. Một "tồn tại" có thể không "hiện hữu", nhưng một "hiện hữu" thì nhất thiết phải tồn tại. Một tồn tại mất đi thì Tồn Tại vẫn còn đó và sẽ xuất hiện một tồn tại khác, nghĩa là vẫn không thể có Hư Vô mà có thể chỉ có hư vô (tương đối). Thế còn "thực tại"? Cũng là "tồn tại", nhưng nghĩa có lẽ hẹp hơn, nhằm chỉ cái có thực, "đang tồn tại", "hiện tồn", giống như "hiện thực khách quan" nhưng bao hàm hơn, khác với "tồn tại ảo" (ví dụ: hiện thực khách quan của quá khứ là một "tồn tại ảo", "đã từng" là "thực tại").
-Vậy rốt cục, "thực thể" là gì, anh A? Nó có nghĩa như "thực tại" không? -Tôi vọt miệng.
-Tôi quan niệm thế này: nếu "thực tại" là tên gọi chung các sự vật-hiện tượng (đã từng hoặc đang) có trong vũ trụ (là "tồn tại" hợp thành và kết quả vận động, tương tác lẫn nhau của "tồn tại"), thì "thực thể" chính là "vật chất" hợp thành.
-Còn "vật chất"? -Đến lượt ông B thắc mắc.
Ông C dò rất nhanh trên laptop:
-Đây rồi, theo Wikipedia định nghĩa thì: "Vật chất cùng với không gian và thời gian là những vấn đề cơ bản mà tôn giáo, triết học và vật lý học nghiên cứu. Vật lý học và các ngành khoa học tự nhiên nghiên cứu cấu tạo cũng như những thuộc tính cụ thể của các dạng thực thể vật chất khác nhau trong thế giới tự nhiên. Các thực thể vật chất có thể ở dạng trường (cấu tạo bởi các hạt trường, thường không có khối lượng nghỉ, nhưng vẫn có khối lượng toàn phần), hoặc dạng chất (cấu tạo bởi các hạt chất, thường có khối lượng nghỉ) và chúng đều chiếm không gian". Ở đoạn khác (nó) viết: "Khuynh hướng chung của các nhà triết học duy vật thời cổ đại là đi tìm một thực thể ban đầu nào đó và coi nó là yếu tố tạo ra tất cả các sự vật, hiện tượng khác nhau của thế giới, tất cả đều bắt nguồn từ đó và cuối cùng đều tan biến trong đó. Tức là họ muốn tìm một thực thể chung, là cơ sở bất biến của toàn bộ tồn tại, là cái được bảo toàn trong sự vật dù trạng thái và thuộc tính của sự vật có biến đổi và được gọi là vật chất (tiếng Latin là materia). Trong lịch sử triết học cổ đại, các nhà triết học duy vật cũng quan niệm vật chất rất khác nhau. Ví dụ Thales (624-547 trước Công nguyên) coi vật chất là nước, Anaximenes (585-524 trước Công nguyên) coi vật chất là không khí, Heraclitus (540-480 trước Công nguyên) coi vật chất là lửa, Democritus (460-370 trước Công nguyên) coi vật chất là các nguyên tử,...
Nói chung các nhà triết học cổ đại quan niệm vật chất dưới dạng cảm tính và quy vật chất thành một thực thể cụ thể, cố định. Mặc dù có những hạn chế về mặt lịch sử, song những quan niệm trên lại có ý nghĩa tích cực trong việc đấu tranh chống lại quan niệm duy tâm thời bấy giờ.
Đến thời kỳ cận đại, khoa học phát hiện ra sự tồn tại của nguyên tử, cho nên quan niệm của thuyết nguyên tử về cấu tạo của vật chất ngày càng được khẳng định. Quan niệm này tồn tại và được các nhà triết học duy vật cũng như các nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng sử dụng cho đến tận cuối thế kỷ 19.
