Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh



Sắp đến sinh nhật cha, tôi đọc lại những dòng viết của ông và thấm thía nhiều điều, đặc biệt là việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.



Ngày 12/9/1969, mười ngày sau khi Bác Hồ mất, cha tôi viết dòng sau đây ở trang đầu của cuốn Sổ tang Bác của riêng ông để ghi nhớ:
“Tôi là một nhà toán học hụt. Nhờ Bác và Đảng tôi đã có giúp ích ít nhiều cho Đảng và Nhà nước. Nếu không có tư tưởng cá nhân, tôi còn có thể giúp nhiều hơn nữa”.
Những ngày sống gần Bác ở Hà Nội, đặc biệt là gần Bác trên chiến khu, cha tôi đã học ở Bác Hồ rất nhiều điều của người hoạt động cách mạng chuyên nghiệp. Ngoài những kinh nghiệm thu được khi làm thư ký của Bác, trong từng hành động, việc làm và suy nghĩ của Bác từ cái nhỏ nhất đều phải học hỏi và rèn luyện.

- Về tác phong:
Cha tôi thấy Bác ở đâu, làm gì cũng không để lại dấu vết vật chất, chỉ để lại tình luyến tiếc, kính phục, người cho mình trọ cũng không nỡ và không biết gì để báo với địch. Bác làm việc rất khoa học, không thiếu, nhưng cũng không thừa. Trên bàn làm việc chỉ có cái máy chữ, còn chai mực và quản bút thì để trong ngăn kéo, có 4 cái ống tre ghi Thận (Trường Chinh), Tô (Phạm Văn Đồng), Văn (Võ Nguyên Giáp), Việt (Hoàng Quốc Việt) để công văn. Trong sổ chỉ thấy các con số, người ngoài không hiểu gì, nhưng Bác thì không quên ý nghĩa của chúng. Còn để kết luận một cuộc họp, với một mẩu giấy dài, vài cái gạch đầu dòng với nét bút chì xanh đỏ, khi bất trắc sẽ nhanh chóng phi tang. Bác sinh hoạt rất sạch sẽ vì, như Bác nói, không để vết tích, vì ý thức công cộng, vì nghèo mà mỗi người sạch một tý thì đời sống sẽ dễ chịu và nhất là sạch đồng nghĩa với không tư hữu. Bác nói vậy và kiểm tra rất chặt chẽ. Cái gì cần làm thì Bác làm, không nói, nhưng ai cũng biết vì Bác gương mẫu.

- Về cuộc sống phong phú:
Những người có dịp dự các hội nghị của Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp ở ATK sẽ không thể quên những buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ mà Bác chủ trì sau các buổi họp hoặc giữa giờ giải lao. Bác không qua sinh hoạt Hướng đạo, nhưng hoạt động này rất gần với sinh hoạt Hướng đạo nên cha tôi rất thích. Bác chủ trì, lúc đóng vai trò như MC (dẫn chương trình) bây giờ, lúc lại phải giải thích, phân tích, dạy bảo nhẹ nhàng. Có hôm Bác tự kể chuyện cười của chính mình: Hồi đang hoạt động ở Hồng Kông, Trung Quốc, có lần đi thuyền trên sông, Bác dặn dò anh em cùng hoạt động bí mật với Bác, rằng trên thuyền không được nói với nhau bằng Tiếng Việt kẻo bị lộ. Nhưng không ngờ trên thuyền Bác hút thuốc, lại ngồi đằng mũi, tàn thuốc rơi vào quần người ngồi sau, Bác vừa vội lấy tay phủi, vừa nói : “Cháy! Cháy!”. Bác giật mình vì đã phát ra tiếng mẹ đẻ, song cũng may ở Trung Quốc cùng nói tiếng Hán nhưng dân tộc khác nhau, vùng khác nhau chưa chắc đã hiểu.
Bác biết mỗi người đều có tài lẻ, nên có hôm thì Bác chỉ định ông Phan Anh ngâm Kiều, lúc thì ông Lê Văn Hiến hát bội…. Có hôm, sau Hội nghị cán bộ lần thứ 6, ông PM ngẫu hứng đóng kịch “mã hồi”, tả ông HQV đi công tác về. Vợ ông V nói cần vụ chuẩn bị một chậu nước để ông ấy lau rửa. Ông V xuống ngựa, chạy lại chậu nước, quay lưng lại, không biết rửa cái gì, chỉ biết ngay lập tức ông nhảy ngược lên vì nước nóng quá. Tối về, ông V gọi ông PM lên phê bình. Biết chuyện, lần sinh hoạt sau, Bác kể một chuyện khác: Ở Liên-xô có một ông tướng rất nóng nảy, hay quát tháo ầm ĩ, cấp dưới rất sợ. Một hôm xem kịch cùng với đ/c Stalin, trên sân khấu, một nghệ sĩ nổi tiếng Liên-xô đã hoá trang y hệt và đóng vai rất giống ông tướng đó. Màn chuẩn bị hạ, ông tướng chạy vội lên sân khấu. Ai cũng tưởng ông tướng này sẽ cho nghệ sĩ kia một trận ra trò. Nhưng ông ấy đã ôm chầm lấy người diễn viên và nói: “Không ai yêu tôi bằng anh. Có yêu tôi lắm mới quan sát kỹ tôi như vậy”. Đ/c V thầm hiểu ý Bác. Rồi cả những hôm Bác còn “tranh luận” với Cụ Phạm Bá Trực (1989-1954) một linh mục yêu nước, là Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Việt Nam DCCH khoá I, có 3 bằng tiến sĩ, về chủ đề vì sao chưa lấy vợ…

