TRÀ DƯ TỬU HẬU 10/c







Chuyện 12: NHÀ NƯỚC, GIAI CẤP, ĐẤU TRANH GIAI CẤP, CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN

Cả ngày tôi chỉ mong đến giờ nhậu để được nghe ông A nói tiếp câu chuyện. Hình như ông C cũng vậy, nên khi mọi người vừa đông đủ, vợ ông A đang bày bàn nhậu chưa xong, đã trưng laptop ra:
-Đây, mời quí vị xem "Học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin":
"Học thuyết về Nhà nước của Chủ nghĩa Mác-Lênin hay còn gọi là Lý luận về Nhà nước và Pháp luật của Chủ nghĩa Mác- Lê nin là hệ thống những kiến thức của chủ nghĩa Mác-Lênin về những quy luật phát sinh, phát triển đặc thù, những đặc tính chung và biểu hiện quan trọng nhất của nhà nước nói chung và nhà nước Xã hội chủ nghĩa nói riêng". "Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin thì nhà nước thực chất là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện chức năng quản lý đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ địa vị của giai cấp thống trị trong xã hội". " Sự hợp thành quần cư xã hội là một nhu cầu tự nhiên của con người. đã chỉ ra rằng nhà nước chỉ ra đời ở một giai đoạn lịch sử nhất định của xã hội trên cơ sở xuất hiện chế độ tư hữu và gắn liền với nó là sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng, ông cũng luận chứng về tính chất giai cấp và tính lịch sử của nhà nước, làm sáng tỏ chứa năng gia cấp cơ bản của nhà nước". "Lịch sử cho thấy không phải khi nào xã hội cũng có nhà nước. Trong xã hội nguyên thuỷ, do kinh tế còn thấp kém, chưa có sự phân hóa giai cấp, cho nên chưa có nhà nước. Đứng đầu các thị tộcbộ lạc là các tộc trưởng (hay tộc chủ) do những người dân ở đó bầu ra, quyền lực của những người đứng đầu thuộc về uy tín và đạo đức, việc điều chỉnh các quan hệ xã hội được thực hiện bằng những quy tắc chung, những tập quán trong cộng đồng. Trong tay họ không có và không cần một công cụ cưỡng bức đặc biệt nào". "Ph.Ăng-ghen đã mô tả sự ra đời của nhà nước trên cơ sở sự tan rã của chế độ thị tộc". "...lực lượng sản xuất phát triển dẫn đến năng suất lao động tăng, của cải làm ra ngày càng nhiều, và dẫn đến có của cải dư thừa kèm theo đó là sự tích trữ, đồng thời xuất hiện một bộ phận chiến đoạt của cải dư thừa đó (do nắm quyền quản lý, cai quản) hoặc giàu lên nhờ tích trữ, đầu cơ từ đây đã có sự phân hóa giàu nghèo, giữa người có của và người không có của, sự phân hóa giàu nghèo này dẫn đến hiện tượng phân tầng xã hội, phân chia thành các tầng lớp khác nhau từ đó dẫn đến phân chia giai cấp đồng thời và kéo theo xuất hiện mâu thuẫn giai cấp và điều không tránh khỏi là đấu tranh giai cấp, lúc này nhà nước đã có tiền đề rõ ràng cho sự ra đời của mình". "Nguyên nhân trực tiếp của sự xuất hiện nhà nước là mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. V.I.Lênin nhận định: Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà, về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được, thì nhà nước xuất hiện. Và ngược lại: sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hoà được.  Nhà nước chỉ ra đời, tồn tại trong một giai đoạn nhất định của sự phát triển xã hội và sẽ mất đi khi những cơ sở tồn tại của nó không còn nữa". "Nhà nước đầu tiên trong lịch sử là nhà nước Chiếm hữu nô lệ, xuất hiện trong cuộc đấu tranh không điều hoà giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ. Tiếp đó là Nhà nước Phong kiến, Nhà nước Tư sản và sau cùng là Nhà nước Xã hội chủ nghĩa". "Theo chủ nghĩa Mác thì không có và không thể có nhà nước đứng trên các giai cấp hoặc nhà nước chung cho mọi giai cấp. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế thiết lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Giai cấp thống trị sử dụng bộ máy nhà nước để đàn áp, cưỡng bức các giai cấp khác trong khuôn khổ lợi ích của giai cấp thống trị. Đó là bản chất của nhà nước theo nguyên nghĩa, tức nhà nước của giai cấp bóc lột. Theo bản chất đó, nhà nước không thể là lực lượng điều hòa sự xung đột giai cấp, mà trái lại, nó càng làm cho mâu thuẫn giai cấp ngày càng gay gắt. Cũng theo bản chất đó, nhà nước là bộ máy quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng trong xã hội có giai cấp"

-Theo tôi, quan niệm của Mác cho rằng, nhà nước là sản phẩm của một xã hội tồn tại mâu thuẫn giai cấp, là sai lầm!  Trong thiên nhiên, lối sống theo bầy đàn, theo "tập thể" (bước đầu tiên của hợp quần xã hội) là lối sống ưu việt hơn hẳn lối sống riêng lẻ, cá thể để sống còn, cho nên sự hợp thành quần cư xã hội là một nhu cầu tự nhiên của con người. Nhưng một tập hợp người muốn hợp thành xã hội thì đương nhiên phải có mối liên kết, những mối liên hệ trong lao động-sản xuất-mưu sinh giữa các bộ phận nội tại. Tương tự như bộ não sinh vật, để duy trì các mối quan hệ ấy, làm cho các mối quan hệ ấy hoạt động một cách thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả cao (nghĩa là cố gắng tồn tại xã hội!), thì như một cơ thể hoàn chỉnh, xã hội phải có một trung tâm điều hành và mạng lưới thần kinh, Đó chính là nhà nước. Nhà nước thuở ban đầu rất sơ khai và "không theo ai" vì mục đích duy nhất của nó lúc bấy giờ là thống nhất hành động ở cá nhân từng con người thành hành động tập thể, hành động nhất quán của một khối người có năng lực mạnh mẽ hơn để lao động sản xuất, để chống thiên tai địch họa nhằm sống còn. Muốn điều hành trôi chảy phải có quyền lực và xã hội đã ủy quyền, cho phép  nhà nước thiết lập, cũng như sử dụng quyền lực. Chính sự phân tầng của xã hội đã lũng đoạn nhà nước, làm cho nó dần thiên vị tầng lớp có của, giàu có hơn, tạo thành lực lượng thống trị để chế ngự số bị trị còn lại. Vậy nguyên nhân hình thành nhà nước là do sự "cố gắng tồn tại" của xã hội thuần túy đòi hỏi chứ không phải do sự tồn tại của xã hội có giai cấp đòi hỏi, mặc dù dễ tưởng lầm như Ph.Ăng-ghen quan niệm. Nhà nước không phải của người giàu cũng không phải của người nghèo khi nó chưa bị lũng đoạn, mà là của mọi người, do đó, cần phân biệt khái niệm "nhân dân" nói chung với khái niệm "vô sản". Nếu nhà nước mang bản chất giai cấp như triết học Mác quan niệm, thì nhà nước Việt Nam hiện nay, nói một cách chính xác phải là nhà nước "của vô sản, do vô sản và vì vô sản" chứ chưa phải là nhà nước "của dân, do dân và vì dân"! Nhà nước vô sản là nhà nước đã bị tầng lớp vô sản lũng đoạn, lúc này tầng lớp vô sản đã thâu tóm quyền lực, trở thành giai cấp thống trị và chắc gì đã không bóc lột (tuy miệng "xoen xoét" là không bóc lột!)