TRÀ DƯ TỬU HẬU 10/a






Chuyện 11:  HỌC THUYẾT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

-Alô! Thu đó à? Đang làm gì đấy? Thôi dẹp!....Sang nhậu đi...Ờ...ờ...Năm giờ rồi...Còn sớm gì nữa!
Ông B đã đến nhà ông A, gọi tôi chát chúa qua ĐT.
-Em sang liền! -Dù đang dở tay chăm sóc mấy cây kiểng, nhưng nghe ông B gọi, chân tôi đã nhấp nhổm. Như vậy đã gọi là ghiền rượu chưa nhỉ?
Khi tôi sang, bàn nhậu đã chỉnh tề, vừa kịp cụng ly đầu tiên.
-Hôm qua, bận xin giấy phép làm thêm cái gác. Chiều đi nhậu với thằng nhà đất phường, tốn gần triệu bạc. Mẹ kiếp! -Ông B mở đầu câu chuyện.
-Thời buổi bây giờ "chúng nó" sách nhiễu ghê lắm. Nhà tôi cấp bốn, năm ngoái chỉ thay vì kèo gỗ đã bị mối mọt bằng vì kèo sắt, nhân tiện, cơi lên cao khoảng năm tấc cho mát, mà phải "cho" chúng nó mất 500 ngàn đồng.
Tôi vuột miệng:
-Chính đáng như thế việc gì phải "cho" chứ? Cứ làm thôi!
-Mày chẳng biết mẹ gì! Sống dưới chế độ này gần cả đời mà cứ như thằng ngố ấy. Thử không "cho" xem? Đến tám hoánh mới làm được! -Ông B gằn giọng.
Đến lượt ông A:
-Như lũ quan xu thời ấy! Chỉ biết tung hô chế độ, có ông nào thấm thía nỗi bức xúc đó của người dân? Xã hội đầy rẫy tệ nạn, ngày càng suy đồi. Thế mà lúc nào cũng nói đến những chuyện to tát đẩu đâu, đến những công trình vĩ đại, những điều tốt đẹp. Ghẻ trong người thì mặc cho phát tán. Chán lắm! Một cá nhân, cách thức phê và tự phê có thể còn khiên cưỡng, chứ một xã hội, không có phê và tự phê, thì làm sao mà không bất bình được!?

Ông C rụt rè:
-Bao giờ nước mình đến được xã hội XHCN nhỉ? Trong xã hội ấy có lẽ không còn tệ nạn nữa!
-Còn khuya! -Ông B xẵng giọng.
Sau cái sẵng giọng của ông B, cả bàn nhậu rơi vào im lặng. ông C ngẩng mặt lên lơ đãng nhìn bầu trời đầy sao. Ông B thì nhìn ra cây nhãn cổ thụ ở trước sân nhà ông A đang độ quả chín. Đàn dơi đâu về chao liệng, ăn nhãn, trong liên tưởng, dễ thấy như đàn chim én báo hiệu mùa xuân đã cận kề. Còn tôi ngồi nhìn lần lượt, hết ông này đến ông kia. Được một lúc, tôi phá tan sự im lặng:
-Sao tối nay uống rượu buồn quá! Chẳng có gì vui!...Hay là bác A nói tiếp về triết học đi!...
-Hôm qua tôi nói về vấn đề gì nhỉ? -Ông A nhìn tôi, nói. -A! Đúng rồi!...Về hình thái kinh tế-xã hội.
-Hôm qua bác A nói hay lắm! Tiếc là bác không có mặt! -Tôi nói với ông B, rồi lại quay sang ông A. -Cho em hỏi bác A thế này: theo Mác quan niệm, xã hội loài người có năm hình thái KTXH (mà bác cho là sáu!), đã trải qua ba (mà bác cho là bốn!), đang ở hình thái thứ tư (mà bác cho là năm!) là hình thái TBCN. Vậy khi nào thì chuyển hóa sang hình thái cuối cùng, hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa? Nếu sự chuyển hóa ấy là tất yếu, thì Việt Nam cần gì phải nêu khẩu hiệu "định hướng XHCN" nữa?