Trong giai đoạn thế kỷ 17 - thế kỷ 18, mặc dù đã có những bước phát triển, đã xuất hiện những tư tưởng biện chứng nhất định trong quan niệm về vật chất, song quan niệm đó ở các nhà triết học duy vật thời kỳ này về cơ bản vẫn mang tính chất cơ giới, đó là khuynh hướng đồng nhất vật chất với nguyên tử hoặc với khối lượng. Quan niệm này chịu ảnh hưởng khá mạnh bởi cơ học cổ điển của Newton, một lĩnh vực của vật lý được coi là phát triển hoàn thiện nhất thời bấy giờ.
Cơ học cổ điển coi khối lượng của vật thể là đặc trưng cơ bản và bất biến của vật chất; thế giới bao gồm những vật thể lớn nhỏ khác nhau, cái nhỏ nhất không thể phân chia nhỏ hơn là các nguyên tử; đặc trưng cơ bản của mọi vật thể là khối lượng; tính tất yếu khách quan trong hiện thực là tính tất yếu khách quan được thể hiện qua các định luật cơ học của Newton; vật chất, vận động, không gian và thời gian là những thực thể khác nhau cùng tồn tại chứ không có quan hệ ràng buộc nội tại với nhau.
Karl Marx và Friedrich Engels đã kế thừa những giá trị tích cực đồng thời vạch ra những hạn chế trong quan niệm về vật chất của các nhà duy vật trước đó, đã tổng kết những thành tựu của khoa học tự nhiên, khái quát và hình thành nên một quan niệm khoa học về phạm trù vật chất. Các ông nêu lên sự đối lập giữa vật chất với ý thức, về tính thống nhất vật chất của thế giới, về tính khái quát của phạm trù vật chất và sự tồn tại của vật chất dưới các dạng cụ thể...
Theo Ăng-ghen thì: Cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính. Khác với các đối tượng vật chất cụ thể. "Những từ như vật chất và vận động chỉ là sự tóm tắt trong đó chúng ta tập hợp theo những thuộc tính của chúng, rất nhiều sự vật khác nhau có thể cảm biết được bằng giác quan". Engels nhấn mạnh rằng cần phân biệt các dạng tồn tại khách quan của vật chất và khái niệm về vật chất. Vật chất với tư cách là một phạm trù triết học không có tồn tại cảm tính.
Marx và Engels phê phán quan điểm đem quy vật chất về nguyên tử về những hạt nhỏ đồng nhất hoàn toàn giống nhau về "chất" và chỉ khác nhau về "lượng", đó là những quan niệm mang tính siêu hình và cơ giới. Qua đó các ông nêu lên tính vô hạn và vô tận, tính không thể sáng tạo và không thể tiêu diệt được của vật chất cũng như các hình thức tồn tại của nó tức là vận động, không gian và thời gian... Trong đó Ph.Ăng-ghen đặc biệt nhấn mạnh phê phán quan điểm đem quy vật chất về nguyên tử, về những hạt nhỏ đồng nhất hoàn toàn giống nhau về chất, chỉ khác nhau về lượng, ông coi đó là siêu hình, mang tính cơ giới, qua đó ông nêu lên tính vô hạn và vô tận, tính không thể sáng tạo và không thể tiêu diệt được của vật chất và các hình thức tồn tại của nó là không gian và thời gian.
Ở đây cần phân biệt quan niệm vật chất với tư cách là một phạm trù triết học với quan niệm của vật lý học và các khoa học khác về vật chất. Điều này giúp chúng ta nhận thức và hiểu đúng vật chất dưới dạng xã hội, ví dụ trong lịch sử xã hội loài người thì quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là có tính vật chất mặc dù nó không được cấu tạo nên từ bất kỳ một nguyên tử hay phân tử vật chất nào.
Phạm trù vật chất xuất hiện ngay từ khi triết học mới ra đời trong thời kỳ cổ đại, dưới chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên nội dung của phạm trù này không phải là bất biến mà luôn luôn biến đổi và phát triển.