? Mô hình nhà nước đầu tiên có thể đã xuất hiện vào thời tư bản nguyên thủy ở Việt Nam (thời Hùng Vương) hay bên Trung Quốc (cuối thời Nghiêu Thuấn, đầu thời nhà Hạ,có lẽ là các pharaon giai đoạn đầu của thời Ai-cập cổ đại...), tạm gọi là "nhà nước liên minh các thị tộc", chứ không phải nhà nước chiếm hữu nô lệ! Vì sự "cố gắng tồn tại"của xã hội là nguyên nhân ra đời nhà nước nên một khi xã hội loài người còn tồn tại thì nhà nước còn tồn tại. Theo con đường tự nhiên, bên cạnh sự lớn mạnh của lực lượng sản suất như đã nói, còn phải có sự phát triển của tâm thức con người lên tầm tự giác, tầm giác ngộ cao độ, nhân tính con người chỉ còn mặt tốt, hầu như không còn mặt xấu nữa, nghĩa là con người như robot, không còn tình cảm, hay không còn thể hiện được những những sắc thái tình cảm tương phản nhau như yêu-ghét, sướng-khổ... nữa. Lúc đó, cũng theo mường tượng của Mác, do tác động của ba quy luật tự nhiên (tôi thì cho là do tác động của nguyên lý tương tự) mà sự phát triển của xã hội loài người theo đường xoắn trôn ốc, hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa rất giống hình thái KTXH cộng sản nguyên thủy (tôi cho rằng chúng chỉ giống nhau về hình thức, còn về bản chất thì khác nhau xa lắc!). Ở đây, theo triết học duy tồn thì trong thời đại cộng sản nguyên thủy, con người, vì đã khám phá ra cách sống định cư lâu dài nhờ trồng cây lương thực, nên có cuộc sống rất sung túc chứ không phải eo hẹp, đói khát như Ănghen nhận định. Đó là cách thứ nhất để xã hội loài người phát triển thành hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa. Bây giờ tôi nói sang cách thứ hai. Đây có thể cho là cách do Lênin khởi xướng. Đấu tranh chống áp bức bóc lột là hiện tượng có tính tất yếu của mọi thời trong xã hội loài người, chứ không riêng gì thời tư bản chủ nghĩa. Trong giai đoạn đầu phát triển xã hội tư bản, do nhiều yếu tố dẫn đến sự bóc lột thậm tệ con người, nhất là tại các nước "thuộc địa", đã làm dấy lên một phong trào đấu tranh rộng khắp của những người làm thuê ở các nước "chính quốc", rồi sau đó, noi gương các nước "chính quốc", là các nước "thuộc địa". Những cuộc đấu tranh ấy, lúc đầu tương tự như các cuộc đấu tranh trong xã hội phong kiến, sau khi giành được thắng lợi, phá tan xiềng xích bóc lột của chế độ quân chủ cũ, lại lập nên một chế độ quân chủ mới với hệ thống xiềng xích bóc lột mới (lúc đầu có thể có tiến bộ hơn!), lại lập nên chế độ (dân chủ) tư sản mới. Sống trong bối cảnh đó, tiếp thu những thành tựu triết học trước đó, cộng với tài năng thiên bẩm của mình, Mác đã đề ra học thuyết triết học duy vật biện chứng. Trong đó, lý luận về hình thái kinh tế- xã hội của C.Mác cho thấy sự biến đổi của các xã hội là quá trình lịch sử tự nhiên. Vận dụng lý luận đó vào phân tích xã hội tư bản, tìm ra các quy luật vận động của nó, C.Mác và Ph. Ăngghen đều cho rằng, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có tính chất lịch sử và xã hội tư bản tất yếu bị thay thế bằng xã hội mới- xã hội cộng sản chủ nghĩa. Học thuyết triết học duy vật biện chứng đã mau chóng đóng vai trò làm cơ sở lý luận, hơn nữa làm kim chỉ nam cho các cuộc đấu tranh.Trong kho tàng lý luận đó, C.Mác và Ph. Ănghghen cũng dự báo trên những nét lớn về những đặc trưng cơ bản của xã hội mới, đó là: có lực lượng sản xuất xã hội cao; chế độ sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất được xác lập, chế độ người bóc lột người bị thủ tiêu; sản xuất nhằm thỏa mãn nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, nền sản xuất được tiến hành theo một kế hoạch thống nhất trên phạm vi toàn xã hội, sự phân phối sản phẩm bình đẳng; sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và chân tay bị xóa bỏ...