-Chà, câu hỏi của thằng Thu quá hay! Anh A có trả lời được không đấy? - ông B ngồi thẳng người, tỏ ra phấn khích trở lại.
-Câu hỏi kể ra cũng xuất sắc, nhưng...không khó trả lời! -Ông A vào cuộc với lời khẳng định chắc nịch. -Như đã nói, việc cố gắng sống còn, sự tác động bất lợi của quy luật tăng trưởng số lượng lạm phát, cùng với từng giai đoạn thiên tai bất lợi và thuận lợi xen kẽ...,đã là những yếu tố nguyên nhân kết hợp với đặc tính sáng tạo hối thúc làm phát triển lực lượng sản xuất, tiền đề tồn tại của hình thái KTXH. Để từ trạng thái kiếm ăn tương tự loài vật lên hình thái KTXH cộng sản nguyên thủy, loài người đã tăng cường lực lượng lao động bằng cách khám phá ra loại lương thực mới (lúa nước, lúa mỳ...), nhằm chuyển sang lối sống lấy định cư lâu dài làm chủ yếu, cải tiến và cải tiến căn bản công cụ lao động (thời đại đồ đá mới, đồ gốm, đồ đồng!).Sự vận động xã hội trong thời đại cộng sản nguyên thủy đã làm nảy sinh ra sự tư hữu tư tiệu sản xuất, sự tích lũy của cải, gây ra hiện tượng "tư nhân hóa xã hội", làm hình thành nhà nước, hình thức chiếm đoạt tư liệu sản xuất bắng chiến tranh giữa các cộng đồng người với nhau trở thành phổ biến. Tất cả tổng hợp lại, tác động đến xã hội, làm cho xã hội chuyển hóa từ hình thái cộng sản nguyên thủy lên hình thái tư bản nguyên thủy. Cần chú ý rằng, sau đó, sự phân hóa của lực lượng lao động thành một bộ phận để thực hiện bạo lực, để tiến hành chiến tranh mới là nguyên nhân chính đưa đến sự chuyển hóa xã hội chứ không phải là sự phát triển của nó, thành xã hội chiếm hữu nô lệ! Như vậy, sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất được cho là đóng vai trò động lực chính làm hình thành các hình thái kinh tế – xã hội khác nhau từ thấp lên cao, với những kiểu quan hệ sản xuất khác nhau, như một quy luật phổ biến về phát triển xã hội nói chung, theo quan niệm của triết học Mác, có lẽ không còn đúng nữa(?). Giải phóng nô lệ cũng là một hình thức phát triển lực lượng lao động. Đây mới chính là tác nhân chủ yếu làm cho xã hội loài người từ xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành xã hội phong kiến. Còn hình thái KTXH tư bản chủ nghĩa hình thành được là do yêu cầu được tự do kinh doanh trong xã hội đòi hỏi. Nhưng yếu tố đóng vai trò là động lực cơ bản, làm cho tiến trình không thể đảo ngược là cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật lần I ( thế kỷ XVIII, xuất hiện máy hơi nước). Có thể nói, việc chế tạo ra động cơ hơi nước đã mở ra phương hướng giải phóng triệt để sức sản xuất, sáng tạo ra phương thức thứ hai nhằm lao động để sống còn cho con người là sản xuất công nghiệp. Sản xuất công nghiệp, đến lượt nó, lại  đóng vai trò tiền đề làm xuất hiện một dạng lực lượng lao động mới, mà Mác gọi là "giai cấp công nhân" hay "lực lượng vô sản". Nếu tầng lớp quí tộc thời phong kiến sống phè phỡn nhờ địa tô của người lao động và các cuộc khởi nghĩa nông dân khởi nguồn từ sự chống bóc lột ấy, thì tầng lớp tư sản của chủ nghĩa tư bản thời kỳ đầu tích lũy tư bản để xây dựng chủ nghĩa tư bản nhờ giá trị thặng dư của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản cũng từ sự chống bóc lột quá đáng giá trị thặng dư mà khởi phát...