“ | "vật chất là phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác, được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác". | ” |
— Lê Nin"
|
-Phải chăng triết học Mác-lênin vẫn chưa quan niệm thỏa đáng về "vật chất"? -Tôi nêu ý kiến.
Ông A nói tiếp:
-Đúng vậy! Hơn nữa, khái niệm "vật chất" của Mác-Ăngghen mâu thuẫn với khái niệm "vật chất" của Lênin, một đàng có cảm tính, đàng thì không. Tuy nhiên chúng rất gần với quan niệm "tồn tại" (nhưng chưa phải là quan niệm ấy) của triết học duy tồn. Theo quan niệm của triết học duy tồn, Thế giới này chỉ duy nhất Tồn Tại và Tồn Tại mà thôi, không có gì ngoài Tồn Tại. Do đó, "vật chất" cũng phải có gốc xuất phát từ Tồn Tại! Mà Tồn Tại chính là không gian, nên "vật chất" cũng phải có nguồn gốc từ không gian. Cũng theo mường tượng của triết học duy tồn thì đường về phía vô cùng nhỏ của không gian phải có giới hạn, nghĩa là không gian là một khối hữu hạn (nhưng vô biên!) vĩ đại được "lấp đầy", được hợp thành từ vô vàn những đơn vị có lượng thể tích nhỏ tuyệt đối gọi là "điểm không gian" hay "hạt không gian". Vì Tồn Tại là phải thể hiện và phân biệt được với chính nó, nên hạt không gian phải vận động và biến đổi không ngừng trong một khoảng thời gian nhỏ nhất tuyệt đối (vì thời gian là độ đo lâu mau, nhanh chậm của vận động, là một tồn tại ảo, có tính qui ước!). Vì không gian là hữu hạn, nên có sự "xáo trộn" trong vận động nội tại hạt không gian, tạo ra 2/5 (40%) số lượng hạt không gian có nội tại đạt trạng thái kích thích tột độ và tương phản nhau gọi là "âm" và "dương". Chúng kết hợp với nhau và chính là những thực thể vật chất đầu tiên, sơ khai, nguyên thủy, nền tảng, hợp thành đa dạng vạn vật trong vũ trụ tương tự như tế bào của sự sống vậy. Như thế "vật chất", bộ phận của Tồn Tại, là tồn tại, hay còn có thể hiểu là một phần của không gian. Tóm lại, thế giới này vốn dĩ Tồn Tại, rồi có tồn tại (vật chất), từ đó có mọi thực thể, và thế là vũ trụ hình thành, hay nói cách khác: lúc đầu là không gian, rổi đến vật chất, từ đó mà có đa dạng các thực thể (vạn vật-hiện tượng), tất cả chúng hợp thành vũ trụ...
Ông B giơ tay có ý "xin ý kiến" rồi nói:
-Anh A quan niệm về vũ trụ như thế cũng có lý, nhưng còn thiếu sự hiện diện của các "trường" (trường tĩnh điện, từ, điện từ , hấp dẫn) nữa. Vậy, theo anh A, "trường" là gì?
-"Trường" có phải là thực thể không? -Tôi hỏi bổ sung.