Để xây dựng xã hội mới có những đặc trưng như trên cần phải qua hai giai đoạn: giai đoạn thấp hay giai đoạn đầu và giai đoạn sau hay giai đoạn cao. Sau này V.I.Lênin gọi giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội và giai đoạn sau là chủ nghĩa cộng sản. C.Mác gọi giai đoạn đầu xã hội chủ nghĩa là thời kỳ quá độ chính trị lên giai đoạn cao của xã hội cộng sản.Vận dụng học thuyết C.Mác vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước đây, V.I.Lênin đã phát triển lý luận về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ cải biến cách mạng sâu sắc, triệt để, toàn diện từ xã hội cũ thành xã hội mới: chủ nghĩa xã hội. Nó diễn ra từ khi giai cấp vô sản giành được chính quyền bắt tay vào xây dựng xã hội mới và kết thúc khi xây dựng thành công những cơ sở của chủ nghĩa xã hội cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, cơ sở kinh tế và kiến trúc thượng tầng. Như vậy,có thể thấy muốn xây dựng được hình thái KTXN cộng sản chủ nghĩa thì trước hết phải xây dựng được xã hội XHCN. Muốn xây dựng thành công CNXH, trước hết phải giành thắng lợi trong cách mạng vô sản (đấu tranh giai cấp thắng lợi trước giai cấp tư sản!), thực hiện chuyên chính vô sản (nhằm triệt tiêu mầm mống có thể hình thành trở lại giai cấp tư sản), xây dựng được một nhà nước cộng sản vững chắc có một lực lượng sản xuất với trình độ cực cao (đủ sức đáp ứng cho nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa!), đồng thời, làm hình thành một thói quen đạo đức "siêu hạng", đối xử giữa người với người chỉ có tình thân ái, sự khoan dung, tuyệt đối không có bạo lực (tạo điều kiện cho xóa bỏ  nhà nước) (?). Theo tôi, bằng cách thứ hai, tức là bằng cách con người chủ động xây dựng cơ sở vật chất cho hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa, thì hình thái ấy, nếu có đến, cũng không thể đến nhanh được, vì tác động của con người cũng phải chịu sự khống chế của quá trình tiến hóa tự nhiên. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, riêng việc xây dựng thành công xã hội XHCN đã khó lắm rồi, thậm chí, nếu theo nghĩa tuyệt đối, có nguy cơ là bất khả! Tuy nhiên, để xây dựng thành công một xã hội XHCN tương đối thôi, thì có thể nhanh được nhưng con người phải biết định hướng vào đâu! Như đã nói, muốn biết được định hướng vào đâu thì phải biết được tại sao Mác đưa ra tiêu chí đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản nhằm mục đích gì, nghĩa là phải hiểu giai cấp là gì, chuyên chính vô sản là gì? Nhà xã hội học người Mỹ Rodney Stark định nghĩa: "Giai cấp là nhóm người chia sẻ một vị trí giống nhau trong hệ thống phân tầng xã hội". Còn theo MarxLenin, giai cấp là những tập đoàn người to lớn, khác nhau về địa vị của họ trong một hệ thống sản xuất xã hội nhất định trong lịch sử, khác nhau về quan hệ của họ (thường thì những quan hệ này được pháp luật quy định và thừa nhận) đối với tư liệu sản xuấtphân công lao động, về vai trò của họ trong những tổ chức lao động xã hội, và như vậy là khác nhau về cách thức hưởng thụ và về phần của cải ít hoặc nhiều mà họ được hưởng.Theo Hồ Chí Minh, tất cả của cải vật chất trong xã hội, đều do công nhânnông dân làm