-Này anh A ơi! Theo như tôi nhớ thì Mác có xây dựng hẳn một học thuyết về giá trị thặng dư để lột trần sự bóc lột công nhân của tầng lớp tư sản. Học thuyết ấy như thế nào nhỉ? Theo quan niệm của anh, tấng lớp tư sản có nhất thiết phải bóc lột công nhân không? -Ông B lên tiếng ngất lời ông A. Sau khi đã nêu ra các câu hỏi, ông B quay sang tôi -Lấy thêm rượu đi, Thu. Hết rượu rồi!
-Quân ta uống được một lít nữa không ta? -Tôi hỏi.
Ông A nhăn mặt:
-Ồi!...Lấy đi! Không uống hết, mai uống tiếp. Để đó, rượu có ế đâu mà sợ?
Đến lượt ông C nói:
-Đây rồi! Trên Wikipedia nói thế này (cũng là theo triết học Mác) về giá trị thặng dư:
"Giá trị thặng dư là một trong những khái niệm trung tâm của kinh tế chính trị Marx-Lenin. Karl Marx đã nghiên cứu và đưa ra một số công thức tính toán xung quanh khái niệm này trong các tác phẩm viết về kinh tế chính trị của ông. Nó được sử dụng để khẳng định lao động thặng dư của công nhân bị các nhà tư bản lấy đi, là nền tảng cho sự tích lũy tư bản"."Trong học thuyết này Marx đưa ra công thức T-H-T’ (tiền-hàng hóa-tiền) để minh họa cho sự biến đổi của vốn (tư bản) dạng tiền sang dạng hàng hóa và cuối cùng quay trở lại dạng tiền ở mức cao hơn mức ban đầu một lượng ΔT (nghĩa là T’=T+ ΔT). Bởi tất cả giá trị được tạo thành trong quá trình biến đổi thông qua sản xuất hàng hóa là do lao động (theo Thuyết giá trị về lao động), mà chủ yếu là lao động của người làm thuê, nên giá trị thặng dư ΔT cũng là giá trị do lao động kết tinh. Tuy nhiên, giá trị này không được chia đều cho những người trực tiếp làm ra nó, mà thuộc quyền sở hữu của chủ tư bản"."Hình thức cao nhất của sự phát triển tư bản là cho vay lãi. Chủ nhân của tư bản vay lãi có cảm giác rằng tiền đẻ ra tiền và công thức vận động của tư bản biến thành T-T’"."Giá trị thặng dư được Marx xem là phần chênh lệch giữa giá trị hàng hóa và số tiền nhà tư bản bỏ ra. Trong quá trình kinh doanh, nhà tư bản bỏ ra tư bản dưới hình thức tư liệu sản xuất gọi là tư bản bất biến và bỏ ra tư bản để thuê mướn lao động gọi là tư bản khả biến. Tuy nhiên, người lao động đã đưa vào hàng hóa một lượng giá trị lớn hơn số tư bản khả biến mà nhà tư bản trả cho người lao động. Phần dư ra đó gọi là giá trị thặng dư. Tức là sản lượng của hàng hóa làm ra có giá trị cao hơn phần tiền mà nhà tư bản trả cho công nhân và mức chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư.