Như thuộc lòng, không nghĩ ngợi gì, ông A đáp luôn:
-Theo quan niệm của vật lý học ngày nay, "trường" là một dạng đặc biệt của vật chất, nhưng không có tính thực thể. Nó cũng hàm chứa năng lượng và...chỉ có thế! Nói chung nó là gì thì vẫn còn rất bí ẩn, chưa rõ ràng. Theo tôi nghĩ, vật lý học (và cả triết học nữa) cần phải quan niệm lại nhiều điều, thậm chí là phải quan niệm lại từ đầu tất cả các khái niệm của mình về những vấn đề cơ bản như "tồn tại", "thực tại", "thực thể", "vật chất"..., để làm mới lại mình! Nếu Tốn Tại là cái "có" thể hiện ra dưới hai dạng "có hình thù" và "phi hình thù", thì vật chất cũng là cái "có" thể hiện ra dưới hai dạng ấy (thí dụ: ánh sáng). Nếu đặc trưng chung nhất, cơ bản nhất của Tồn Tại là hàm chứa năng lượng (h.v, ẩn chứa khối lượng) thì đặc trưng chung nhất, cơ bản nhất của "vật chất" là hàm chứa rõ ràng khối lượng (m). Có thể cho rằng không gian là khối h.v (lượng tử) vĩ đại, vô biên nhưng không vô hạn. Vì có vật chất mới có thực thể nên phải cho rằng thực thể là vật chất "có hình thù". Theo nhận định ngày nay thì trường là dạng vật chất "phi hình thù" nên trường không phải là thực thể. Vả lại, vì không thể hiện rõ ràng khối lượng nên trường cũng không phải là vật chất. Vậy nó là gì? Có thể nói rằng, trường (chỉ) là hiện tượng, là kết quả của tương tác vật chất, thậm chí, theo khẳng định của triết học duy tồn, (các) trường như ngày nay ngộ nhận, là không tồn tại, màchỉ tồn tại những "hiệu ứng" và chỉ tồn tại một trường duy nhất, đó là trường không gian. Cuối cùng chúng ta có thể định nghĩa: thực thể là một khoảng thể tích cực tiểu (khoảng không gian), được xác định trong vũ trụ, là thực thể nhỏ nhất chứa vật chất với tổng khối lượng là m và năng lượng toàn phần là mc². Từ thực thể đó mà có các thực thể khác. Thí dụ nguyên tử, các hành tinh, các thiên hà đều là các thực thể..., đều có năng lượng toàn phần là n.mc² (với n là số tự nhiên).
-Không thể tin được trường lại không tồn tại. Một sự thật rõ rành rành là nếu không tồn tại trường thí làm sao có ĐTDĐ được? Tôi không tin. Nói như anh A, trình độ triết-khoa của loài người ngày nay hình như mới bước qua giai đoạn sơ khai ấy! -Ông C cười, bày tỏ ý kiến.
Ông B tiếp nối:
-Nói theo kiểu "trà dư tửu hậu", thì như thế cũng "vui" đấy chứ!? Theo tôi thì anh A nói dù sao vẫn có lý. Biết đâu, anh A là người đầu tiên khơi gợi ra một cuộc cách mạng mới về nhận thức?
-Ừ! Tôi cũng thấy khó tin thật đấy! Thực chứng đã chỉ ra rằng, không thể không tồn tại trường. Nhưng sự tồn tại của trường lại làm xuất hiện nhiều điều phi lý hơn. Chẳng hạn vấn đề hàm chứa khối lượng.Trường có hàm chứa khối lượng không?Nếu có thì phải xác định được chứ? Đã xác định được khối lượng thì là thực thể mất rồi! Rất khó hình dung vật chất lại không có khối lượng, trường hàm chứa năng lượng như thế lại không có khối lượng! Không thể tưởng tượng được xung quanh một thực thể, dù lớn bé thế nào, lại duy trì một trường (chẳng hạn là trường hấp dẫn) có một năng lượng trải ra vô tận! -Ông A lập luận.
Tôi ngồi nghe, vẫn "điếc con ráy", không hiểu gì mấy, nhưng cũng cảm thấy ông A nói hay. Bất chợt tôi ngẩng lên trời. Bầu trời đêm nay đầy sao, lấp lánh. Hình như nó đang mỉm cười! Và trong sâu thẳm tiềm thức, tôi thấy như có Nàng Thơ bay vụt qua!
0 comments:
Hãy viết bằng tiếng Việt có dấu trực tuyến:
Easy VN - Chương trình tự động thêm dấu tiếng Việt
VIETUNI - Tại Viet1Net (Nên chọn Kiểu Loạn)
- Chèn link bằng thẻ: <a href="URL liên kết" rel="nofollow">Tên link</a>
- Tạo chữ <b>đậm</b> và <i>Ngiêng</i>