ra. Nhờ sức lao động của công nhân và nông dân, xã hội mới sống còn và phát triển. Nhưng đa số người lao động thì suốt đời nghèo khó, mà thiểu số người không lao động thì lại hưởng thụ thành quả lao động đó. Đó là do một số ít người đã chiếm làm tư hữu những tư liệu sản xuất của xã hội. Họ có tư liệu sản xuất nhưng họ không làm lụng, họ bắt buộc người khác làm cho họ hưởng. Do đó mà có giai cấp. Những người chiếm tư liệu sản xuất không làm mà hưởng, là giai cấp bóc lột hay giai cấp tư sản. Những người không sở hữu tư liệu sản xuất là giai cấp vô sản, trong giai cấp đó, những người lao động mà không được hưởng giá trị thặng dư và thành quả lao động là giai cấp bị bóc lột hay giai cấp công nhân. Quan niệm về giai cấp của  Marx Lenin, thậm chí là của cả Hồ Chí Minh có lẽ cũng được nhưng chưa đích đáng, vì chỉ có tư hữu thôi mà không có quyền lực thì cũng khó mà bóc lột được (nên nhớ, bóc lột là lạm thu sức lao động của con người!), vả lại, nói tầng lớp tư sản chỉ toàn là lũ "ăn trên ngồi trốc", không lao động gì cả, là không đúng! Theo tôi quan niệm, nếu xã hội có phân chia giai cấp, thì chỉ có thể là gồm hai giai cấp: giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Mặt khác, phải hiểu mâu thuẫn giai cấp một cách thật "mềm dẻo"mới được, nghĩa là, mâu thuẫn đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà lúc nhạt nhòa lúc rõ rệt, lúc hòa dịu lúc căng thẳng, và nói chung, không phải lúc nào cũng ở mức đối kháng. Bình thường, giữa tầng lớp hữu sản và vô sản hầu như không nảy sinh mâu thuẫn giai cấp, nhưng tầng lớp hữu sản, dựa vào thế lực đồng tiền của mình đã lũng đoạn nhà nước, dần biến quyền lực nhà nước thành của mình, làm hình thành nên giai cấp thống trị, đưa toàn bộ số còn lại thành lực lượng vô sản, giai cấp bị trị. Dựa vào quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã lạm thu giá trị thặng dư của người lao động, gây ra cảnh bóc lột, áp bức bất công đối với giai cấp vô sản (nhất là người công nhân) như lịch sử loài người đã cho thấy. Nếu trong tự nhiên, sự cố gắng tồn tại thể hiện ra dưới một dạng là nguyên lý tương hỗ, thì trong xã hội, sự cố gắng sống còn thể hiện ra thành quy luật "ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh", hay "tức nước vỡ bờ". Lúc đầu, các cuộc đấu tranh chống bóc lột đều mang hình thức dân chủ tư sản, nếu có giành được thắng lợi thì cũng tương tự như các cuộc nổi dậy của nông dân thời phong kiến khi xưa, lật đổ chính quyền cũ, xây dựng chính quyền mới (được cho là!) "tốt" hơn (rồi lại trở về bản chất cũ, nghĩa là không thay đổi bản chất dung túng bóc lột của nhà nước!). Khi triết học Mác ra đời với hệ thống lý luận được cho là "chân lý sáng ngời" và với luận điểm không những để giải thích thế giới mà còn đi cải tạo thế giới, thì ngay lập tức nó trở thành nền tảng lý luận đồng thời là kim chỉ nam cho hành động của các cuộc đấu tranh chống bóc lột. Do đó có thể gọi các cuộc đấu tranh chống bóc lột trong thời đại tư bản chủ nghĩa là các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, và các cuộc cách mạng tư sản đã tiếp thu triết học Mác-lênin là cách mạng vô sản. Điển hình là cuộc cách mạng tháng Mười