Có thể lấy một ví dụ như sau để giải thích: Giả sử một người lao động có trong tay giá trị nguyên vật liệu là 1000 đồng. Trên cơ sở sức lao động đã bỏ ra, người lao động đó sẽ làm ra được sản phẩm mới có giá trị 1100 đồng. Số tiền 100 chênh lệch đó chính là giá trị thặng dư sức lao động. Tuy nhiên nhà tư bản chỉ trả lương cho anh ta 50 đồng/1 sản phẩm, có nghĩa 50 đồng còn lại là phần nhà tư bản chiếm của người lao động"."Công thức để đo lường giá trị thặng dư: Căn cứ vào việc xác định giá thành của sản phẩm:
GT= C+ V+ m => m= GT - (C+V)
Trong đó:
  • C là phần tư bản bất biến được chuyển vào giá trị hàng hóa. C bao gồm 02 bộ phận là c1 và c2. c1 là phần khấu hao tài sản cố định phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa, phần này không tăng lên hay giảm đi trong quá trình sản xuất mà nó chỉ chuyển dịch giá trị từ TSCĐ vào giá trị hàng hóa, sau đó nhà tư bản thu hồi lại bằng trích quỹ khấu hao. C2 là giá trị nguyên, nhiên, vật liệu, phụ liệu, phụ gia, phụ phẩm... và giá trị công cụ, dụng cụ rẻ tiền, mau hỏng (thường là có thời gian sử dụng không quá 01 năm) phân bổ cho mỗi đơn vị hàng hóa. Phần này được chuyển hết 01 lần vào giá trị của hàng hóa (nếu là công cụ, dụng cụ rẻ tiền mau hỏng thì phân bổ từng phần nhưng không quá 01 năm). Cả c1 và c2 đều không trực tiếp tạo ra giá trị mới (nên nó mới có tên gọi là tư bản "BẤT BIẾN"), mà nó chỉ là phương tiện để sinh ra giá trị thặng dư mà thôi, chính đặc điểm này đã che đậy GTTD mà lại biểu hiện ra bên ngoài bằng lợi nhuận.
  • V là phần tiền công mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của người công nhân, nó còn gọi là lao động sống tạo ra giá trị mới của hàng hóa, nó không những chỉ chuyển toàn bộ giá trị của mình vào giá trị của hàng hóa mà còn tạo thêm phần giá trị tăng thêm (m), (nên mới có tên là tư bản "KHẢ BIẾN"). Phần giá trị tăng thêm này cũng được hình thành do hao phí lao động trừu tượng của người công nhân kết tinh vào hàng hóa, nhưng bị nhà tư bản chiếm đoạt, không trả cho người tạo ra nó, tức là nhà tư bản đã mua giá trị lao động thấp hơn giá trị thật của nó, phần chênh lệch gía trị thật của sức lao động này với giá trị mà nhà tư bản bỏ ra để mua sức lao động của công nhân chính là Giá trị thặng dư - vấn đề cốt lõi đang bàn tới". 
Cũng trên "mạng" nhưng ở chỗ khác: "C. Mác đã vạch ra rằng, tư bản không hề phát minh ra lao động thặng dư, rằng: “Nơi nào mà một bộ phận xã hội chiếm độc quyền về những tư liệu sản xuất thì nơi đó người lao động, tự do hay không tự do, đều buộc phải thêm vào thời gian lao động cần thiết để nuôi sống bản thân mình một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu tư liệu sản xuất”. Quy luật kẻ chiếm hữu tư liệu sản xuất bóc lột người lao động không có tư liệu sản xuất, được thực hiện dưới những hình thức và cơ chế khác nhau trong những hình thái xã hội khác nhau.
Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp nô lệ bị lệ thuộc hoàn toàn về thân thể vào giai cấp chủ nô, thì ngoài việc bị bóc lột lao động thặng dư, nô lệ còn bị chiếm một phần lớn sản phẩm cần thiết của giai cấp nô lệ. Trong chế độ phong kiến, giai cấp nông nô đã có một phần tự do về thân thể đối với giai cấp địa chủ và chế độ bóc lột lao động thặng dư biểu hiện dưới hình thức bóc lột địa tô, lao động thặng dư và lao động cần thiết được phân chia rõ ràng. Bởi vậy, theo C. Mác cơ chế bóc lột thời phong kiến có nhiều tiến bộ hơn chiếm hữu nô lệ"."C. Mác đã phát hiện rằng, quan hệ mua bán giữa công nhân và tư bản không phải là mua bán hàng hóa lao động mà là mua bán một loại hàng hóa đặc biệt – hàng hóa sức lao động. Hàng hóa này có giá trị và giá trị sử dụng khác với các hàng hóa thông thường. Giá trị của hàng hóa sức lao động là giá trị những tư liệu sinh hoạt tối thiểu cần thiết để tái sản xuất sức lao động của công nhân và bao hàm những yếu tố tinh thần, lịch sử và dân tộc… – Giá trị sử dụng của hàng hóa này (tức là tiêu dùng nó trong quá trình sản xuất) có khả năng tạo ra một lượng giá trị lớn hơn giá trị của chính nó là sức lao động. Do đó dù nhà tư bản trả đủ giá trị sức lao động cho công nhân trên cơ sở trao đổi ngang giá thì vẫn thu được phần giá trị dôi ra, biến thành lợi nhuận. Như vậy, quy luật giá trị và quy luật sản xuất ra lợi nhuận không phủ định lẫn nhau mà song song tồn tại: trao đổi giữa tư bản và công nhân tuân theo quy luật ngang giá (quy luật giá trị sức lao động) nhưng nhà tư bản vẫn thu được phần dôi ra ngoài giá trị sức lao động; phần dôi ra đó được C. Mác gọi là giá trị thặng dư. Như vậy, bóc lột lao động thặng dư biểu hiện thành bóc lột giá trị thặng dư là quy luật bóc lột đặc thù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và là quy luật tuyệt đối của phương thức sản xuất đó"."Trong chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa, sự phân cực xã hội là vô cùng sâu sắc, sự phân hóa giàu nghèo được đẩy tới cực độ. Ở đây của cải ngày càng tập trung vào một số nhỏ các cá nhân là những triệu phú và tỉ phú; ở cực đối lập là những người sống dưới mức nghèo khổ ở các nước tư bản phát triển và đông đảo những người cùng khổ, đói rét ở các nước tư bản đang phát triển. Chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa đã sớm chớp lấy những thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật và công nghệ để không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội, do đó năng suất lao động thặng dư cũng ngày càng tăng theo; cơ chế bóc lột tư bản chủ nghĩa đã chuyển hướng sang dựa chủ yếu trên sự tăng năng suất lao động. Cũng trên cơ sở kỹ thuật đã phát triển mà cơ chế bóc lột dựa trên tăng cường độ lao động thái quá và kéo dài ngày lao động một cách che dấu cũng phát triển. Của cải xã hội ngày càng được tạo ra nhiều, nhưng lại chỉ tập trung vào một cực. Mặt khác, nội dung vật chất của chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa là giá trị thặng dư mang hình thức giá trị trao đổi (tức là vàng bạc hay tiền tệ); trong quan hệ bóc lột dựa trên hình thức giá trị trao đổi, lòng thèm khát tăng lao động thặng dư và khát vọng làm giàu trên cơ sở đó được đẩy tới cực độ. Sở dĩ như vậy là vì giá trị trao đổi với hình thức biểu hiện vật chất của nó là vàng, tức tiền tệ, về mặt chất lượng có sức mạnh vô hạn (có tiền là có tất cả), về mặt số lượng bao giờ cũng có hạn. Mâu thuẫn giữa chất lượng có sức mạnh vô hạn và số lượng có hạn đó làm tăng lòng thèm khát vơ vét được nhiều tiền. Do tất cả những điều kiện lịch sử và tình hình trên, quy luật bóc lột tư bản chủ nghĩa đã đẩy sâu quá trình phân cực xã hội mà các xã hội bóc lột trước kia không thể sánh kịp".