- Về tình cảm:
Trong đời thường Bác đến nhà ai một lần là nhớ. Nhớ tên, nhớ hoàn cảnh, nhất là các ông bà lớn tuổi và các cháu trẻ thơ. Riêng gia đình chúng tôi, cha tôi nhớ, Bác đặt tên cho Vinh là “bang bạnh”, Chính là đứa ốm yếu, Quang là đứa được Bác rất thương, đặt là “xã xệ”, nhưng ít được nhắc tới vì nó đã tự lực được. Bác còn tặng mẹ tôi một đồng tiền vàng in hình Bác để nuôi các cháu.
Trong tiếp khách Bác luôn thể hiện là người mến khách, dù ở tầng lớp nào, không hình thức. Đó là vì Bác luôn mở rộng hai tay, vài câu hỏi rất đúng chỗ và người khách cũng muốn được hỏi. Đã mời thuốc thì đưa thuốc và bật diêm, mời uống trà thì phải nâng cốc. Đối với phụ nữ phương Tây, nên có một bông hoa.

- Về các công cụ làm việc như ngôn ngữ, ghi chép, đọc:
Với Bác cần gì học nấy, học để làm, học với quần chúng, nhưng nội dung rất thanh tao. Học lấy những câu chung cho tất cả các ngôn ngữ và dùng đúng chỗ. Tiếng Anh của Bác không quý phái, cũng không thô, đúng là một thứ tiếng Anh … của Bác. Người Mỹ, người Anh và các nước khác nghe đều hiểu. Tiếng Việt của Bác cũng là tiếng của cả 3 miền, không của riêng miền nào và vùng nào nghe cũng thấu. Bác ở Trung Quốc lâu nên quen ghi chép bằng chữ Trung Quốc vừa gọn, đọc nhanh, mỗi chữ 1 ý lại không bị lộ, và sang nước khác thì Bác lại đóng là người Hoa vì người Hoa ở khắp nơi.
Cha tôi rất khâm phục tri thức của Bác. Bác biết rất rộng và sâu cổ văn Trung Quốc, các tôn giáo, kinh thánh cũng như Chủ nghĩa Mác Lênin. Bác rất nhớ các truyền thuyết của các dân tộc và những vấn đề lớn của khoa học tự nhiên đang đặt ra. Năm 1948, khi cha tôi viết và in xong cuốn “Nguyên tử, hạt nhân và vũ trụ tuyến”, Bác đọc lúc nào cha tôi không biết, nhưng Bác có đặt câu hỏi: “Sao chú gọi là bom nguyên tử? Đúng ra là bom hạt nhân chứ!”.

- Những điều thuộc về nguyên tắc, trách nhiệm, Bác rất kiên quyết, thẳng thắn:
Bác không bỏ qua mà phê bình rất nghiêm khắc những việc sau:
* Khi Bác vào mà mọi người trong hội nghị không đứng dậy là không tôn trọng, không phải vì cá nhân Bác, mà vì cương vị của Bác.
* Viết thư hoặc viết báo cáo lên cho Bác mà cẩu thả. Bác lấy ví dụ là hai đ/c T. và N.. Viết xong tự đọc lại không được thì ai đọc được. Bác cho hai đ/c mỗi người một quyển vở, yêu cầu tập viết trong hai quyển đó và Bác sẽ thường xuyên kiểm tra.

Với cách phê bình hoặc “mắng” của Bác với mình, cha tôi không bao giờ tự ái bởi sự chân tình và rất có ích cho những người cầu tiến. Trong Sổ tang Bác, cha tôi cũng đã viết:
“Nhớ Bác nhất những lúc Bác phê bình mình. Phấn khởi và yêu Bác nhất cũng là những lúc đó”.

Từ ngày tham gia cách mạng đến lúc xuôi tay, Bác Hồ luôn là tấm gương cho cha tôi học tập, noi theo một cách tự giác, tự nguyện và cả tự hào, rất nghiêm túc và không một chút cầu lợi cho cá nhân.




FB Tạ Chính - 21 tháng 7, 2017