Nga, từ cách mạng dân chủ tư sản dễ dàng chuyển biến thắng lợi thành cách mạng vô sản! Dù quan niệm chưa xác đáng về giai cấp nhưng Mác-lê cũng thấy được sự gắn kết hữu cơ bền chặt của tầng lớp tư sản với nhà nước (đã chuyển biến thành nhà nước tư sản), coi nhà nước như "bùa hộ mạng" của sự bóc lột, nên theo họ mọi cuộc cách mạng vô sản, muốn xóa bóc lột một cách triệt để, thì sau khi đấu tranh giai cấp thắng lợi, phải tiếp tục cách mạng, xóa tan nhà nước tư sản (cũ).xây dựng một nhà nước kiểu mới gọi là "nhà nước vô sản", bằng chuyên chính vô sản. Nói chung, mọi cuộc cách mạng sau khi lật đổ chính quyền cũ đều phải chuyên chính, nghĩa là trấn áp sự trỗi dậy của tàn dư thế lực cũ trong khi xây dựng chính quyền mới. Nhưng chuyên chính vô sản, hiểu theo Mác, là một nền chuyên chính đặc biệt. Theo Wikipedia thì: "Chuyên chính vô sản hay nền chuyên chính vô sản là một lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lenin là một bộ phận quan trọng của chủ nghĩa cộng sản khoa học theo đó chuyên chính vô sản là việc giai cấp công nhân nắm quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực nhà nước trấn áp giai cấp tư sản để tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Đây là sự thống trị về chính trị của giai cấp công nhân với chức năng thực hiện dân chủ đối với nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chuyên chính với những phần tử thù địch, chống lại giai cấp vô sản (!). Chuyên chính vô sản được cho là một trong những tư tưởng đặc sắc và trọng yếu nhất của chủ nghĩa Mác về vấn đề Nhà nước". Đây là lời Mác: "Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản". "Khi đề cập tới vấn đề này, V.I.Lênin cho rằng chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực mà mặt cơ bản của nó là tổ chức, xây dựng toàn diện xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Cũng vì những tính chất đặc biệt như vậy của nhà nước vô sản mà những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định rằng nhà nước vô sản là một kiểu nhà nước đặc biệt trong lịch sử, đó là nhà nước không còn nguyên nghĩa, là nhà nước nửa nhà nước. Sau khi những cơ sở kinh tế, xã hội của sự xuất hiện và tồn tại của nhà nước mất đi thì nhà nước sẽ không còn. Sự mất đi của nhà nước tư sản không phải bằng con đường thủ tiêu, xóa bỏ mà bằng con đường tự tiêu vong (mâu thuẫn với chính Mác: chính quyền tư sản không tự đổ mà phải chủ động lật đổ bằng bạo lực cách mạng vô sản!). Sự tiêu vong của nhà nước tư sản được dự báo là một quá trình rất lâu dài". Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra  "Nhà nước vô sản là một kiểu nhà nước đặc biệt trong lịch sử. Tính chất đặc biệt của nó trước hết là ở chỗ nó chỉ tồn tại trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, nó là kiểu nhà nước cuối cùng trong lịch sử của xã hội loài người". Tôi không đồng tình với quan niệm như vậy! Tôi cho rằng, cách mạng vô sản nổ ra có mục đích cơ bản là triệt tiêu bóc lột, giành lại phần giá trị thặng dư mà giai cấp thống trị đã chiếm đoạt quá đáng, đảm bảo quyền lợi sống còn cơ bản của người lao động (của cả công nhân lẫn nông dân!). Muốn thế, cách mạng phải đập tan nguyên nhân