Khi mọi người đọc xong, ông C mới nói:
-Theo học thuyết về giá trị thăng dư của Mác thì sản xuất tư bản nhất thiết phải bóc lột công nhân. Vậy theo tôi, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân để đòi quyền lợi là không tránh khỏi và cánh mạng vô sản tất yếu phải xảy ra như lịch sử thế giới loài người đã chứng minh.
-Không hẳn như vậy đâu. Nếu thế, khó mà giải thích được xã hội Việt Nam hay xã hội Trung Quốc ngày nay. Theo học thuyết giá trị thặng dư của Mác thì giai cấp công nhân VN đang bị bóc lột. Nhưng sao không thấy sự biểu hiện của mâu thuẫn dẫn tới đấu tranh giữa giai cấp vô sản và tư sản?Hơn nữa, ngày nay hầu như không còn nhận thấy mâu thuẫn đối kháng dẫn đến đấu tranh giữa lực lượng tư sản và lực lượng vô sản trên thế giới nữa -Ông B bắt bẻ.
Ông B định nói nữa, nhưng ông C đã cắt ngang:
-Vì có ĐCS VN lãnh đạo. có chính sách phù hợp, hạn chế bóc lột và nhiều yếu tố khác nữa tác động...
Điều ông C nói nghe khiên cưỡng quá! Tôi tin chắc mọi người trong bàn nhậu không đồng tình. Những lúc tranh luận lâm vào bế tắc như lúc này, thường ông A đều "đứng ra" giải thích ổn thỏa. Nghĩ vậy, tôi nói:
-Bác A cho ý kiến đi!
-Ừ! Anh A nói xem nào! Dù sao nói chuyện triết học mộc mạc như anh dễ hiểu hơn những "nhà triết học" nói về triết học. -Ông B thêm, mắt liếc xéo ông C.
Ông A cười rạng rỡ vì thấy mình cũng "có giá":
-Biết nói thế nào nhỉ? Ờ, ờ...đã là sinh vật thì phải kiếm ăn để sinh tồn. Có lẽ để giải thích mọi hiện tượng xã hội đều phải xuất phát từ đây. Nếu cho rằng, phương thức kiếm ăn đơn giản nhất là của động vật, là bản năng tìm mồi, hái lượm và săn bắt thì loài người cũng bắt đầu từ đó. Với phương thức kiếm ăn đó thì động vật và cả người chưa thành người, đều có lối sống với mục đích bản năng duy nhất, đúng nghĩa đen là "vì miếng ăn", hầu như suốt ngày tìm ăn nhưng thường không đủ no và như thế coi như không có thức ăn thặng dư hoặc không biết (vì chưa có khái niệm!) có thức ăn thặng dư. Nếu có tình cảm, sẽ thấy đó là một cuộc sống đầy gian khổ, không dễ dàng gì! Khi loài người qua đấu tranh giành giật cuộc sống đã chuyển biến thành người, nghĩa là đã được trang bị tư duy và biết lao động sáng tạo thì mới có thức ăn thặng dư hoặc biết có thức ăn thặng dư, và biết để giành, tích lũy. Từ đó, loài người không còn sống duy nhất chỉ vì miếng ăn mà còn vì nhiều mục đích khác nữa làm phong phú cuộc sống (!). Tóm lại, lối kiếm ăn như của loài vật không làm ra thặng dư, mà chỉ có kiếm ăn bằng lao động sáng tạo của con người mới có khả năng tạo ra thặng dư. Nhưng không phải chỉ có sức lao động của con người mới tạo ra giá trị thặng dư. Yếu tố tạo ra giá trị thặng dư từ xưa tới nay gồm: gặp thiên thời (!), tăng cường độ lao động, tăng thời gian lao động, cải tiến công cụ lao động, và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất..., trong đó cải tiến công cụ lao động và áp dụng khoa học-kỹ thuật là hai yếu tố cơ bản, cốt yếu. Mục đích của sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa là thu hoạch giá trị thặng dư. Nhưng như trình bày thì không phải cứ thu hoạch giá trị thặng dư là bóc lột. Trong thời kỳ đầu xây dựng xã hội tư bản, để nhanh chóng tích lũy tư bản, một phần vì trình độ sản xuất còn thấp, một phần vì nguồn  cung cấp sức lao động khá dồi dào (có thể do lực lượng dư thừa nông dân thoát ly khỏi lao động nông nghiệp, có công việc mệt nhọc hơn lao động ở các công trường thủ công, nhà máy), tầng lớp tư sản đã thu hoạch giá trị thặng dư quá mức (lạm vào mức thu nhập tối thiểu của công nhân chẳng hạn, thông qua sự "cho phép" của nhà nước tư sản!), gây ra hiện tượng bóc lột, áp bức, bất công (nhất là ở các nước thuộc địa!). Ngày nay, do trình độ sản xuất phát triển mạnh mẽ, nhận thức của loài người đã già dặn hơn, nên thu hoạch giá trị thặng dư không "được phép" đến mức bóc lột nữa (chỉ bóc lột...máy móc, khoa học-kỹ thuật!), hoặc bóc lột không nhiều. Điều đó có thể đã giải thích vì sao phong trào đấu tranh vô sản hầu như đã bị triệt tiêu trên thế giới và ở các nước tự nhận cộng sản nhưng hoạt động theo cơ chế thị trường (nghĩa là kinh doanh vẫn theo kiểu cách tư bản chủ nghĩa, mục đích của sản xuất vẫn là thu hoạch giá trị thặng dư) như Việt Nam, Trung Quốc..., đã không hoặc ít xảy ra những hiện tượng thể hiện gay gắt của mâu thuẫn đối kháng giai cấp giữa vô sản và tư sản. Đến đây có thể tạm kết luận: trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, mục đích kinh doanh của nhà tư sản là thu hoạch giá trị thặng dư, làm giàu. Quá trình đó dễ dẫn tới bóc lột nhưng không nhất thiết phải bóc lột!
Nói đến đây, ông A ngưng lại, tay cầm ly rượu lên, không mời cụng ai, uống cạn, mồi điếu thuốc, rồi phân trần vui:
-Nãy giờ nói nhiều quá, khát khô cả cổ. Đó là quan niệm của tôi về sự tiến lên của xã hội loài người đến giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Các anh nghe thấy có hợp lý không? Thu, mày thấy thế nào?
-Chỉ hiểu loáng thoáng!...Các anh biết tỏng, em dốt triết học mà! Nhưng phải thừa nhận là anh A nói hay!...Nói nữa đi anh! Còn một hình thái xã hội nữa chưa nói tới là hình thái KTXH cộng sản chủ nghĩa. Theo em hiểu thì về lý thuyết, loài người sẽ tất yếu đạt đến trạng thái xã hội này, nhưng nhìn vào thực tế lại thấy hồ nghi, không biết có tiến tới được không? Phải chăng hình thái cộng sản chủ nghĩa là hình thái KTXH tươi đẹp nhất của xã hội loài người nên xã hội loài người khó đạt tới một cách tất yếu mà phải thông qua ý chí của con người, có lẽ vì thế mà ĐCS Việt Nam mới phải có cụm từ:  "định hướng XHCN"? -Tôi giãi bày suy nghĩ của mình.
Rít một hơi thuốc thật dài, rồi ông A mới nói:
-Ý anh B sao, tôi có nên nói tiếp không? Mà thôi, để khi khác! Còn chút rượu để nhậu. Chúng mình nói chuyện khác cho vui đi! Vậy có hợp lý không, anh C?
Ông C đã ngủ tự lúc nào. Nét mặt của ông lộ rõ nét bất mãn, nhưng laptop của ông vẫn mở trừng trừng, trưng ra học thuyết về thặng dư và bóc lột giá trị thặng dư chưa hoàn hảo của Mác...