gây ra bóc lột, áp bức bất công, đó là nhà nước tư sản (chứ không phải tầng lớp tư sản!), thành lập một nhà nước mới gọi là "nhà nước nhân dân". Nhà nước nhân dân là nhà nước phi giai cấp, với nền kinh tế thị trường, có thu hoạch thặng dư nhưng không tạo ra sự bóc lột (!), giải quyết mọi sự trong quan hệ giữa người với người một cách công bằng, bác ái. Đó là kiểu nhà nước tương tự như nhà nước từng manh nha dưới thời cộng sản nguyên thủy (?), và khi nó được xây dựng hoàn thiện thì cũng chính là kiểu nhà nước sẽ tồn tại trong hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa (nếu có hình thái này!). Riêng tôi không tin là có hình thái này, vì lẽ đơn giản sau. Khi con người đạt đến trình độ "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", thì con người phải hầu như không còn cảm xúc tình cảm sâu sắc, thứ cảm xúc suốt quá trình phát triển xã hội con người mới tiến hóa có được, tức là không còn mọi tính xấu như tham lam, ích kỷ, ganh ghét, hận thù,..., tâm hồn con người lúc đó, ai cũng vậy, đều trong sáng, đều chán ghét chiến tranh, ghê tởm giết chóc! Và xã hội sẽ có tồn tại được không khi không có nhà nước, đầu mối của sự gắn kết, điều hành? Nói cho cùng, xây dựng nhà nước nhân dân đến hoàn thiện là coi như đã xây dựng thành công xã hội XHCN, đã thực hiện được giấc mơ khắc khoải về cuộc sống của toàn thể nhân loại rồi! Còn đối với hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa, dù tuyệt đẹp, thì cũng chỉ là một hoang cảnh quyến rũ nhưng đầy nét khiên cưỡng. Tương tự như trong vật lý học có trường hợp con lắc toán học, chỉ có thể vận hành trong tưởng tượng chứ không thể xảy ra trong hiện thực. Muốn hiện tượng lý tưởng ấy xảy ra trong hiện thực, phải triệt tiêu ma sát, nhưng làm thế nào mà triệt tiêu được thứ vốn dĩ tồn tại mặc định trong tự nhiên như không gian vậy!? Vậy, cách mạng vô sản (nói đúng ra phải là cách mạng nhân dân) là cuộc đi lật đổ nhà nước tư sản, xây dựng nhà nước nhân dân (tất nhiên, nền kinh tế cạnh tranh tự do tư bản chủ nghĩa cũng được thay thế bằng nền kinh tế thị trường có chỉ huy xã hội chủ nghĩa) và đồng thời cải biến tâm hồn con người bằng phương pháp tu tập Phật Giáo (nhằm triệt tiêu tham-sân-si)!
- Tới giờ này, phải thừa nhận anh A nói có lý. Nhưng cũng khó lòng mà xa rời triết học Mác-lênin được, vì tôi đã thấm nhuần nó từ khi còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, và coi là chân lý bất di bất dịch! Dựa vào quan niệm của anh A về xã hội mà nhìn sự vận động của xã hội Việt Nam ngày nay mới thấy... dễ hiểu quá! Mà thôi, tôi phải về đây! Mấy lần trước về muộn, bà xã phải đợi cửa, càm ràm quá chừng!...Nhức cả đầu! 
Ông C nói rồi đứng dậy. Thế là kết thúc cuộc nhậu. Khi về đến nhà, trong lúc chờ vợ mở cửa, tôi chợt nghe vang vọng trong đêm tối mênh mông câu nói của nhà vật lý nổi tiếng người Đức, Max Planck: “Một chân lý mới của khoa học thường thắng lợi không phải bằng cách những kẻ chống đối nó sẽ được thuyết phục và tuyên bố mình được dạy dỗ, mà đúng hơn bằng cách những kẻ chống đối dần dần chết hết và thế hệ mới ngay từ đầu được làm quen với nó”. Và câu nói này cứ ám ảnh tôi mãi tận khi tôi đi vào giấc ngủ.